Hiệp Khách Quậy Mộc tinh là hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời và là hành tinh thứ năm tính từ Mặt Trời ra. Đường kính của nó gấp mười một lần của Trái Đất, hay khoảng một phần mười đường kính của Mặt Trời. Bức ảnh phiêu phiêu này của Mộc tinh được mã màu để cho thấy các đám mây từ cao độ lớn (màu trắng) đến cao độ... Xin mời đọc tiếp.
MỘC TINH: 43,3 PHÚT ÁNH SÁNG
Mộc tinh là hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời và là hành tinh thứ năm tính từ Mặt Trời ra. Đường kính của nó gấp mười một lần của Trái Đất, hay khoảng một phần mười đường kính của Mặt Trời. Bức ảnh phiêu phiêu này của Mộc tinh được mã màu để cho thấy các đám mây từ cao độ lớn (màu trắng) đến cao độ trung bình (màu lam) đến cao độ thấp (màu đỏ). Vết Đỏ Lớn và láng giềng của nó, “Hậu bối Vết Đỏ”, nằm trên cùng của khí quyển, giải thích vì sao chúng chủ yếu có màu trắng trong bức ảnh này.
VẾT ĐỎ LỚN CỦA SAO MỘC: 43,3 PHÚT ÁNH SÁNG
Vết Đỏ Lớn, một cơn bão khổng lồ trên bán cầu nam Mộc tinh, quay ngược chiều kim đồng hồ, ngược lại với những cơn bão quay theo chiều kim đồng hồ trên Bán cầu Nam của Trái Đất. Màu sắc trong Vết Đỏ Lớn thay đổi khi các hóa chất khác nhau từ những lớp dưới cùng trồi lên thành lớp trên cùng. Gió ở rìa của vết đỏ thổi lên tới 350 dặm trên giờ (560 km/h). Vết Đỏ Lớn bằng khoảng ba lần kích cỡ Trái Đất, to đến mức bạn có thể nhìn thấy nó qua một chiếc kính thiên văn nghiệp dư cỡ nhỏ nếu thời tiết đẹp. Người ta đã quan sát cơn bão Mộc tinh khổng lồ này qua các kính thiên văn to nhỏ trong hàng trăm năm qua.
IO, EUROPA, GANYMEDE, VÀ CALLISTO: 43,3 PHÚT ÁNH SÁNG
Bốn vệ tinh lớn nhất và có lẽ thu hút nhất của Mộc tinh được đặt tên (theo chiều kim đồng hồ từ góc trên bên trái xuống) là Io, Europa, Ganymde, và Callisto, theo tên các nhân vật trong thần thoại Hi Lạp cổ điển. Io được bao phủ bởi những ngọn núi lửa phun trào lưu huỳnh. Bề mặt của Europa chủ yếu là nước đóng băng và có thể có một đại dương lỏng bên dưới chứa lượng nước gấp hai đến ba lần trên Trái Đất. Ganymede là vệ tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời (to hơn cả Thủy tinh), và nó là vệ tinh duy nhất được biết tạo ra từ trường nội của riêng nó. Hai núi lửa phun lưu huỳnh có thể nhìn thấy trên vệ tinh Io của Mộc tinh (chùm khói tía nhỏ ở bên trái và xoáy nhỏ màu tía tại trên cùng). Bề mặt Callisto đầy hang hố va chạm và cổ xưa, nó cung cấp một bản ghi ghép từ những sự kiện trong lịch sử xa xưa của Hệ Mặt Trời.
THỔ TINH: 1,32 GIỜ ÁNH SÁNG
Thổ tinh là hành tinh lớn thứ hai trong Hệ Mặt Trời, kích cỡ chỉ thua Mộc tinh. Hệ thống vành nổi tiếng của sao Thổ lung linh với ánh sáng mặt trời tán xạ trong bức ảnh này, được chụp bởi phi thuyền vũ trụ Cassini khi nó bay qua phía dưới hành tinh vào năm 2006. Thổ tinh có gần năm mươi vệ tinh đa chủng loại với kích cỡ đa dạng từ ngót nghét hai dặm bề ngang cho đến bề rộng của nước Mĩ lục địa. Bức ảnh này còn có hành tinh quê hương của chúng ta, cái chấm màu trắng giữa các vành chính sáng rực và vành màu nâu xám mỏng hơn ở góc trên bên trái. Ảnh này trông khác với những ảnh chụp thường thấy của sao Thổ vì nó được ghép bởi nhiều lớp ảnh hồng ngoại, ánh sáng nhìn thấy, và tử ngoại.
ENCELADUS: 1,32 GIỜ ÁNH SÁNG
Enceladus là một vệ tinh nhỏ của sao Thổ, bề ngang chỉ khoảng bằng Vương quốc Anh, với bề mặt đầy vết sẹo khêu gợi tò mò. Những vết này rốt cuộc là gì? Các nhà khoa học nghĩ rằng chúng là một hệ thống khổng lồ gồm các vết nứt trong băng. Các vết nứt đó bị phủ bởi các vật liệu hữu cơ – nói cách khác, đó là chất liệu cần thiết để làm ra sự sống như chúng ta biết trên Trái Đất. Quả là thú vị, vùng cực nam, nơi tìm thấy nhiều vết nứt nhất, là nơi nóng nhất trên Enceladus. Điều đó ví như tìm thấy rằng vùng Nam Cực trên Trái Đất thật ra nóng hơn vùng nhiệt đới của chúng ta vậy.
CỰC QUANG TRÊN THIÊN VƯƠNG TINH: 2,7 GIỜ ÁNH SÁNG
Một ít người trong số chúng ta có đủ may mắn để nhìn thấy Cực quang, hay Ánh sáng phương Bắc, hay sô diễn bầu trời tương tự ở phía nam xích đạo. Thế nhưng các hành tinh khác cũng có cực quang. Các nhà khoa học đã nhìn thấy cực quang trên Mộc tinh, Thổ tinh, và, như chúng ta có thể thấy trong những bức ảnh này, Thiên Vương tinh. Được chụp bởi Kính thiên văn Vũ trụ Hubble vào năm 2011, các bức ảnh này cho thấy cực quang của Thiên Vương tinh khi chúng xuất hiện trong ánh sáng nhìn thấy và tử ngoại. Dữ liệu về cực quang từ Hubble kết hợp với các ảnh chụp về toàn bộ hành tinh do phi thuyền Voyager 2 thực hiện trong chuyến bay qua của nó vào năm 1986, cùng với dữ liệu quang học từ Đài thiên văn Gemini ở Hawaii, đem lại cho chúng ta bức ảnh độc đáo về hành tinh bí ẩn này.
SAO CHỔI HALE-BOPP: 656 GIÂY ÁNH SÁNG
Vì sao có đến hai cái đuôi phía sau sao chổi này? Khi một sao chổi tiến gần về phía Mặt Trời, nó bắt đầu nóng lên và thất thoát bụi và chất khí. Bụi bốc hơi từ sao chổi đi theo quỹ đạo của sao chổi đồng thời phản xạ ánh sáng Mặt Trời, vì thế xuất hiện có màu trắng. Cái đuôi màu xanh là do chất khí thoát ra từ sao chổi, chủ yếu gồm carbon monoxide, tương tác với hạt do Mặt Trời phát ra.
SAO CHỔI C/2001 Q4 (NEAT): 160 GIÂY ÁNH SÁNG
Do hình dạng và quỹ đạo của chúng trong Hệ Mặt Trời, có lẽ nhiều người nghĩ sao chổi giống với “sao băng” hay những vật cháy khác do ma sát trong khí quyển của chúng ta. Tuy nhiên, trong không gian không có khí quyển, và các sao chổi thật sự không bốc cháy. Thay vậy, sao chổi được nhìn thấy trên Trái Đất là vì chúng tán xạ ánh sáng mặt trời. Khi chúng bị Mặt Trời làm ấm lên trên quỹ đạo của chúng từ ngoại vi xa xôi của Hệ Mặt Trời tiến vào phía trong, những quả cầu băng giá gồm bụi và đá này bắt đầu làm rơi rụng vật chất của chúng.
CẨM NANG THÁM HIỂM VŨ TRỤ
Kimberly Arcand và Megan Watzke
Trần Nghiêm dịch
Phần tiếp theo >>