Hiệp Khách Quậy Người Anh sử dụng đại bác đầu tiên của họ vào năm 1327 để chống người Scots, và họ cũng sử dụng nó trong Cuộc chiến Trăm năm. Người Scots lần đầu tiên sử dụng đại bác vào năm 1341 để phòng thủ cho một lâu đài. Vua Jame II xứ Scotland đặc biệt yêu thích đại bác. Ông dùng chúng để tấn công Lâu đài Roxburgh... Xin mời đọc tiếp.
ĐẠI BÁC TRONG CÁC CUỘC CHIẾN ANH-SCOTLAND
Người Anh sử dụng đại bác đầu tiên của họ vào năm 1327 để chống người Scots, và họ cũng sử dụng nó trong Cuộc chiến Trăm năm. Người Scots lần đầu tiên sử dụng đại bác vào năm 1341 để phòng thủ cho một lâu đài. Vua Jame II xứ Scotland đặc biệt yêu thích đại bác. Ông dùng chúng để tấn công Lâu đài Roxburgh vào năm 1460; nó là lâu đài Scots cuối cùng bị người Anh chiếm giữ, và ông quyết tâm giành lại cho bằng được.
Lúc tấn công, ông sử dụng một khẩu đại bác tên húy là “Sư tử”. Tuy nhiên, lúc ông đang đứng bên cạnh thì khẩu đại bác phát nổ khiến ông thiệt mạng. Tuy vậy, người Scots tiếp tục vây ráp, và trong vòng vài ba ngày họ đã đánh thắng người Anh và chiếm lại tòa lâu đài.
Một trong những khẩu đại bác Scotland nổi tiếng nhất tên gọi là Mons Meg. Nó là món quà gửi đến nhà vua Jame II vào năm 1457, và ngày nay nó vẫn được trưng bày tại lâu đài Edinburgh. Nó có chiều dài hơn mười ba feet và đường kính trong hai mươi inch, và nó bắn ra đạn pháo cân nặng bốn trăm cân. Đã có thời nó là khẩu đại bác lớn nhất thế giới.
NGƯỜI PHÁP
Sau thất bại của họ trước người Anh năm 1415 tại Agincourt, người Pháp biết rằng họ phải tìm kiếm một vũ khí phòng thủ trước cung dài của người Anh. Không bao lâu sau khi lên ngôi, Charles VII quyết tâm là một cái gì đó. Ông thề tống cổ người Anh ra khỏi Pháp, nhưng ông biết rằng cần có một cách tiếp cận mới. Vì thế, ông tuyển mộ những trí tuệ xuất sắc nhất nước – đặc biệt là các kĩ sư và nhà vật lí – và bố trí cho họ làm việc. Đại bác hiển nhiên có triển vọng đáng kể, nhưng nó có nhiều trục trặc. Lúc ấy, đại bác to lớn, nặng nề, và khó di chuyển, và có vẻ cách duy nhất để cải thiện hiệu năng của nó là chế tạo nó ngày càng to hơn. Tuy nhiên, ngay cả những khẩu to nhất vẫn không hiệu nghiệm lắm ở việc phá vỡ tường thành. Charles yêu cầu đội của ông nghiên cứu khắc phục vấn đề.
Những khẩu đại bác tốt nhất lúc ấy làm bằng đồng thau, nhưng chúng đắt tiền. Đội bắt đầu thử nghiệm với sắt đúc và các biến loại khác của sắt. Họ cũng sớm xác định được rằng họ cần nòng súng dài hơn để điều khiển tốt hơn sự dãn nở của chất khí nổ. Họ cải tạo đạn pháo bằng cách làm chúng nhỏ hơn một chút so với lỗ nòng để chúng lắp khít hơn vào súng, nhưng vẫn còn đủ chỗ cho một phần chất khí thoát ra cho an toàn. Họ còn vạt nhọn nòng từ đế nòng tới miệng nòng.
Vấn đề súng giật lùi đã diễn ra trong nhiều năm nhưng chẳng ai biết phải làm gì với nó. Ban đầu lính pháo binh cố gắng buộc đại bác của họ lại, nhưng lực giật lùi luôn luôn làm đứt mọi xiềng xích mà họ sử dụng. Tất nhiên, ngày nay chúng ta biết lực giật lùi được giải thích bởi định luật Newton thứ ba, nhưng lính pháo ngày ấy làm gì biết các định luật Newton của chuyển động. Cuối cùng, họ tìm thấy giải pháp tốt nhất là bánh xe: cứ cho đại bác giật lùi và chạy lùi trên bánh xe, sau đó nhanh đẩy nó lên cho lần bắn tiếp theo.
Bánh xe còn khắc phục một khó khăn khác: khả năng di chuyển. Đại bác nặng nề và không dễ gì di chuyển. Bánh xe giải quyết luôn vấn đề này. Và trong khi chúng đã có thể gây thiệt hại nhất định cho tường thành, nhưng chúng vẫn chưa đủ mức gây khiếp đảm. Chỉ có những siêu đại bác hết sức nặng nề mới có thể gây ra nhiều thiệt hại. Mặc dù không biết cơ sở vật lí tinh vi của động lượng và xung lượng, đội của Charles cuối cùng vẫn nhận ra rằng không phải chỉ khối lượng của đạn bắn mới là vấn đề. Tốc độ đạn khi nó đi tới tường thành cũng thiết yếu. Càng nhanh càng tốt. Vì thế, họ đã làm thử nghiệm với thuốc súng, cố làm cho nó hiệu quả hơn, và họ tìm thấy thuốc súng kết hạt thì tốt hơn.
Cuối cùng, quỹ đạo của đạn bắn là một vấn đề. Ban đầu, người ta tin rằng đạn pháo bay lên trong không khí, và tại một điểm nhất định nó rơi thẳng xuống. Mặc dù họ hiểu thêm đôi chút về vấn đề này, nhưng vấn đề không được giải quyết trong nhiều năm. Đồng thời, họ biết rằng góc ngắm đạn bắn cũng có tầm quan trọng thiết yếu. Góc bắn xác định nơi đạn tiếp đất. Góc bắn khác nhau đồng nghĩa là tầm xa khác nhau, vì thế mà họ chế tạo trục quay. Nó sử dụng dây, nêm và các đai ốc đa dạng cho phép đại bác được ngắm ở những góc khác nhau.
Cuối cùng, Charles VII đã sẵn sàng, và ông sớm đáp trả người Anh.
Một khẩu đại bác cầm tay của người Trung Hoa xưa
CHARLES VIII VÀ CHIẾN THẮNG NAPLES
Charles VIII hưởng lợi từ nhiều tiến bộ của thời Charles VII. Vào cuối thế kỉ mười lăm, ông đã thiết lập một quân đội hùng hậu và quyết định tấn công một số thành thị ở Italy. Năm 1494, công tước thành Milan và nhiều người khác kiến nghị ông tấn công Naples. Vì thế, Charles dẫn quân gồm hai mươi lăm nghìn người tiến đến Naples, họ đi tới ngoại vi thành phố vào tháng hai năm 1495. Tuy nhiên, giữa ông và Naples là pháo đài đồ sộ Monte San Giovanni. Ai cũng chắc rằng không thể nào tiến qua được. Pháo đài có tường cao, dày vài feet, và trong hàng trăm năm trước đó nó chưa một lần thất thủ trước vô số đợt tấn công.9
Charles cho lính đẩy các khẩu đại bác mới của ông đến cách tường thành ở cự li một trăm năm mươi yard và bắt đầu bắn các viên đạn sắt năm mươi pound về phía thành. Lính phòng thủ tin chắc rằng đạn quá nhỏ để gây thiệt hại gì nhiều. Nhưng Charles biết rõ hơn. Súng liên tục nả đạn vào thành trong tám giờ, và thật vậy, tường thành đổ. Trong vòng vài giờ trận chiến kết thúc, và Charles chẳng mất người lính nào. Rồi ông cho quân tiến vào Naples và lấy thành mà không cần đánh. Sau đó, Charles tự phong mình làm Vua Naples.10
Tin tức vây thành nhanh chóng lan khắp Italy. Người ta ở khắp miền nội địa bị sốc. Thủ lĩnh các thị thành Italy buộc phải hành động nhanh; họ cần vũ khí phòng thủ chống lại những vũ khí mới. Một ai đó sớm tìm thấy rằng nếu họ chất đầy bụi đất phía sau thành, thì việc nã đạn pháo sẽ kém hiệu nghiệm hơn nhiều và sẽ gây ít thiệt hại hơn.
Yếu tố then chốt trong những năm tháng ấy là khoa học, đặc biệt vật lí học và hóa học. Nhưng trên thực tế, ngoài chiến tranh, người ta ít quan tâm đến khoa học. Chiêm tinh học và giả kim thuật vẫn ăn sâu trong xã hội. Vua chúa có các nhà chiêm tinh và nhà giả kim thuật chuyên nghiệp trong vương phủ của họ, chứ không phải các nhà khoa học. Thần học vẫn thống trị.
Vật lí học và chiến tranh
Barry Parker - Trần Nghiêm dịch
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>