Hiệp Khách Quậy Trong vật lí hạt, mùi chẳng liên can gì với những bông hoa yêu thích của bạn hết. Thay vậy, thuật ngữ này ám chỉ những loại hạt khác nhau. Có sáu “mùi”, hay sáu biến thể, của quark: lên (up), xuống (down), lạ (strange), duyên (charm), đáy (bottom), và đỉnh (top). Bên cạnh đó, còn có sáu mùi lepton: electron,... Xin mời đọc tiếp.
Flavor (Mùi)
Trong vật lí hạt, mùi chẳng liên can gì với những bông hoa yêu thích của bạn hết. Thay vậy, thuật ngữ này ám chỉ những loại hạt khác nhau. Có sáu “mùi”, hay sáu biến thể, của quark: lên (up), xuống (down), lạ (strange), duyên (charm), đáy (bottom), và đỉnh (top). Bên cạnh đó, còn có sáu mùi lepton: electron, muon và tau, và các neutrino tương ứng của chúng (neutrino electron, muon và tau).
Color (Màu)
Hãy dẹp hộp bút màu của bạn sang bên. Màu, giống như mùi, là một cách khác để phân biệt các hạt hạ nguyên tử, song nó chẳng dựa trên màu sắc gì đâu nhé. Các quark có thể được gán cho là đỏ, lục hoặc lam, nhưng tên gọi màu mè ấy thể hiện một đặc tính trừu tượng của hạt liên quan đến lực mạnh (tích mạnh), chứ không phải màu sắc thực. Thật vậy, còn có cả một lĩnh vực vật lí dành riêng là QCD: sắc động lực học lượng tử.
Field (Trường)
Các cánh đồng (field) thực tế có thể được tô lấm tấm hoa màu hoặc điểm đầy hoa cỏ. Tuy nhiên, các trường (field) trong vật lí có tính đều đều hơn, và thường trải ra đến vô tận. Chúng thấm đẫm vũ trụ, chỉ trở nên hiển hiện khi chúng gặp thứ gì đó có thể tương tác với chúng. Các hạt tích điện có thể tương tác với trường điện từ; các hạt có khối lượng có thể tương tác với trường hấp dẫn, và cái đem lại khối lượng cho các hạt đó là trường Higgs.
Jet (Tia/Dòng/Luồng)
Trong vật lí hạt, jet chẳng liên quan gì đến máy bay hết. Jet là những cơn mưa hadron (các hạt làm bằng quark và gluon) thường hiện ra từ các va chạm năng lượng cao ở những nơi như trong Máy Va chạm Hadron Lớn. Chúng xuất hiện khi một quark hay gluon năng lượng cao bắt đầu trình diễn. Các quark và gluon không thích trình diễn solo, vì thế hạt năng lượng cao ấy lôi kéo một số đồng bọn ra khỏi chân không, tạo ra một cơn mưa hạt lao đi gần như cùng chiều với chúng. Thế là một jet ra đời!
Trigger (“Quất/Bửa”)
Chúng ta thường nghĩ trigger là một dụng cụ gây ra một cái gì đó. Trong các thí nghiệm vật lí hạt, trigger là một hệ thống ra lệnh cho một máy tính trong một phần nhỏ của một giây thu ngay lấy dữ liệu từ một va chạm nhất định. Đó là một cách chỉ tập trung vào những tương tác hạt thú vị và có liên quan nhất ở các thí nghiệm tạo ra quá nhiều dữ liệu mà người ta không thể ghi nhận, lưu trữ và phân tích toàn bộ hết được.
Background (Phông nền)
Phông nền chẳng liên quan đến tranh vẽ hay ảnh chụp. Trong các thí nghiệm vật lí, phông nền ám chỉ toàn bộ những tín hiệu khác mà một detector có thể thu nhặt được trong khi nó đang tìm kiếm một tín hiệu độc nhất nào đó. Ví dụ, một detector được thiết kế nhằm nghiên cứu chùm neutrino sinh ra tại một máy gia tốc cũng có thể phát hiện các hạt đến từ không gian vũ trụ. Việc phân biệt tín hiệu mong muốn ra khỏi phông nền là nhiệm vụ thiết yếu của các thí nghiệm vật lí hạt.
WIMP
Trong khi “wimp” (yếu đuối) là một từ miệt thị ám chỉ ai đó thiếu nghị lực hay yếu ớt, thì “WIMP” là một ứng cử viên sáng giá cho vật chất tối. WIMP là viết tắt cho “weakly interacting massive particle” (hạt nặng tương tác yếu), một hạt giả định sẽ đủ nặng để giải thích các hiệu ứng hấp dẫn bí ẩn mà các nhà vũ trụ học chứng kiến trong vũ trụ, song chúng sẽ hiếm khi tương tác với vật chất khác để giải thích vì sao chúng vẫn chưa được quan sát thấy. Chúng là một trong vài ý tưởng cho thành phần cấu tạo của vật chất tối, chất liệu vô hình được cho là vượt trội rất nhiều so với vật chất thông thường trong vũ trụ của chúng ta.
Inflation (Căng phồng/Lạm phát)
Inflation có lẽ khiến bạn nghĩ tới một cái bong bóng đang căng phồng lên hay đồng tiền đang rớt giá. Nhưng nó cũng có thể truyền cảm hứng cho các ý tưởng về sự ra đời của vũ trụ. Các nhà vật lí gọi thời kì căng phồng là thời kì ngay sau Big Bang (Vụ Nổ Lớn) khi không gian giãn nở theo hàm số mũ về mọi hướng, làm cho những biến thiên lượng tử nhỏ bé giãn ra đến cấp độ vũ trụ. Điều này cuối cùng đưa đến các cấu trúc vĩ mô của vật chất trong vũ trụ mà chúng ta thấy ngày nay, ví dụ như các đám thiên hà.
Entangle (Vướng víu/Liên đới)
Khi đa số chúng ta gặp phải cái gì đó vướng víu, thường thì nó là một mớ dây cáp hay là cặp dây tai nghe. Nhưng đối với các nhà vật lí hạt, sự vướng víu/liên đới ám chỉ cái Einstein gọi là “tác dụng ma quỷ từ xa”: cách thức hai hạt ở rất xa nhau nhưng lại “kết nối” với nhau theo kiểu một tác dụng lên hạt này tức thời ảnh hưởng đến hạt kia.
Candle (Ngọn nến)
Ngọn nến chuẩn của bạn có lẽ được làm bằng sáp và có một cái tim. Ngọn nến chuẩn của nhà thiên văn vật lí là một thiên thể có độ sáng (hay độ trưng) đã biết có thể dùng để đo khoảng cách trên quy mô lớn. Các ví dụ về ngọn nến chuẩn bao gồm các vụ nổ tia X và các loại sao khác nhau, ví dụ sao biến quang Cepheid hay siêu tân tinh (sao bùng nổ). Đo tốc độ giãn nở khám phá bất ngờ rằng vũ trụ của chúng ta đang lớn lên ở tốc độ ngày càng tăng.
Nguồn: Symmetry Magazine