Hiệp Khách Quậy Điểm dừng tiếp theo trên hành trình của chúng ta là vật thể sáng giá nhất trên bầu trời của chúng ta: Mặt trời. Trong lĩnh vực không gian học, một trong những thực tế thường bị bỏ qua nhất có lẽ là Mặt trời của chúng ta, thật ra, là một ngôi sao. Chúng ta có một niềm đam mê đặc biệt đối với Mặt trời... Xin mời đọc tiếp.
MẶT TRỜI CỦA CHÚNG TA
Điểm dừng tiếp theo trên hành trình của chúng ta là vật thể sáng giá nhất trên bầu trời của chúng ta: Mặt trời. Trong lĩnh vực không gian học, một trong những thực tế thường bị bỏ qua nhất có lẽ là Mặt trời của chúng ta, thật ra, là một ngôi sao. Chúng ta có một niềm đam mê đặc biệt đối với Mặt trời – và đó là chuyện hay. Vầng thái dương rực rỡ mọc rồi lặn trên bầu trời mỗi ngày là nguyên nhân cho sự tồn tại của chúng ta. Xét cho cùng, nếu chúng ta không có nhiệt và ánh sáng do Mặt trời cung cấp, thì chúng ta đã chẳng thể sinh sống trên Trái đất.
Chúng ta có lẽ hơi chút tự mãn khi thưởng ngoạn vẻ đẹp tráng lệ của ngôi sao quê hương của mình. Nhìn từ bề mặt Trái đất, Mặt trời trông như một cái đĩa vàng. Tuy nhiên, các kính thiên văn hiện đại đã cho chúng ta bằng chứng thị giác to lớn rằng Mặt trời không hề bình yên. Thật vậy, Mặt trời là một cơn thịnh nộ của chất khí quá nhiệt phát ra bức xạ theo những kiểu mà chúng ta có thể chưa từng nhìn thấy qua đôi mắt trần của mình.
Mặt trời mọc trên Trái đất nhìn từ Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Phi thuyền vũ trụ Đài thiên văn Mặt trời và Nhật quyển (SOHO) thuộc NASA/ESA đã chụp bức chân dung này của ngôi sao của chúng ta vào năm 1999. Nổi bật ở góc trên bên phải là một tai lửa mặt trời khổng lồ, hình tay cầm. Những tai lửa mặt trời như thế có thể trải ra hàng nghìn dặm và có thể tồn tại đến vài tháng.
MỘT GÓC NHÌN HOÀN TOÀN MỚI CỦA MẶT TRỜI
Ở đây, phần nói về màu sắc và ánh sáng ở chương trước bắt đầu có liên quan. Hãy nhớ lại rằng một vật thể phát ra nhiều loại ánh sáng khác nhau. Hãy nhìn vào ngôi sao của chúng ta, Mặt trời, trong vùng ánh sáng vô tuyến, hồng ngoại, tử ngoại, và tia X.
Mặt trời của chúng ta là nguồn sóng vô tuyến sáng nhất trên bầu trời của chúng ta. Những vùng hoạt động nhất trong những bức ảnh này (xem bên dưới) là những vùng sáng hơn và trắng hơn. Ảnh chụp hồng ngoại cho thấy những vùng tối hơn, nơi chất khí nguội hơn và đặc hơn. Ở vùng phía dưới bên phải của bức ảnh chụp này của Mặt trời, bạn có thể thấy một phun trào nhỏ của chất khí nơi nhiệt độ đạt tới hàng triệu độ. Ảnh chụp tử ngoại cho thấy nhiều tai lửa năng lượng cao và các phun trào vật chất vành nhật hoa. Trong ảnh chụp tia X, có các vòng và các cột sáng nhật hoa. Những vùng tối hơn là những vùng nguội hơn nơi chất khí kém hoạt động hơn. Đây đều là ảnh chụp của Mặt trời; chúng chỉ cho thấy những đặc trưng khác nhau tùy thuộc vào loại ánh sáng đang được quan sát.
Mặt trời nhìn qua ánh sáng vô tuyến, hồng ngoại, tử ngoại, và tia X.
CẨM NANG THÁM HIỂM VŨ TRỤ
Kimberly Arcand và Megan Watzke
Trần Nghiêm dịch
Phần tiếp theo >>