Hải vương tinh đã từng ăn thịt một hành tinh và đánh cắp vệ tinh của nó

Hiệp Khách Quậy Hải vương tinh có lẽ đã từng nuốt chửng một siêu Trái đất có lần mon men đến phần ngoài của hệ mặt trời và đã đánh cắp vệ tinh của nó để tăng thêm sức mạnh. Hành vi tàn bạo đó có thể giải thích cho lượng nhiệt bí ẩn tỏa ra từ hành tinh băng giá này và quỹ đạo kì lạ của vệ tinh Triton của nó. Xin mời đọc tiếp.

Hải vương tinh có lẽ đã từng nuốt chửng một siêu Trái đất có lần mon men đến phần ngoài của hệ mặt trời và đã đánh cắp vệ tinh của nó để tăng thêm sức mạnh. Hành vi tàn bạo đó có thể giải thích cho lượng nhiệt bí ẩn tỏa ra từ hành tinh băng giá này và quỹ đạo kì lạ của vệ tinh Triton của nó.

Sự tồn tại của riêng Hải vương tinh là một câu đố mãi cho đến gần đây. Đám mây bụi khai sinh ra các hành tinh có lẽ đã loãng dần từ phía mặt trời ra. Với vật liệu xây dựng khá khan hiếm, thật khó hiểu nổi làm thế nào Thiên vương tinh và Hải vương tinh, hai hành tinh ngoài cùng nhất, lại có thể to lớn như vậy.

alt

Có phải Hải vương tinh đã ăn thịt một hành tinh và đánh cắp vệ tinh của nó? (Ảnh: Jet Propulsion Laboratory / NASA)

Nhưng cái gì xảy ra nếu như chúng hình thành ở gần hơn phía trong? Năm 2005, một đội các nhà khoa học đề xuất rằng những hành tinh khổng lồ đã xê dịch vị trí trong một đợt di cư thời sơ khai (New Scientist, 25/11/2006, tr.40). Trong kịch bản này, Thiên vương tinh và Hải vương tinh đã hình thành ở gần mặt trời hơn nhiều và sau đó di cư ra phía ngoài, có khả năng đã đổi chỗ trong quá trình đó.

Kịch bản đó sẽ để lại phía sau đủ vật liệu ngay bên ngoài chỗ ra đời của chúng để hình thành nên một hành tinh gấp đôi khối lượng Trái đất, theo những tính toán công bố vào năm 2008 bởi Steven Desch thuộc trường đại học Bang Arizona ở Tempe.

Vệ tinh Triton kì lạ của Hải vương tinh có lẽ đã từng là một cặp với siêu Trái đất giả thuyết này. Desch và người đồng nghiệp Simon Porter vừa cho biết như vậy. Triton lớn hơn Pluto, và nó chuyển động trong quỹ đạo của nó ngược hướng với chuyển động quay của Hải vương tinh, cho thấy nó không hình thành ở đó, mà thay vì vậy, nó là tù binh bị bắt giữ.

Để Hải vương tinh bắt giữ được Triton, vệ tinh này sẽ phải chuyển động hết sức chậm. Một cách làm như vậy là cho Triton có một đối tác mang đi đa phần động năng của cặp thiên thể sau một cú chạm trán với Hải vương tinh. Năm 2006, các nhà nghiên cứu cho rằng Triton ban đầu ghép cặp với một vật thể khác có kích cỡ tương đương, rồi cặp thiên thể này bị xé toạc ra bởi lực hấp dẫn sau khi chúng liều lĩnh đến gần Hải vương tinh (New Scientist, 13/5/2006, tr. 8).

Nhưng Triton có thể còn chậm hơn nữa nếu như cựu đối tác của nó là một siêu Trái đất to nặng. Đó là vì vật thể càng nặng thì mang đi càng nhiều động năng của cặp, Desch tính được như vậy trong một nghiên cứu trình bày hồi đầu tháng này tại Hội nghị Khoa học Mặt trăng và Hành tinh học ở Houston, Texas. “Sẽ dễ bắt giữ Triton hơn rất nhiều nếu nưh nó đang quay xung quanh một vật thể nào đó lớn hơn”, ông nói.

Hải vương tinh có thể đã nuốt chửng siêu Trái đất kia. Nhiệt còn lại từ cú va chạm có thể giải thích vì sao hành tinh này phát ra nhiều nhiệt hơn người anh em Thiên vương tinh của nó, hành tinh có khối lượng và thành phần tương tự, Desch nói.

Nhưng Douglas Hamilton ở trường đại học Maryland, College Park, một trong những tác giả của nghiên cứu năm 2006 đề xuất rằng Triton có một vật thể song sinh đã bị mất từ lâu, cho biết những vật thể càng nhỏ sẽ càng phổ biến trong hệ mặt trời sơ khai, trước khi sự di cư hành tinh quét sạch phần nhiều trong số chúng. Do đó, Hải vương tinh có nhiều cơ hội “cuỗm” lấy Triton từ một trong những vật thể “yếu đuối” này, thay vì “chôm” từ một siêu Trái đất hiếm hơn nhiều, cho nên lời giải thích đó có lẽ vẫn có khả năng hơn, ông nói. Cho dù vậy, ông cũng không bác bỏ ý kiến của Desch: “Thật đáng theo đuổi xem nó sẽ đưa chúng ta tới đâu”.

Theo New Scientist


Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm