Xác nhận hành tinh ngoại đầu tiên nằm trong vùng ở được

Hiệp Khách Quậy Sáng ngày 5/12, các nhà khoa học thuộc sứ mệnh Kepler đã công bố lần đầu tiên đã xác nhận được một hành tinh ngoại (hành tinh ngoài hệ mặt trời) có quỹ đạo nằm trong vùng ở được xung quanh một ngôi sao kiểu Mặt trời – vùng trong... Xin mời đọc tiếp.

Sáng ngày 5/12, các nhà khoa học thuộc sứ mệnh Kepler đã công bố lần đầu tiên đã xác nhận được một hành tinh ngoại (hành tinh ngoài hệ mặt trời) có quỹ đạo nằm trong vùng ở được xung quanh một ngôi sao kiểu Mặt trời – vùng trong đó nước lỏng có thể tồn tại trên bề mặt của một hành tinh đất đá giống như Trái đất. Bằng chứng cho những hành tinh khác cũng đã được Kepler tìm thấy, nhưng đây là sự xác nhận đầu tiên. Hành tinh trên, gọi là Kepler-22b, chỉ lớn khoảng 2,4 lần bán kính Trái đất, là hành tinh nhỏ nhất tìm thấy trong một vùng ở được tính cho đến nay, và quay xung quanh ngôi sao của nó, Kepler-22, trong 290 ngày. Nó ở cách Trái đất khoảng 600 năm ánh sáng, và ngôi sao Kepler-22 chỉ hơi nhỏ hơn và nguội hơn Mặt trời của chúng ta một chút. Vì khối lượng của nó chưa được biết, nên chẳng rõ nó là một hành tinh đá hay là một hành tinh khí, nhưng việc khám phá ra nó là một bước tiến bộ hướng đến việc tìm thấy những thế giới kiểu Trái đất đang quay xung quanh những ngôi sao khác. Một khám phá rất hấp dẫn, nhưng vẫn còn nhiều cái để tìm hiểu thêm…

 Ảnh minh họa Kepler-22b

Ảnh minh họa Kepler-22b. Ảnh: NASA/Ames/JPL-Caltech

Các nhà khoa học cũng công bố rằng Kepler đã tìm thấy thêm 1094 ứng cử viên hành tinh, làm tăng con số ấy hiện nay lên 2326! Tức là đã tăng 89% kể từ lần cập nhật gần đây nhất hồi tháng 2. Trong số này, 207 có kích cỡ gần bằng Trái đất, 680 có kích cỡ siêu Trái đất, 1181 có kích cỡ Hải vương tinh, 203 có kích cỡ Mộc tinh, và 55 có kích cỡ lớn hơn Mộc tinh. Những kết quả này tiếp tục xu hướng quan sát đã thấy trước đó, trong đó những hành tinh nhỏ rõ ràng là có nhiều hơn so với những hành tinh khí khổng lồ. Con số ứng cử viên cỡ Trái đất đã tăng hơn 200% và con số ứng cử viên siêu Trái đất đã tăng 140%.

Theo Natalie Batalha, người đứng đầu đội khoa học Kepler tại trường Đại học San Jose ở San Jose, California, “Sự tăng vọt con số những ứng cử viên cỡ Trái đất cho chúng ta biết rằng chúng ta đang gọt dũa trên những hành tinh mà Kepler được thiết kế để phát hiện: những hành tinh không những có kích cỡ Trái đất, mà còn nằm trong vùng có khả năng ở được. Chúng ta thu thập thêm càng nhiều dữ liệu, thì con mắt của chúng ta càng sắc sảo hơn trong việc tìm kiếm những hành tinh nhỏ nhất với chu kì quỹ đạo dài hơn.”

 So sánh hệ Kepler-22 với hệ mặt trời của chúng ta

So sánh hệ Kepler-22 với hệ mặt trời của chúng ta. Ảnh: NASA/Ames/JPL-Caltech

Về Kepler-22b, William Borucki, nhà nghiên cứu Kepler chính tại Trung tâm Nghiên cứu Ames NASA ở Moffett Field, California, phát biểu: “Vận may đã mỉm cười với chúng tôi khi phát hiện ra hành tinh này. Lần đi qua đầu tiên được chụp ảnh vừa vặn ba ngày sau khi chúng tôi tuyên bố phi thuyền vũ trụ đã sẵn sàng hoạt động. Chúng tôi đã chứng kiến sự đi qua rõ ràng lần thứ ba vào màu nghỉ lễ năm 2010.”

Theo Universe Today

Mời đọc thêm