Hiệp Khách Quậy Với khám phá của CERN về boson Higgs, tên tuổi của Peter Higgs được cả thế giới biết đến. Nhưng theo Cark Hagen, còn có bốn nhà khoa học khác đáng được tôn vinh nữa. Theo ông, đã đến lúc chúng ta nên đặt tên chính thức cho hạt hạ nguyên tử mà báo giới quen gọi là hạt thần thánh này. Xin mời đọc tiếp.
Với khám phá của CERN về boson Higgs, tên tuổi của Peter Higgs được cả thế giới biết đến. Nhưng theo Cark Hagen, còn có bốn nhà khoa học khác đáng được tôn vinh nữa. Theo ông, đã đến lúc chúng ta nên đặt tên chính thức cho hạt hạ nguyên tử mà báo giới quen gọi là hạt thần thánh này.
Hồi năm 1964, Peter Higgs đã phát triển một lí thuyết giải thích làm thế nào những hạt hạ nguyên tử khác lại có khối lượng. Nhưng năm nhà nghiên cứu khác độc lập nhau cũng đi tới kết luận giống như vậy và có những đóng góp quan trọng cho khái niệm đó – một nhóm nhà vật lí bao gồm Francois Englert, Gerald Guralnik, Tom Kibble, Robert Brout, và Carl Hagen ở trường Đại học Rochester.
Hồi năm ngoái, khi khám phá hạt Higgs được công bố, năm nhà khoa học trên đã có mặt tại một cuộc họp báo – nhưng chính Peter Higgs mới nhận được sự tán thưởng lớn từ hàng ghế khán giả.
Hơi ngán ngẩm – và xét đến khả năng trao giải Nobel nữa – Hagen nói đủ thì đủ rồi; đã đến lúc nên biết tới công sức của những người khác nữa.
"Peter Higgs được xem như ngôi sao nhạc rock và phần còn lại trong số chúng tôi ít nhận được sự công nhận của phần lớn khán giả. Rõ ràng Higgs là cái tên thống lĩnh bởi thực tế tên của ông đã trở nên gắn liền với hạt boson,” Hagen phát biểu với BBC World News. “Việc tôn vinh một cá nhân đã làm giáng hạ sự đóng góp của những người khác cho nghiên cứu ấy. Mặc dù tôi không khởi xướng chiến dịch thay đổi tên gọi này, nhưng tôi hoan nghênh nó (nếu có).”
Tuy nhiên, chẳng biết tên gọi của hạt boson có thể thay đổi như thế nào. Trước nay, các hạt có xu hướng được đặt tên theo người (hoặc bởi người) đã dự đoán chúng.
Nhưng tại một hội nghị vật lí hồi tháng trước, các nhà nghiên cứu đã được khuyến nghị gọi hạt boson mới là “Boson Vô hướng SM”. Bản thân Hagen thích gọi nó là “Meson Vô hướng Mô hình Chuẩn”, hay SM2 (Standard Model Scalar Meson). Một khả năng nữa là ghép chữ từ tên của sáu nhà khoa học có liên quan, đại loại như “BEHGHK” theo âm tiếng Anh đọc là “berk”.
Theo quy chế, chỉ có tối đa ba nhà khoa học được nhận chung một giải Nobel cho một khám phá hay đột phá nhất định. Hagen thì muốn cả sáu người cùng nhận giải (nếu giải thưởng được trao), cùng với đội khoa học và kĩ sư làm việc tại Máy Va chạm Hadron Lớn ở CERN.
Nguồn: BBC