Tạm biệt Kepler, thiết bị săn hành tinh thành công nhất

Hiệp Khách Quậy Đã lâu rồi Kepler nhỉ, và cảm ơn vì mọi thế giới ngoại hành tinh. Thiết bị dò tìm hành tinh sinh lợi nhất từng được chế tạo nay đã yên nghỉ, dành thời gian cho các nhà thiên văn phản tỉnh về một kỉ nguyên khám phá chưa có tiền lệ. Xin mời đọc tiếp.

Bài của Daniel Cossins trên tạp chí New Scientist ngày 10/11/2018

Đã lâu rồi Kepler nhỉ, và cảm ơn vì mọi thế giới ngoại hành tinh. Thiết bị dò tìm hành tinh sinh lợi nhất từng được chế tạo nay đã yên nghỉ, dành thời gian cho các nhà thiên văn phản tỉnh về một kỉ nguyên khám phá chưa có tiền lệ.

Vào ngày 30 tháng Mười vừa qua, NASA xác nhận rằng, sau gần một thập kỉ phục vụ, Kính thiên văn Vũ trụ Kepler cuối cùng đã cạn kiệt nhiên liệu. Điều này có nghĩa là nó không còn khả năng tự định hướng để trỏ đến các sao hay gửi dữ liệu về Trái Đất nữa. Nó sẽ trải qua quãng đời hưu trí trong một quỹ đạo vĩnh cửu vòng quanh Mặt Trời, cứ thế dần dần chuyển động ra xa quê nhà. Song di sản Kepler để lại thì chẳng hề lu mờ.

“Nó đã xác nhận hết sức rõ ràng cái mọi người chúng ta đang hi vọng, đó là các hành tinh là phổ biến trong thiên hà,” theo lời Joshua Winn, một nhà thiên văn tại Đại học Princeton. Trong quá trình ấy, nó đã làm chuyển biến nhận thức của chúng ta về vũ trụ. Ngày nay chúng ta biết rằng hầu như mỗi sao trên bầu trời đều có một tập hợp thế giới hành tinh của riêng nó, và rằng nhiều hệ mặt trời như thế không giống với hệ mặt trời của chúng ta.

Lúc Kepler rời bệ phóng vào năm 2009, chúng ta chỉ mới tìm thấy 300 hành tinh ở ngoài hệ Mặt Trời. Kể từ đó, nó đã nhận dạng thêm chừng 2300 nữa và hàng nghìn hành tinh đang chờ xác nhận. Trong số tất cả ngoại hành tinh mà chúng ta tìm thấy, chừng 70% là do Kepler phát hiện, nó săm soi một vạt nhỏ của bầu trời tìm kiếm các dấu hiệu lu mờ độ sáng của các sao khi các ngoại hành tinh đi qua phía trước chúng, gọi là phương pháp đi qua.

Di sản Kepler

Các con số thật ấn tượng. Tuy nhiên, cái thật sự làm thay đổi tầm nhìn của chúng ta là sự vô cùng đa dạng của các hệ hành tinh của mẻ lưới thu được, và những bất ngờ mà chúng chứa đựng. Chúng ta đã nhìn thấy những hành tinh khí khổng lồ và những thế giới đá bé nhỏ quay xung quanh ngôi sao của chúng ở cự li gần hơn chúng ta từng hình dung; các hành tinh quay xung quanh hai mặt trời, giống như Tatooine trong Stars War; và các hành tinh gần như có chung quỹ đạo, đó sẽ là một món mồi ngon cho thảm họa.

“Kepler đã thật sự giật sập bức màn che để làm lộ ra mọi kiểu hệ thống lạ lẫm và tuyệt vời rốt lại có thể giúp chúng ta hiểu được tiến trình hình thành hành tinh,” Winn nói.

Nó cũng dạy cho chúng ta một bài học quan trọng về nơi tìm kiếm các thế giới có thể dung dưỡng sự sống. Sứ mệnh của nó là tìm kiếm các hành tinh giống-Trái Đất trong các vùng ở được, trong đó các điều kiện là thích hợp cho sự sống, xung quanh các sao giống-Mặt Trời. Nó đã tìm thấy một ít – đếm tổng cộng là 30 – nhưng hóa ra thì các thế giới có tiềm năng ở được là phổ biến ở xung quanh các sao lùn đỏ vốn nguội hơn và nhỏ hơn Mặt Trời.

Con dấu xác nhận của các sao lạnh hơn này là vùng ở được của chúng ở gần hơn nhiều, nghĩa là các hành tinh cư trú trong vùng ngọt ngào đó sẽ đi qua ngôi sao của chúng thường xuyên hơn. Điều đó khiến ta dễ tìm kiếm và nghiên cứu chúng hơn, thành ra một số nhà thiên văn hiện nay đã chuyển tiêu điểm chú ý của họ sang các sao lùn đỏ.

“Kepler đã thiết lập nền tảng cho điều đó, và cho mọi điều khác ở chân trời vào lúc này,” phát biểu của Courtney Dressing tại Đại học California, Berkeley.

NASA vừa mới phóng thiết bị kế nghiệp của Kepler, Vệ tinh Thám hiểm Ngoại hành tinh Đi qua (Transiting Exoplanet Survey Satellite), nó sẽ quét qua phần lớn bầu trời, duyệt qua ít nhất 200.000 ngôi sao láng giềng. Rồi còn một vài đài thiên văn mặt đất nữa, bao gồm SPECULOOS trong sa mạc Atacama ở Chile, nó đã giám sát 500 sao lùn cực nguội kể từ tháng Mười Hai năm 2017. Nguyên mẫu của nó đã tìm thấy bảy hành tinh đá xung quanh một hệ sao gọi là TRAPPIST-1, ba trong số chúng nằm trong vùng ở được.

“Ưu điểm của các hành tinh mà SPECULOOS đang tìm kiếm là các nghiên cứu khí quyển có thể thực hiện được,” phát biểu của Amaury Triaud, một thành viên của đội nghiên cứu, tại Đại học Birmingham, Anh. Chúng ta cũng đã nhìn thấy một số thời tiết trên các ngoại hành tinh, song không chi tiết cho lắm. SPECULOOS và các đài thiên văn mới khác như Kính thiên văn Vũ trụ James Webb sẽ cho phép chúng ta học được nhiều hơn về các điều kiện trên các hành tinh khác – và làm rõ xem có bất kì hành tinh nào trong số chúng có chứa đựng sự sống hay không.

Nguồn: New Scientist

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm