Hiệp Khách Quậy Đế chế La Mã là một trong những thế lực quân sự hùng mạnh nhất mà thế giới từng chứng kiến, và nó thống trị thế giới phương Tây trong hơn một nghìn năm trời. Quân La Mã tiến lên thống lĩnh thế giới bắt đầu với Chiến tranh Punic, trận đầu tiên diễn ra vào năm 264 tCN. Những cuộc chiến này nổ ra giữa thành... Xin mời đọc tiếp.
CHƯƠNG 4
SỰ PHÁT TRIỂN VÀ SỤP ĐỔ CỦA ĐẾ CHẾ LA MÃ
VÀ NHỮNG CUỘC CHIẾN ANH-PHÁP NGÀY XƯA
Đế chế La Mã là một trong những thế lực quân sự hùng mạnh nhất mà thế giới từng chứng kiến, và nó thống trị thế giới phương Tây trong hơn một nghìn năm trời. Quân La Mã tiến lên thống lĩnh thế giới bắt đầu với Chiến tranh Punic, trận đầu tiên diễn ra vào năm 264 tCN. Những cuộc chiến này nổ ra giữa thành Rome và các quân đội mạnh khác ở vùng Địa Trung Hải, Carthaginis. Cuộc chiến đầu tiên diễn ra phần lớn trên biển, và sau một quãng thời gian dài giằng co, quân La Mã chiếm được ưu thế. Tuy nhiên, trong Chiến tranh Punic lần hai (218 tCN đến 201 tCN), quân La Mã chiến đấu chống lại Hannibal, tướng thống lĩnh Carthaginis, và ông đánh bại họ hết trận này đến trận khác. Hannibal thành công chủ yếu bởi vì ông thông minh hơn quân La Mã. Tự kiêu với khả năng giành phần thắng của mình, quân La Mã dễ dàng rơi vào bẫy, kết quả là trong mười bảy năm sau đó, một trăm nghìn lính La Mã đã thiệt mạng, nhưng cuối cùng thì các tướng lĩnh La Mã bắt đầu rút kinh nghiệm, và sau cùng họ đã đẩy lùi Hannibal.
NGƯỜI LA MÃ VÀ VŨ KHÍ CỦA HỌ
Sau khi tiêu diệt thành Carthage, người La Mã tiếp tục chiến dịch của họ, cuối cùng họ xâm lược phần lớn khu vực xung quanh Địa Trung Hải, Hi Lạp, phần nhiều Trung Đông, Đức, Bắc Phi, và nước Anh. Thậy vậy, họ đã xâm lược một phần lớn thế giới văn minh thời ấy, và trong quá trình ấy họ đã trở thành thế lực quân sự hùng mạnh nhất mà thế giới từng biết. Và họ làm thế nhờ sử dụng các loại vũ khí và chiến thuật tốt nhất được biết khi ấy. Họ sử dụng áo giáp gồm nhiều lớp vật liệu chồng lên nhau. Đa số áo giáp và vũ khí của họ được làm bằng đồng hoặc bằng sắt. Họ chưa khám phá ra thép. Họ sử dụng một lưỡi gươm tương đối ngắn, nhưng hiệu quả, gọi là gladius, chủ yếu dùng để đâm. Ngoài ra, người La Mã còn sử dụng cung tên, lao, mác, và một tấm chắn gọi là khiên cao khoảng bốn mươi inch, rộng ba mươi inch, và hơi cong.
Khi vây thành, họ sử dụng máy ném đá, súng bắn đá, và các loại máy phóng khác sử dụng các loại lò xo đa dạng. Chiến thuật căn bản của họ khi đối mặt quân địch là triển khai các tấm chắn liền kề nhau để hạn chế tối thiểu những tổn thất do lửa của quân địch. Tuy nhiên, hàng tiên phong xoay tròn để cứ mỗi mười lăm phút là thay mới hoàn toàn. Binh lính đã qua huấn luyện nghiêm ngặt và ác liệt, và kỉ luật được phục tùng chặt chẽ.
Mặc dù họ sử dụng máy ném đá, súng bắn đá, và các vũ khí khác mà người Hi Lạp đã sử dụng, nhưng họ không cố gắng cải tiến gì thêm. Thật vậy, người La Mã hầu như chẳng có tiến bộ gì trong lĩnh vực khí cụ quân sự. Tuy nhiên, khi họ để ý thấy phe địch có cái gì đó cách tân và mới mẻ, họ nhanh chóng học theo ngay. Họ dường như chẳng quan tâm gì đến khoa học, dù là khoa học thuần túy hay cái gì đó có thể dùng để phát triển vũ khí mới. Trong phần lớn thời gian thống lĩnh, họ khinh thường khoa học. Khi họ xâm lược Hi Lạp và Alexandria, hàng trăm nghìn tư liệu khoa học đã rơi vào tay họ, nhưng họ chưa hề bận tâm dịch bất cứ tài liệu nào, và họ chưa hề khai thác bất cứ tài liệu nào mà họ chiếm được. Quan điểm của họ là họ đã có đủ mọi thứ cần thiết để giành phần thắng trong các cuộc chiến.1
Thật bất ngờ, mặc dù không xem trọng khoa học, nhưng người La Mã thật sự vượt trội về kĩ thuật. Trong hàng trăm năm trị vì, họ đã xây dựng hàng nghìn dặm đường – một số tuyến đường thuộc loại tốt nhất từng thấy ở châu Âu. Hơn nữa, họ còn xây dựng số lượng lớn đập nước cùng với mạng lưới cống dẫn để đưa nước đi khắp nơi. Và họ đã xây dựng một số công trình to lớn nhất và đồ sộ nhất tính đến khi ấy. Vì vậy, trong khi họ biết ít về vật lí học và chẳng quan tâm mấy đến nó, nhưng họ thật sự đã sử dụng nhiều nguyên lí cơ bản của vật lí học. Để có những thành tựu kĩ thuật của mình, họ phải am hiểu các khái niệm như lực, trọng lượng, lực căng và sức căng, và áp lực nước.2
Nền văn minh La Mã kéo dài từ khoảng năm 753 tCN đến khoảng năm 476 sCN. Nó phát triển cực thịnh vào khoảng năm 250 sCN, khi La Mã xâm chiếm phần lớn thế giới văn minh đã biết. Nhưng quy mô lớn của đế chế cuối cùng khiến nó rạn vỡ. Thật khó khăn cho Rome trông nom nhiều miền đất xa xôi và nhiều con người như thế. Ngoài ra, một vài cuộc nội chiến cuối cùng bùng phát. Sau khi Caesar bị ám sát, Octavius và Mark Antony khơi nội chiến trừng phạt những kẻ ám sát, nhưng cuối cùng hai ông lại đánh lẫn nhau. Hơn nữa, do lãnh thổ đế chế quá rộng, họ bắt đầu sáp nhập quân lính từ những miền đất chiếm được vào quân đội của họ, cùng với lính đánh thuê, cuối cùng thì đội quân này trở thành số đông trong quân lực La Mã. Việc này gây ra một biến đổi lớn trong quân đội; những người lính không còn trải qua huấn luyện và kỉ luật khắt khe nữa, và tinh thần cống hiến của họ cho thành Rome bị suy giảm đáng kể.
Tuy nhiên, những kẻ thù duy nhất mà họ có là tại biên giới của đế chế, và những kẻ thù này là những tộc người man di chẳng biết gì về chiến tranh có tổ chức, máy móc vây thành, và áo giáp. Và đối với thành Rome, họ chẳng phải là một mối đe dọa gì đáng kể.
Nhưng trong khi quân đội La Mã đang suy thoái, thì các tộc người man di đang tìm kiếm cái sẽ đem lại cho họ ưu thế. Và như ta đã thấy ở phần trước, câu trả lời là việc sử dụng các chiến binh trên lưng ngựa. Đa số các tộc người man di đã biết cưỡi ngựa từ nhỏ. Khó khăn lớn nhất là ở vững trên lưng ngựa trong lúc đánh nhau – đặc biệt, việc điều khiển ngựa trong lúc bắn tên và sử dụng gươm cùng với giáo mác. Bước đột phá đầu tiên là việc phát triển yên ngựa; cái yên ngựa đơn giản đầu tiên được nghĩ ra bởi người Scythia ở Đông Âu. Nó là một vật thô sơ với bờm ngựa dùng làm nệm ở phía trước và phía sau người cưỡi. Không lâu sau, người ta bổ sung thêm các thòng lọng vải mắc vào chân người cưỡi. Về sau, người cưỡi sử dụng thêm bộ yên cương để giúp anh ta điều khiển ngựa. Cuối cùng, các vòng thòng lọng vải được thay bằng bàn đạp sắt, nó đặc biệt hữu ích trong việc giữ thăng bằng cho người chiến binh lúc tham chiến. Tuy nhiên, có một số ý kiến tranh cãi về việc sử dụng bàn đạp trước năm 376 sCN.
Trận chiến Adrianople, như người ta thường gọi, nổ ra vào năm 376 sCN. Một trong những bộ tộc man di, người Goth thuộc Thổ Nhĩ Kì ngày nay, gửi thông điệp đến đế quốc La Mã yêu cầu được chiếm giữ một phần đất đai La Mã chiếm đóng gần sông Danube. Nghĩ rằng họ là những chiến binh giỏi, các tướng lĩnh La Mã cho phép họ chiếm giữ vùng đã nêu. Nhưng hóa ra đó là một sai lầm. Thật vậy, xung đột sớm bùng phát giữa người Goth và người La Mã trong vùng. Trong mấy năm sau đó, đã xảy ra một vài trận chiến.3 Hoàng đế La Mã, Valens, cảm thấy bực mình và ông muốn chấm dứt vấn đề đó một lần và mãi mãi. Năm 378, ông thân chinh cầm quân đến Adrianople. Cầm đầu một đạo quân gồm khoảng ba mươi nghìn lính, Valens đến khu vực Adrianople vào đầu tháng 8. Ông được tin báo có một toán khoảng mười nghìn quân Goth, do thủ lĩnh Fritigern cầm đầu, đang tiến về Adrianople và còn ở xa chừng hai mươi dạm. Valens tiếp tục cho quân tiến về Adrianople và cho quân hạ trại, sẵn sàng cho quân Fritigern tiến đến. Ông được tin báo là có nhiều quân tiếp viện đang hành quân đến hỗ trợ ông, nhưng ông không muốn chờ thêm bất chấp sự can gián từ các tướng lĩnh của ông. Ông nắm chắc rằng quân La Mã hùng mạnh sẽ dễ dàng đánh bại quân phiến loạn.
Fritigern cho sứ giả gặp Valens xin cầu hòa và thiết lập liên minh trao đổi một phần lãnh thổ La Mã. Valens quá háo thắng nên ông bác bỏ đề xuất và chuẩn bị tiến công. Hóa ra Fritigern chỉ muốn nghi binh; ông đang chờ năm nghìn kị binh đã qua huấn luyện hành quân đến. Để tiếp tục trì hoãn trận đánh, Fritigern cho quân châm lửa đốt đồng giữa lòng quân địch, và ông cũng phái người điều đình trao đổi tù binh. Việc này thật sự làm hoãn trận đánh, và nó cũng khiến Valens bực bội.
Bất ngờ một toán lính La Mã quá lo lắng bắt đầu tấn công không cần mệnh lệnh, nhưng họ dễ dàng bị đẩy lùi bởi quân Fritigern. Tuy nhiên, lúc ấy, đã quá muộn để dừng mọi thứ; các toán quân La Mã khác tiếp tục tấn công và phá vỡ hàng phòng thủ xe ngựa của quân Goth. Tuy nhiên, lúc này, năm nghìn lính kị binh nhà nghề đã đến từ mọi hướng và bao vây quân La Mã. Lính kị ngồi trên những con ngựa to khỏe và họ phát triển giáo dài rất hiệu quả. Sức nặng của ngựa phía sau mũi giáo tạo ra một kết hợp chết người, và các tấm chắn của phe La Mã mất lợi thế. La Mã cũng có kị binh, nhưng không địch nổi kị binh Goth. Nhiều kị binh La Mã đào ngũ tháo chạy.
Quân La Mã sớm rơi vào thế bát nháo. Trong vài giờ sau đó, quân Goth thảm sát họ. Đó là một trong những thất bại lớn nhất mà quân đội La Mã từng trải qua, và nó là một ngọn gió tàn phá Đế quốc La Mã. Quân chủ lực ở vùng lãnh thổ phía đông của đế quốc bị tiêu diệt. Tuy nhiên, cú sốc lớn nhất là rằng quân La Mã không phải là bất khả chiến bại.
Hơn nữa, nhiều tướng lĩnh quan trọng của quân La Mã bị thiệt mạng. Số phận của Valens thì chẳng rõ, nhưng theo một sử liệu thì ông đã thoát ra khỏi chiến trường cùng với một số cận vệ và ẩn náu trong một túp lều tranh của người dân. Quân Fritigern tấn công túp lều, và lính của Valens cố chống trả bằng cách bắn tên. Nhưng quân Goth châm lửa đốt lều và Valens bị thiêu trong ngọn lửa.
Trận chiến này thường được xem là khởi đầu của sự sụp đổ sau cùng của Rome, và không nghi ngờ gì nữa nó có một hệ lụy ghê gớm. Nó cho thấy quân La Mã không phải là bất khả chiến bại. Tuy vậy, đế quốc La Mã còn tồn tại trăm năm nữa. Tuy nhiên, trong thời gian này, nó liên tiếp thu hẹp dần lãnh thổ. Đa số những cuộc tấn công vào những năm tháng cuối cùng của đế quốc là bởi một bộ tộc man di khác, người Hun. Nhưng họ sử dụng chiến thuật giống như người Goth.
Vật lí học và chiến tranh
Barry Parker - Trần Nghiêm dịch
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>