Hiệp Khách Quậy Một nghiên cứu mới đề xuất rằng số lượng hành tinh ‘có thể ở được’ chỉ tính riêng trong Dải Ngân hà có thể lên tới 60 tỉ. Xin mời đọc tiếp.
Một nghiên cứu mới đề xuất rằng số lượng hành tinh ‘có thể ở được’ chỉ tính riêng trong Dải Ngân hà có thể lên tới 60 tỉ.
Nghiên cứu trước đây do một đội nghiên cứu tại Đại học Harvard tiến hành đề xuất rằng có một hành tinh cỡ Trái đất nằm trong vùng ở được của mỗi sao lùn đỏ. Nhưng các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago và Đại học Northwestern vừa tính toán lại với vùng ở được và tăng gấp đôi con số ước tính này.
Đội nghiên cứu, do tiến sĩ Jun Yang chỉ đạo, đã xét thêm một biến trong các tính toán của họ: độ bao phủ mây. Đa số hành tinh ngoài hệ mặt trời bị khóa lực thủy triều với ngôi sao chủ của chúng – một bán cầu liên tục nhìn về phía ngôi sao, còn bán cầu kia thì hướng ra xa (giống như Mặt trăng đối với Trái đất). Những hành tinh bị khóa lực thủy triều này có một phía ban ngày vĩnh viễn và một phía ban đêm vĩnh viễn.
Hình minh họa các hệ hành tinh trong Dải Ngân hà. Ảnh: Wikipedia
Người ta nghĩ rằng gradient nhiệt độ giữa hai phía là rất cao, vì phía ban ngày liên tục nhận bức xạ từ ngôi sao đến, còn phía ban đêm thì luôn nằm trong bóng tối. Nhưng các mô phỏng có tính đến độ bao phủ mây cho thấy điều này là không đúng.
Phía ban ngày bị mây bao phủ, dẫn tới một cơ chế “hồi tiếp ổn định mây” đối với khí hậu. Nó có suất phản chiếu mây cao hơn (nhiều ánh sáng bị mây phản xạ hơn) và hiệu ứng nhà kính yếu hơn. Sự có mặt của các đám mây thật ra làm cho phía ban ngày nguội hơn nhiều so với người ta nghĩ.
“Những hành tinh bị khóa lực thủy triều có nhiệt độ bề mặt đủ thấp để có thể ở được,” Yang giải thích trong bài báo mới công bố của ông. Sự bao phủ mây có tác dụng hiệu quả đến mức nó mở rộng vùng ở được lên gấp hai lần bức xạ sao. Những hành tinh nằm gần ngôi sao chủ của chúng bằng một nửa ước tính trước đây vẫn đủ nguội để thích hợp cho sự sống.
Nhưng những thống kê mới này không chỉ áp dụng cho vài ba ngôi sao. Sao lùn đỏ “tiêu biểu cho khoảng ¾ số lượng sao trong thiên hà, nên nó áp dụng cho một số lượng lớn hành tinh,” tiến sĩ Abbot, đồng tác giả của bài báo, phát biểu với trang Universe Today. Nó làm tăng gấp đôi số lượng hành tinh trước đây người ta nghĩ là có thể ở được trong toàn thiên hà.
Không những vùng ở được xung quanh sao lùn đỏ mở rộng hơn nhiều, mà sao lùn đỏ còn sống trong khoảng thời gian lâu hơn nhiều. Thật vậy, Vũ trụ không đủ già cho bất kì ngôi sao sống-thọ này kịp chết. Điều này mang đến thêm quỹ thời gian cần thiết cho sự sống hình thành. Xét cho cùng, mất 4,5 tỉ năm thì loài người mới xuất hiện trên hành tinh Trái đất.
Các quan trắc trong tương lai sẽ xác thực mô hình này bằng cách đo nhiệt độ mây. Ở phía ban ngày, chúng ta sẽ chỉ có thể nhìn thấy những đám mây lạnh trên cao. Một hành tinh giống với mô hình này, do đó, sẽ trông rất lạnh ở phía ban ngày. Thật vậy, “một hành tinh thật sự biểu hiện cơ chế hồi tiếp mây sẽ có phía ban đêm trông nóng hơn cả phía ban ngày,” Abbot nói.
Hiệu ứng này sẽ có thể kiểm tra được bằng Kính thiên văn vũ trụ James Webb. Và như vậy, thiên hà Ngân hà của chúng ta có khả năng có đông đúc sự sống.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Astrophysical Journal Letters. Tham khảo bản thảo của bài báo: http://arxiv.org/abs/1307.0515
Theo Universe Today