Hiệp Khách Quậy Hệ Alpha Centauri – hệ sao gần Trái đất nhất, chỉ ở xa 4,3 năm ánh sáng – lâu nay vẫn nằm trong giấc mơ của các nhà tương lai học vũ trụ. Bây giờ hệ sao này còn trở nên hấp dẫn hơn khi mà các nhà thiên văn học người châu Âu vừa công bố khám phá ra một hành tinh có khối lượng ngang ngửa với Trái đất đang... Xin mời đọc tiếp.
Hệ Alpha Centauri – hệ sao gần Trái đất nhất, chỉ ở xa 4,3 năm ánh sáng – lâu nay vẫn nằm trong giấc mơ của các nhà tương lai học vũ trụ. Bây giờ hệ sao này còn trở nên hấp dẫn hơn khi mà các nhà thiên văn học người châu Âu vừa công bố khám phá ra một hành tinh có khối lượng ngang ngửa với Trái đất đang quay xung quanh một ngôi sao trong hệ Alpha Centauri. Hành tinh này – quay xung quanh ngôi sao Alpha Centauri B – còn là hành tinh ngoại nhẹ cân nhất từng được phát hiện quay xung quanh một ngôi sao giống với mặt trời của chúng ta. Các nhà thiên văn công bố những kết quả của họ trên số ra trực tuyến của tạp chí Nature, ngày 17 tháng 10, 2012.
Hình minh họa Alpha Centauri B và hành tinh của nó, Alpha Centauri A và Mặt trời của chúng ta.
Alpha Centauri là một trong những hệ sao sáng nhất có thể nhìn thấy từ Bán cầu Nam của Trái đất. Cái có vẻ như một ngôi sao trước mắt bạn thật ra là hai ngôi sao liên kết hấp dẫn với nhau, và một ngôi sao thứ ba, Proxima, ở gần đó. Thật ra Proxima chính là ngôi sao gần hệ mặt trời của chúng ta nhất, nhưng xét nguyên tổng thể thì hệ sao Alpha Centauri được xem là hệ sao gần nhất với Trái đất và Mặt trời của chúng ta.
Hai ngôi sao lớn nhất trong hệ Alpha Centauri giống với Mặt trời của chúng ta. Chúng được đặt tên là Alpha Centauri A và B. Hành tinh mới phát hiện quay xung quanh Alpha Centauri B, đó là ngôi sao hơi nhỏ hơn và kém sáng hơn Mặt trời của chúng ta. Hành tinh trên có khối lượng lớn hơn khối lượng của Trái đất một chút. Nó quay cực kì gần ngôi sao của nó – chỉ cách khoảng bốn triệu dặm, tức khoảng sáu triệu km. Để so sánh, Thủy tinh – hành tinh có quỹ đạo hẹp nhất trong Hệ Mặt trời của chúng ta – quay cách Mặt trời từ 50 triệu đến 70 triệu dặm. Trái đất quay cách Mặt trời 93 triệu dặm (150 triệu km).
Vì thế, bạn có thể thấy hành tinh này ở quá gần Alpha Centauri B. Nó không nằm trong vùng ở được của ngôi sao – tức vùng mà trong đó nước lỏng có thể tồn tại trên bề mặt hành tinh. Sự sống như chúng ta biết đòi hỏi có nước lỏng. Như vậy rất không có khả năng có sự sống trên hành tinh mới phát hiện trên.
Bầu trời sẽ trông như thế nào từ hành tinh này, nếu như có sinh vật sinh sống trên đó để nhìn ngắm? Trước tiên, mặt trời của nó – Alpha Centauri – sẽ thống ngự bầu trời ban ngày của hành tinh. Lúc ban đêm, ngôi sao lớn kia trong hệ, Alpha Centauri A, sẽ tỏa sáng trên bầu trời của nó, mặc dù Alpha Centauri A ở xa hành tinh hơn Alpha Centauri B đến hàng trăm lần.
Đội nghiên cứu người châu Âu phát hiện ra hành tinh mới trên qua thiết bị HARPS – viết tắt cho High Accuracy Radial Velocity Planet Searcher – gắn trên kính thiên văn 3,6 m tại Đài thiên văn La Silla thuộc ESO quản lí ở Chile. Nói cách khác, thiết bị này được thiết kế đặc biệt để tìm kiếm những hành tinh ở xa. Nó hoạt động trên nguyên lí rằng một hành tinh không chỉ quay xung quanh ngôi sao của nó; thay vậy, hành tinh và ngôi sao có một quỹ đạo tương hỗ. Chúng quay xung quanh một khối tâm chung.
Với HARPS, các nhà thiên văn có thể phát hiện ra những chao đảo hết sức nhỏ trong chuyển động của ngôi sao Alpha Centauri B gây ra bởi quỹ đạo tương hỗ của nó với hành tinh đang quay xung quanh của nó. Hiệu ứng là nhỏ - nó làm cho ngôi sao dao động tới lui chưa tới hơn 51 cm/s (1,8 km/h), khoảng bằng tốc độ bò trườn của một đứa trẻ nhỏ. Vậy làm thế nào phát hiện ra được? Bởi vì công nghệ tiến bộ đã cho phép các nhà thiên văn nhìn thấy chuyển động nhỏ xíu này. Theo các nhà thiên văn, khám phá này có độ chính xác cao nhất từng đạt được với phương pháp này.
Ảnh chụp của hệ sao Alpha Centauri. (Ảnh: ESO/Digitized Sky Survey 2, Davide De Martin)
Đây là hành tinh đầu tiên có khối lượng tương đương với Trái đất từng được tìm thấy quay xung quanh một ngôi sao giống với mặt trời. Nó quay quá gần ngôi sao của nó. Hành tinh này phải quá nóng cho sự sống tồn tại như chúng ta biết. Nhưng, theo các nhà thiên văn, nó có thể chỉ là một hành tinh trong một hệ gồm vài hành tinh.
123physics (thuvienvatly.com)
Nguồn: EarthSky.org