Vật lí học và chiến tranh - Từ mũi tên đồng đến bom nguyên tử (Phần 11)

Hiệp Khách Quậy Sau sự sụp đổ của Rome vào năm 476, phương Tây bước vào một thời kì ngày nay gọi là Kỉ nguyên Tăm tối. Chỉ có một vài tiến bộ khoa học xảy ra trong thời gian này. Ngoài ra, có tương đối ít tư liệu lịch sử và tư liệu ghi chép khác còn sót lại từ thời kì này, so với các thời kì trước đó và sau này. Kỉ... Xin mời đọc tiếp.

NHỮNG CUỘC CHIẾN ANH-PHÁP NGÀY XƯA

Sau sự sụp đổ của Rome vào năm 476, phương Tây bước vào một thời kì ngày nay gọi là Kỉ nguyên Tăm tối. Chỉ có một vài tiến bộ khoa học xảy ra trong thời gian này. Ngoài ra, có tương đối ít tư liệu lịch sử và tư liệu ghi chép khác còn sót lại từ thời kì này, so với các thời kì trước đó và sau này. Kỉ nguyên Tăm tối bắt đầu từ năm 476 đến khoảng năm 1500. Trong thời gian này, các bộ tộc man di – người Mông Cổ, người Hun, người Goth, và cả người Viking từ phương bắc – càn quét xứ châu Âu. Vật lí học, và khoa học nói chung, hầu như dậm chân tại chỗ theo năm tháng, nhưng một ngành khoa học khác thật sự đơm hoa, đó là ngành luyện kim. Các chiến binh trên lưng ngựa nay trở thành chuyên nghiệp, và họ sớm được trang bị áo giáp. Kị binh cuối cùng có được bộ áo giáp làm bằng các vòng kim loại nhỏ đan lên nhau kiểu dây xích. Về sau, vì cung thử thường bắn ngựa mà họ cưỡi, nên ngựa cũng được trang bị giáp. Như vậy, có một sự tìm kiếm liên tục các kim loại giúp che chắn tốt hơn. Và không lâu sau, kị binh nhận thấy các mũi tên đâm xuyên qua áo giáp dạng chuỗi xích của họ, nên các tấm thép liền được phát triển.

Trong nhiều năm trời, người kị sĩ mặc giáp trên lưng ngựa cùng với thanh lao hoặc thanh gươm dài ở hàng tiên phong khi chiến sự diễn ra. Những người lính kị như vậy không những rất hiệu nghiệm, mà họ còn có giá trị gây sốc đáng kể. Một số lính bộ phải đứng trên đất mà chống lại lính kị trên lưng ngựa càn xuống họ. Hơn nữa, tốc độ của ngựa lớn hơn nhiều so với người chạy bộ, thành ra lính bộ không có đường nào thoát. Điều này, cộng với tiếng vó ngựa dồn dập, rõ ràng có một tác dụng tâm lí cực lớn.

Khó khăn chủ yếu đối với kị binh là chi phí. Áo giáp của họ làm tốn kém, và khi người ta thấy “áo giáp xích”, như nó được gọi, bị tên xuyên thủng, thì các nhà luyện kim lại vất vả làm việc. Tuy nhiên, thép sớm được phát triển, và người ta cho lắp các tấm thép nhỏ trên áo giáp xích. Nhưng ngay cả tấm thép sau cùng cũng bị xuyên thủng bởi nỏ chữ thập, và sau này là cung dài.

Nỏ chữ thập bắn ra đạn thép. Khó khăn lớn nhất đối với nỏ chữ thập lúc mới ra đời là nó đòi hỏi chiều dài kéo cung lớn, và do đó, nó có tốc độ bắn đạn chậm. Tuy nhiên, về sau, vào thế kỉ thứ mười một, một hệ thống tời cơ giới đã giúp khắc phục vấn đề lên đạn; hơn nữa, nó cho phép cung thủ tạo ra lực căng dây lớn hơn, cấp cho viên đạn động năng và vận tốc lớn hơn khi nó được giải phóng.

 

Hạn chế của nỏ chữ thập là đạn thép không mang tính khí động lực học như mũi tên, và do đó chúng kém chính xác hơn. Tuy nhiên, nỏ chữ thập đã trở thành một mối đe dọa thật sự đối với lính kị chỉ mặc áo giáp dạng chuỗi xích.

Chiến thuật của thời kì này biểu lộ trong một trong những trận chiến quan trọng nhất xảy ra vào thời kì này: Trận Hastings, diễn ra vào năm 1066. Đó là trận chiến giữa quân Anh dưới quyền vua Harold II và quân Norman dưới quyền Duke William II, và nó diễn ra cách Hastings ở Anh chừng sáu dặm.4

Chiến thuật của William tỏ ra hiệu quả hơn nhiều so với chiến thuật của Harold. Ông có lực lượng cung thủ, kị binh, và lính bộ; còn quân Harold chủ yếu gồm toàn lính bộ. Hai phe có số lính tương đương nhau – xấp xỉ hai mươi nghìn. Quân Anh, chủ yếu là bộ binh, sử dụng mũ kim loại hình nón, áo lót kim loại, và khiên; vũ khí chính của họ là rìu, một số lính thì sử dụng gươm.

Quân William tấn công trước, bắn ra những loạt mưa tên, nhưng phần lớn chúng chỉ đâm trúng khiên của quân Anh và có ít tác dụng. Cho rằng việc bắn tên đã làm suy yếu quân Anh, William cho quân tấn công, nhưng quân Anh ném bất cứ thứ gì họ có vào quân William, và quân Anh đánh trả gây nhiều thương vong trong trận chiến giáp lá cà.

Chịu thương vong nặng nề, quân Norman tháo lui. Quân Anh chọc thủng hàng và truy sát họ, và trận chiến trở nên ác liệt và hỗn loạn. Ngựa của William bị giết và ông ngã xuống đất, nhưng ông còn sống. Bằng cách nào đó ông tập hợp lại quân lính và cho phản công, nhưng giờ thì ông nhận ra trận mưa tên ban đầu có ít tác dụng, vì vậy ông ra lệnh cho các cung thủ bắn cao qua đầu những người lính cầm khiên ở hàng tiên phong để nhắm vào những hàng lính không được bảo vệ ở phía sau của quân Anh. Chiến thuật này có tác dụng đáng kể. Thật vậy, chính Harold bị trúng một mũi tên vào mắt.

Quân Anh bắt đầu suy yếu và vỡ trận phía sau hàng khiên phòng ngự. William ra lệnh tấn công đợt nữa, và lần này quân Norman chọc thủng và kết liễu Harold. Không còn người chỉ huy, nhiều lính Anh bắt đầu tháo chạy và đào tẩu. Trận chiến sớm kết thúc và nước Anh có vua mới; William lên ngôi vào ngày lễ Giáng sinh năm 1066, tại Westminster Abbey.

Vấn đề chính mà trận chiến trên chứng minh được là tính hiệu quả của các cung thủ - quân Norman xung trận với khoảng tám nghìn cung thủ.

Xung đột giữa người Anh và người Pháp tiếp diễn trong nhiều năm. Một trong những vấn đề chính là William, bây giờ là vua nước Anh, cũng là công tước xứ Normandy. Như vậy, các vua Anh phải tôn kính nhà vua Pháp. Nhưng vào năm 1337, Edward III của nước Anh không chịu thuần phục Philip VI của nước Pháp, và điều này đưa đến một loạt cuộc chiến kéo dài hơn một trăm năm (từ 1337 đến 1453). Được gọi là Cuộc chiến Trăm năm, thời kì này mang lại một trong những tiến bộ lớn nhất trong lĩnh vực chế tạo vũ khí. Nó xuất hiện lần đầu tiên trong Trận Crécy vào năm 1346, và nó được gọi là cung dài.

Quân Anh do Edward III chỉ huy, còn quân Pháp do Philip VI thống lĩnh. Quân Pháp đông chừng gấp đôi quân Anh, bên Anh gồm khoảng 5000 cung thủ chạy bộ, 3250 cung thủ cưỡi ngựa, và 3500 lính bộ khác. Quân Pháp có khoảng 6000 cung thủ cầm nỏ chữ thập cùng lực lượng bộ binh đông đúc. Trận chiến diễn ra gần cánh rừng Crécy.5

Philip cho đội cung thủ nỏ chữ thập lên hàng tiên phong, với kị binh hỗ trợ phía sau. Lạ thay, họ bỏ lại các tấm khiên gỗ (vũ khí phòng ngự duy nhất của họ) trên các xe kéo ở phía sau đội hình. Trận chiếm bắt đầu với một loạt mưa tên từ các cung thủ nỏ chữ thập bên Pháp, chúng không gây thiệt hại gì nhiều. Quân Anh có một loại cung dài mới, và trong khi các cung thủ nỏ chữ thập chỉ bắn ra ở tốc độ một hoặc hai phát mỗi phút, thì các cung thủ dùng cung dài có thể bắn ra năm hoặc sáu phát cùng lúc. Hơn nữa, cung dài có tầm xa lớn hơn và sức đâm xuyên dữ dội hơn. Tệ hơn nữa, các dây cung của nỏ chữ thập bị yếu đi bởi một cơn mưa ngay trước trận đấu. Các cung thủ dùng cung dài thì tháo dây cung ra và bảo vệ chúng tránh nước mưa.

Một cái cung dài tiêu biểu được sử dụng tại trận Agincourt

Một cái cung dài tiêu biểu được sử dụng tại trận Agincourt.

Cơn mưa tên nỏ chữ thập có cự li bắn ngắn, còn sự bắn trả của quân Anh sau đó thì không, và nó có hiệu quả ngay. Sự bắn trả tiếp tục diễn ra, và thế là các cung thủ nỏ chữ thập không thể tiến lên đủ gần để cung của họ phát huy tác dụng. Thấy được tình huống này, nhiều cung thủ nỏ chữ thập bắt đầu rút lui qua hàng kị binh Pháp ở phía sau họ. Bực mình trước sự rút lui đó, các kị sĩ bắt đầu đánh luôn phe mình, giết chết nhiều người trong số họ. Sau đó, họ quyết định phản công. Họ thúc ngựa phi qua đám cung thủ rút lui, giẫm lên nhiều cung thủ. Các cung thủ Anh tiếp tục bắn vào lính kị, và trước sự bất ngờ của quân Pháp, nhiều mũi tên xuyên thủng áo giáp của họ. Vì thế, nhiều kị sĩ bắt đầu ngã nhào, càng lúc ngã càng đông, họ bắt đầu cản lối người phía sau, và các xác chết chất chồng lên nhau.

Khi trận chiến kết thúc, quân Pháp chịu tổn thất nặng nề. Theo một ước tính, bốn nghìn kị binh Pháp đã thiệt mạng cùng với hai nghìn cung thủ Pháp. Mặt khác, bên quân Anh chịu ít tổn thất – đa số các ước tính là dưới ba trăm quân. Yếu tố mang tính quyết định là loại cung dài mới sử dụng, và nó sẽ tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong một trăm năm tiếp sau đó.

Cung dài cũng có tính quyết định trong Trận Agincourt vào tháng 10 năm 1415. Vào lúc này, cung dài đã trở nên hiệu quả hơn nhiều. Một lần nữa người Pháp và người Anh tham chiến; lần này quân Anh gồm khoảng sáu nghìn dưới quyền Henry V, và quân Pháp gồm hơn hai mươi lăm nghìn. Trận chiến diễn ra trên một dải hẹp của vùng đồng trống ở gần Agincourt.6

Với quân số đông gấp bốn đến năm lần, quân Pháp có khả năng đã kiêu ngạo. Họ có tám nghìn lính lực lưỡng, nhưng họ sẽ chỉ phát huy hiệu quả trong chiến giáp lá cà, vì vậy họ phải tiến cận gần. Hơn nữa, giữa hai phe là một cánh đồng mới cày xong, và trời đã mưa nặng hạt trong những ngày trước đó. Vì vậy, đất đai lầy lội, rất không có lợi cho quân Pháp, vì nhiều lính của họ trang bị áo giáp nặng nề. Còn về phía quân Anh, nhiều lính bộ đổ bệnh và kiệt sức sau nhiều ngày hành quân.

Các cung thủ người Anh cắm những cái cọc dài, nhọn vào đất, xiên góc về phía quân Pháp. Hàng cọc này giúp bảo vệ họ trước đội xe ngựa của quân kị phe Pháp. Quân Pháp dàn thành ba hàng, với lính bộ ở trước và cung thủ cùng lính bắn cung chữ thập phía sau. Quân Pháp trông đợi quân Anh mở một cuộc tấn công trực diện, nhưng quân Anh không đánh như thế. Thay vậy, lính bắn cung dài (có gắn lông chim) phe Anh mở ra hàng tên yểm trợ. Các cung thủ được huấn luyện bài bản có thể bắn mười lăm mũi tên mỗi phút, vì vậy trong vài ba giây đã có hàng nghìn mũi tên bay trong không khí. Hơn nữa, trước sự bất ngờ của quân Pháp, các mũi tên dễ dàng xuyên qua áo giáp của họ. Nhiều mũi tên bắn trúng lưng ngựa và sườn ngựa, khiến chúng đau đớn; những con ngựa bị thương và hoảng sợ chạy lồng lên lính bộ phía trước, giày xéo họ.7

Lính bộ của Pháp cố gắng tự bảo vệ mình khi tiến về phía trước. Vì mũ sắt của họ là phần yếu thế nhất trong bộ giáp, nên phần lớn họ hạ thấp phần đầu xuống để tránh tên bay trúng mắt hoặc xuyên qua lỗ thở của mũ. Điều này gây cản trở tầm nhìn của họ. Ngoài ra, họ còn phải chạy trên đất bùn lún sâu tới gối, vừa chạy vừa né hoặc nhảy qua đồng đội vừa ngã xuống. Và hàng rào mưa tên dường như không có hồi kết. Chẳng mấy chốc thì lính bộ Pháp kiệt sức và mất nhuệ khí; hơn nữa, họ chẳng thể tiến lên đủ gần để đánh giáp lá cà.

Tệ hơn nữa, hàng chiến binh thứ hai và thứ ba của Pháp không biết chuyện gì đang xảy ra phía trước, họ cứ tiếp tục tiến lên, và chẳng mấy chốc thì chịu chung số phận. Trận chiến kéo dài ba giờ đồng hồ, và cuối cùng bốn đến năm nghìn quân Pháp thiệt mạng (theo nhiều ước tính khác nhau), còn phe Anh chết có vài trăm người. Nhiều quý tộc, trong đó có công tước, đốc quân, vương gia, vân vân, bị thiệt mạng. Và một lần nữa, chính cung dài của quân Anh là nhân tố quyết định.

Vật lí học và chiến tranh
Barry Parker - Trần Nghiêm dịch
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm