Hiệp Khách Quậy Như tin đã đưa, vệ tinh thiên văn ROSAT của Đức đã đi vào khí quyển Trái đất hôm thứ bảy và chủ nhật vừa qua. Theo Cơ quan Vũ trụ Đức, đa phần vệ tinh đã cháy trụi khi chúng đi vào khí quyển ở tốc độ lên tới 450 km/h, nhưng có tới 30 mảnh vỡ cân nặng tổng cộng 1,7 tấn có thể đã rơi xuống đâu đó ở Đông... Xin mời đọc tiếp.
Như tin đã đưa, vệ tinh thiên văn ROSAT của Đức đã đi vào khí quyển Trái đất hôm thứ bảy và chủ nhật vừa qua. Theo Cơ quan Vũ trụ Đức, đa phần vệ tinh đã cháy trụi khi chúng đi vào khí quyển ở tốc độ lên tới 450 km/h, nhưng có tới 30 mảnh vỡ cân nặng tổng cộng 1,7 tấn có thể đã rơi xuống đâu đó ở Đông Nam Á.
Theo Jonathan McDowell thuộc Trung tâm Thiên văn Vật lí Harvard-Smithsonian ở Cambridge, Massachusetts, thì hai thành phố với hàng triệu dân của Trung Quốc, Chongqing và Chengdu, nằm trên đường đi của các mảnh vỡ vệ tinh.
Các phân tích dựa trên số liệu quân sự của Mĩ cho biết các mảnh vỡ vệ tinh phải rơi xuống đâu đó ở phía đông Sri Lanka trên Ấn Độ Dương, hoặc trên biển Andaman ngoài khơi Myanmar, hoặc trong nội địa Myanmar hoặc Trung Quốc.
Vệ tinh thiên văn ROSAT của Đức (Ảnh: AP Photo/EADS Astrium)
Vệ tinh ROSAT đã đi vào khí quyển từ lúc 0145 GMT đến 0215 GMT hôm chủ nhật 23/10. Các mảnh vỡ mất chừng 15 phút hoặc mau hơn để rơi tới đất. Vài giờ trước khi vệ tinh đi vào khí quyển, Cơ quan Vũ trụ Đức cho biết các mảnh vỡ không có khả năng rơi xuống châu Âu, châu Phi hoặc Australia.
Cho đến nay, chẳng có báo cáo từ chính phủ hay cơ quan vũ trụ thuộc các nước châu Á về mảnh vỡ vệ tinh rơi trên lãnh thổ của họ.
Vệ tinh ROSAT nặng 2,4 tấn được phóng lên vào năm 1990 và ngừng hoạt động vào năm 1999, sau khi đã phục vụ các nghiên cứu về lỗ đen và sao neutron, và thực hiện xong cuộc khảo sát toàn bầu trời tia X đầu tiên với một kính thiên văn ghi ảnh.
Được biết, một vệ tinh cũ của NASA cũng đã rơi xuống Nam Thái Bình Dương hồi tháng trước, chẳng gây thiệt hại gì nhưng rơi vãi các mảnh vỡ trên một khu rực rộng đến 800 km.
Theo ước tính, xác suất để một mảnh vỡ ROSAT rơi trúng người là 1/2000.
Thông tin thêm về ROSAT, mời tham khảo tại http://bit.ly/papMAA