Phát hiện ba hành tinh nằm trong vùng ở được của một ngôi sao

Hiệp Khách Quậy Một đội thiên văn vừa kết hợp các quan trắc mới của hệ Gliese 667C với số liệu hiện có từ kính thiên văn 3,6 m HARPS của ESO ở Chile, tìm thấy một hệ với ít nhất là sáu hành tinh. Ba hành tinh trong số này là những siêu Trái đất nằm trong vùng ở được xung quanh ngôi sao, nơi nước lỏng có thể tồn tại,... Xin mời đọc tiếp.

Một đội thiên văn vừa kết hợp các quan trắc mới của hệ Gliese 667C với số liệu hiện có từ kính thiên văn 3,6 m HARPS của ESO ở Chile, tìm thấy một hệ với ít nhất là sáu hành tinh. Ba hành tinh trong số này là những siêu Trái đất nằm trong vùng ở được xung quanh ngôi sao, nơi nước lỏng có thể tồn tại, khiến chúng là ứng cử viên khả dĩ cho sự có mặt của sự sống. Đây là hệ đầu tiên được tìm thấy có vùng ở được có chứa nhiều hành tinh.

Gliese 667C là một ngôi sao đã được nghiên cứu kĩ lưỡng. Chỉ bằng hơn một phần ba khối lượng của Mặt trời, nó là một bộ phận thuộc một hệ ba sao tên gọi là Gliese 667 (còn gọi là GJ 667), ở cách chúng ta 22 năm ánh sáng theo hướng chòm sao Scorpius. Hệ này khá gần chúng ta – trong vùng láng giềng của Mặt trời – và gần hơn nhiều so với những hệ sao đã được nghiên cứu bằng các kính thiên văn như kính thiên văn vũ trụ Kepler.

Gliese 667Cd

Hình minh họa quang cảnh trên hành tinh ngoại Gliese 667Cd thuộc hệ ba sao Gliese 667C.

Những nghiên cứu trước đây của Gliese 667C tìm thấy ngôi sao có chứa ba hành tinh với một hành tinh nằm trong vùng ở được. Nay một đội thiên văn đứng đầu là Guillem Anglada-Escudé thuộc trường Đại học Göttingen ở Đức, và Mikko Tuomi thuộc trường Đại học Hertfordshire ở Anh đã khảo sát lại hệ sao đó. Họ bổ sung thêm các quan trắc HARPS, cùng với số liệu từ Kính thiên văn Rất Lớn của ESO, Đài thiên văn W.M. Keck và Kính thiên văn Magellan, cho bức tranh hiện có. Đội đã tìm thấy bằng chứng cho sáu hành tinh quay xung quanh ngôi sao đó.

Những hành tinh này quay xung quanh ngôi sao mờ thứ ba trong hệ ba sao trên. Nhìn từ một trong những hành tinh mới tìm thấy này, hai mặt trời kia sẽ trông giống như một cặp sao rất sáng vào ban ngày và về đêm chúng sáng ngang ngửa như mặt trăng ngày rằm. Những hành tinh mới nằm hoàn toàn trong vùng ở được của hệ Gliese 667C.

Sơ đồ hệ hành tinh Gliese 667C

Sơ đồ hệ hành tinh Gliese 667C

“Chúng tôi đã biết từ những nghiên cứu trước đây rằng ngôi sao đó có ba hành tinh, vì thế chúng ta muốn xem chúng có thêm hành tinh nào nữa không,” Tuomi nói. “Bằng cách bổ sung thêm những quan trắc mới và xét lại số liệu hiện có, chúng tôi đã có thể xác nhận ba hành tinh này và tin rằng sẽ còn có hành tinh khác nữa. Việc tìm thấy ba hành tinh khối lượng nhỏ nằm trong vùng ở được của ngôi sao là rất hấp dẫn!”

Ba hành tinh trong số này đã được xác nhận là những siêu Trái đất – những hành tinh có khối lượng lớn hơn Trái đất, nhưng nhỏ hơn các hành tinh như Thiên Vương tinh hoặc Hải Vương tinh – chúng nằm trong vùng ở được của ngôi sao, một lớp vỏ mỏng vây quanh một ngôi sao trong đó nước có thể tồn tại ở dạng lỏng nếu các điều kiện là thích hợp.

Những hệ sao nhỏ như hệ mặt trời của chúng ta đã được tìm thấy là có mặt dồi dào trong Dải Ngân hà. Xung quanh những ngôi sao như thế, các hành tinh quay gần ngôi sao mẹ rất nóng và không có khả năng ở được. Nhưng điều này không đúng đối với những ngôi sao nguội hơn và mờ hơn như Gliese 667C. Trong trường hợp này, vùng ở được nằm hoàn toàn trong khoảng cỡ bằng quỹ đạo của Thủy tinh, tức là gần hơn nhiều so với vùng ở được trong hệ mặt trời của chúng ta. Hệ Gliese 667C là ví dụ đầu tiên của một hệ trong đó người ta tìm thấy một ngôi sao khối lượng thấp có chứa vài hành tinh đất đá nằm trong vùng ở được.

Tham khảo bài báo gốc: http://www.eso.org/public/archives/releases/sciencepapers/eso1328/eso1328a.pdf

Nguồn: ESO

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm