Hiệp Khách Quậy Các nhà thiên văn vừa công bố một khám phá mới có ý nghĩa lớn đối với lĩnh vực nghiên cứu sự sống ngoài Trái Đất: Một hệ hành tinh với một số hành tinh cỡ Trái Đất có khả năng chứa nước lỏng và, do đó, có khả năng có sự sống. Xin mời đọc tiếp.
Các nhà thiên văn vừa công bố một khám phá mới có ý nghĩa lớn đối với lĩnh vực nghiên cứu sự sống ngoài Trái Đất: Một hệ hành tinh với một số hành tinh cỡ Trái Đất có khả năng chứa nước lỏng và, do đó, có khả năng có sự sống.
Các nhà khoa học làm việc với các kính thiên văn tại Đài thiên văn Nam châu Âu và NASA vừa công bố một khám phá mới đáng chú ý: Cả một hệ hành tinh cỡ Trái Đất. Nếu thế vẫn chưa đủ, thì đội khoa học khẳng định rằng các phép đo tỉ trọng của các hành tinh cho biết sáu hành tinh trong cùng là các thế giới đất đá giống Trái Đất.
Và thế mới là khởi đầu thôi.
Ảnh minh họa TRAPPIST-1 cùng 7 hành tinh của nó. Ảnh: Wikipedia
Ba trong số các hành tinh nằm trong vùng ở được của ngôi sao. Nếu bạn không quen với thuật ngữ trên, thì vùng ở được (còn gọi là “vùng goldilocks”) là khu vực xung quanh một ngôi sao trong đó nước lỏng có thể tồn tại trên lí thuyết. Điều này có nghĩa là cả ba ngoại thế giới này có khả năng chứa cả đại dương nước, làm tăng đáng kể khả năng có sự sống. Các hành tinh còn lại ít có khả năng chứa các đại dương nước hơn, nhưng đội nghiên cứu cho biết nước lỏng vẫn có khả năng có mặt trên mỗi hành tinh này.
Tác giả đứng tên đầu bài báo Michaël Gillon lưu ý rằng hệ mặt trời này (tên là TRAPPIST-1) có số lượng nhiều nhất các hành tinh cỡ Trái Đất được tìm thấy cho đến nay và số lượng lớn nhất hành tinh có thể chứa nước lỏng: “Đây là một hệ hành tinh hấp dẫn – không những vì chúng tôi tìm thấy nhiều hành tinh như vậy, mà còn bởi vì chúng đều có kích cỡ giống bất ngờ với Trái Đất!”
Đồng tác giả Amaury Triaud lưu ý rằng ngôi sao trong hệ này là một “sao lùn cực nguội”, và ông làm rõ điều này có ý nghĩa gì trong liên hệ với hành tinh: “Năng lượng phát ra từ các sao lùn như TRAPPIST-1 yếu hơn nhiều so với của Mặt Trời của chúng ta. Các hành tinh sẽ phải ở trong quỹ đạo gần hơn nhiều so với chúng ta thấy trong Hệ Mặt Trời để có nước trên bề mặt. May thay, dường như loại sắp xếp nhỏ gọn như vậy đúng là cái chúng tôi thấy xung quanh TRAPPIST-1.”
Hệ mặt trời này ở cách chúng ta 40 năm ánh sáng. Ở quy mô vũ trụ thì như thế là láng giềng gần. Tất nhiên, nói cho thực tế thì chúng ta vẫn cần hàng trăm triệu năm mới đi tới nơi với công nghệ ngày nay – nhưng một lần nữa, cái đáng chú ý ở kết quả này là về khả năng có sự-sống-như-chúng-ta-biết ở bên ngoài Trái Đất.
Hơn nữa, công nghệ của tương lai có thể đưa chúng ta đến với hệ này nhanh hơn nhiều.
Những khám phá mới này đồng nghĩa là TRAPPIST-1 có tầm quan trọng đáng ghi nhớ cho nghiên cứu trong tương lai. Kính thiên văn vũ trụ Hubble đã và đang được khai thác để tìm kiếm khí quyển xung quanh các hành tinh, và Emmanuël Jehin, một nhà khoa học làm việc trong nghiên cứu trên, khẳng định rằng các kính thiên văn tương lai có thể cho phép chúng ta thật sự nhìn vào trung tâm của hệ này: “Với thế hệ kính thiên văn sắp tới, ví dụ như Kính thiên văn châu Âu Cực Lớn của ESO và Kính thiên văn vũ trụ James Webb của NASA/ESA/CSA, chúng ta sẽ sớm có thể tìm thấy nước và có lẽ cả bằng chứng của sự sống trên những thế giới này.”
Nguồn: ESO, NASA