Chien-Shiung Wu – nhà nữ vật lí bị phân biệt đối xử? – Phần 3

Hiệp Khách Quậy Có một câu hỏi còn đáng nói tới hơn đó là vai trò của Wu so với các đồng sự NBS của bà trong cái gọi là “thí nghiệm Wu”. Tôi thấy phân vân trước tính thích đáng của tên gọi này vì có hai phát biểu – một của Telegdi và một của Nicholas Kurti, khi ấy làm việc tại Đại học Oxford, và Christine Sutton, hiện... Xin mời đọc tiếp.

Những lời cuối

Có một câu hỏi còn đáng nói tới hơn đó là vai trò của Wu so với các đồng sự NBS của bà trong cái gọi là “thí nghiệm Wu”. Tôi thấy phân vân trước tính thích đáng của tên gọi này vì có hai phát biểu – một của Telegdi và một của Nicholas Kurti, khi ấy làm việc tại Đại học Oxford, và Christine Sutton, hiện nay là biên tập viên của tờ CERN Courier – đã nêu ra hồi nhiều năm trước. Cả hai phát biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các phép đo nhiệt độ thấp và rằng không có ý kiến chuyên môn của các vị chuyên gia nên những thí nghiệm đó không thể nào thực hiện được. Nhân tiện cũng nói luôn, Ambler và Hudson thuộc đội NBS đều từng là học trò của Kurti tại Oxford.

>> Xem Phần 2

Tôi đã liên hệ với những người tham gia hiện nay còn sống của thí nghiệm diễn ra tại NBS hồi 56 năm về trước, và từ những giao tiếp này tôi có ấn tượng rằng vai trò của Wu và của trường Đại học Columbia có lẽ đã bị cường điệu quá mức trong những ngày đầu phởn phơ sau khám phá ấy. Hôm 15 tháng 1 năm 1957, một buổi họp báo đã được tổ chức tại Đại học Columbia. Mặc dù các thành viên của đội NBS đều có mặt, nhưng thật ra thì công bố diễn ra tại Columbia muốn nhấn mạnh thêm sự tham của Wu mà thôi. Bà cũng là người đề xuất thí nghiệm đó, nên nói chung gọi là thí nghiệm Wu thì cũng tiện.

Chien-Shiung Wu

Chien-Shiung Wu tại Đại học Columbia vào năm 1963. (Ảnh: Smithsonian Institution Archives)

Quan điểm nên gọi là “thí nghiệm Wu” được củng cố thêm bởi thực tế bài báo công bố của nhóm liệt tên Wu là tác giả đứng tên đầu, kèm theo chức danh của bà, rồi mới đến tên của các tác giả NBS xếp theo ABC, kèm theo chức danh của họ. Đây là cách trình bày tên tác giả mà đội NBS đề xuất. Trong thư hồi âm của Ambler gửi cho tôi, ông nói “Tôi đã mời bà đứng tên đầu danh sách tác giả vì đã cung cấp bản thảo bài báo của Lee và Yang trước khi công bố thật sự.” Những tác giả NBS khác thì nghĩ rằng họ ưu tiên cho một phụ nữ đứng tên đầu như thế là lịch sự, mặc dù điều này trái với tập quán NBS là xếp theo vần ABC. Wu có thể từ chối nếu bà thấy như thế là không hợp, nhưng rõ ràng bà đã không làm vậy.

Hơn nữa, không có chỗ nào trong bài báo đó có nhắc tới rằng thí nghiệm đã được tiến hành tại NBS. Ngay cả sự ngắn gọn của nó – với bài báo chỉ vỏn vẹn có hai trang – cũng không bào chữa cho sự bỏ sót này. Đây là một trường hợp bỏ sót dễ hiểu nhầm; với Wu là tác giả đứng tên đầu với chức danh của bà tại Đại học Columbia, chỉ có thể đoán chừng rằng thí nghiệm đó có lẽ không được tiến hành tại Columbia. Sau đó không bao lâu, một trong các tác giả NBS có một buổi nói chuyện tại Đại học Yale, trong khi ông đang nói tới thí nghiệm đó thì có ai đó ngắt lời ông, hỏi ôgn rằng đó có phải thí nghiệm Columbia hay không. Vị diễn giả phải đáp là vâng, đúng vậy, nhưng nó đã được thực hiện tại NBS!

Kết luận

Quan điểm của tôi là Wu đã có phần đóng góp xuất sắc cho việc lật đổ nguyên lí bảo toàn chẵn lẻ trong các tương tác yếu. Nhưng nếu nói việc bà không được nhận giải Nobel là không công bằng thì đó là một sự đơn giản hóa quá mức của một câu chuyện phức tạp. Mặc dù có nhiều người cho rằng chính sự phân biệt nam nữ đã khiến bà không được nhận giải Nobel cùng với Lee và Yang, nhưng không có biểu hiện nào trong cuộc đời của bà cho thấy một sự phân biệt đối xử như thế. Trái lại là đằng khác: từ rất sớm, bà đã được trọng vọng cao và tính đến lúc nghỉ hưu bà đã nhận được vô số giải thưởng và nhiều danh hiệu khác.

Có nhiều trường hợp trong lịch sử khoa học mà những người phụ nữ tài năng thật sự bị tước mất cơ hội làm nghiên cứu, tham gia vào giới học thuật hoặc nhận được sự công nhận thích đáng cho những thành tựu của họ. Nhưng chắc chắn Wu không phải là một trong số này. Bà là một nhà khoa học danh tiếng và với sự kiên trì của bà, sự khát khao kiến thức của bà, những kĩ năng thực nghiệm và tính nghiêm túc của bà, và sự cống hiến của bà dành cho học trò của mình, bà là – và sẽ luôn luôn như vậy – một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ tập tễnh bước chân vào làm nghiên cứu vật lí.

Một sự nghiệp được ghi nhận

Trái với quan điểm cho rằng vì bị phân biệt đối xử mà Chien-Shiung Wu không được nhận Giải Nobel Vật lí năm 1957, có nhiều ví dụ có thể kể ra cho thấy bà được công nhận và trọng vọng thích đáng.

  • Người phụ nữ đầu tiên giảng dạy tại Đại học Princeton (1943)
  • Người phụ nữ đầu tiên ở khoa vật lí Đại học Columbia có được vị thế giảng viên chính thức (1952), giáo sư (1958) và giáo sư vật lí ngạch Michael I Pupin (1973)
  • Người phụ nữ đầu tiên nhận bằng tiến sĩ danh dự từ trường Đại học Princeton, với hiệu trưởng trường Princeton đã gọi bà là “nhà vật lí thực nghiệm nữ số một thế giới” (1958)
  • Được bầu vào Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mĩ (1958)
  • Người phụ nữ đầu tiên được bầu làm chủ tịch Hội Vật lí Mĩ (1975)
  • Nhận Huy chương Khoa học Quốc gia từ tổng tổng Ford (1975)
  • Người đầu tiên nhận Giải thưởng Wolf của ngành vật lí (1978)
  • Sau khi qua đời, được đưa vào Nhà Tưởng niệm Phụ nữ Nước Mĩ (1998)

Ai đáng được tôn vinh?

Leon Lederman

Nhà thực nghiệm, cùng với Richard Garwin và Marcel Weinrich, đã gửi đăng bằng chứng của sự vi phạm chẵn lẻ vào ngày 15 tháng 1 năm 1957, trong một cuộc phỏng vấn với tác giả vào năm 1997

“Công trình nghiên cứu [của Lee và Yang] chắc chắn đáng được trao giải. Họ đã nêu câu hỏi đó. Làm thế nào chúng ta biết được số chẵn lẻ có được bảo toàn hay không? ... Cái đột phá là họ có thể xét rằng có những lực khác nhau và rằng những lực khác nhau có thể có những đối xứng khác nhau. Đó là một cái nhìn hết sức sâu sắc.”

Valentine Telegdi

Nhà thực nghiệm, cùng với Jerome Friedman, đã gửi đăng bằng chứng của sự vi phạm chẵn lẻ vào ngày 17 tháng 1 năm 1957, trong một cuộc phỏng vấn với tác giả vào năm 2002

“Tôi không nghĩ rằng có người nào trong số các nhà thực nghiệm đáng được nhận giải Nobel cho lắm trong trường hợp này. Nếu một nhà thực nghiệm tiến hành một thí nghiệm với những kĩ thuật đã biết và thêm nữa thí nghiệm đó rõ ràng là do các nhà lí thuyết đề xuất, thì có chỗ nào đáng tôn vinh đâu? Điều này cũng đúng đối với bản thân tôi.”

Telegdi có lẽ đã không biết rằng thật ra thì Wu là người đã đề xuất thí nghiệm cobalt-60 cho Lee.

Nicholas Kurti và Christine Sutton

Nhà vật lí nhiệt độ thấp (Kurti) và nhà vật lí hạt (Sutton), lúc cả hai đều làm việc tại Đại học Oxford, viết trong một bài bình luận trên tạp chí Nature vào năm 1997 (385 575)

“Lúc ấy, nhiều người nghĩ rằng Wu chẳng có góp công gì cho thí nghiệm đó ngoài việc có mặt tại NBS và nhận từ Ambler và Hudson một tinh thể cerium magnesium nitrate pha tạp cobalt-60... thí nghiệm vi phạm chẵn lẻ NBS là một nỗ lực tập thể trong đó các nhà vật lí hạt nhân và các nhà vật lí nhiệt độ thấp đã chia sẻ kiến thức và sự thành thạo của họ để tiến hành một thí nghiệm do Lee và Yang đề xuất, từ đó xác nhận giả thuyết của họ rằng số chẵn lẻ không được bảo toàn trong phân rã beta.”

Kurti và Sutton có lẽ đã không biết rằng thật ra thì Wu là người đã đề xuất thí nghiệm cobalt-60 cho Lee.

Val Fitch

Nhà vật lí hạt cùng nhận Giải Nobel Vật lí 1980 cho việc khám phá ra sự vi phạm điện tích-chẵn lẻ, trong một cuộc phỏng vấn với tác giả vào năm 2002

“Có bốn người... họ đã tiến hành thí nghiệm cobalt-60 và họ đều có đóng góp một cách đường đường chính chính. Bà Wu thường được tôn vinh nhưng tôi nghĩ quan điểm vô tư nhất sẽ là công nhận rằng những nhân vật đó đều rất quan trọng và thành tựu vật lí sẽ không có được nếu không có họ.”

  • Tác giả Magdolna Hargittai là giáo sư ngành hóa học cấu trúc tại trường Đại học Kinh tế Kĩ thuật Budapest, Hungary

Trần Nghiêm dịch
Theo Physics World, tháng 9/2012

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm