Cẩm nang thám hiểm vũ trụ (Phần 2)

Hiệp Khách Quậy Trước khi thám hiểm vượt ra khỏi hành tinh của chúng ta, chúng ta cần thu thập một số thông tin từ những trải nghiệm sống riêng của chúng ta trên Trái đất này. Đây không phải chỉ là để luyến nhớ quê nhà. Khi chúng ta biết thêm về Hệ... Xin mời đọc tiếp.

1

NƠI ĐÂY LÀ QUÊ NHÀ

Bắt đầu lúc khai cuộc và tiếp tục cho đến khi bạn đi tới kết thúc; khi đó thì dừng lại.

- LEWIS CARROL

Trước khi thám hiểm vượt ra khỏi hành tinh của chúng ta, chúng ta cần thu thập một số thông tin từ những trải nghiệm sống riêng của chúng ta trên Trái đất này. Đây không phải chỉ là để luyến nhớ quê nhà. Khi chúng ta biết thêm về Hệ Mặt trời của chúng ta, về Dải Ngân hà, và cuối cùng về Vũ trụ, chúng ta tìm thấy có những công cụ quý giá cho bộ hành trang của nhà thám hiểm vũ trụ ngay tại đây, trên hành tinh quê hương của riêng chúng ta.

Đa số nhân loại chưa từng rời khỏi hành tinh – chỉ vài ba trăm con người từng bay vào vũ trụ, bao gồm các nhà du hành và các vị khách du lịch vũ trụ, so với hàng tỉ con người sinh sống trọn đời trên mặt đất. Tuy nhiên, chính cái bản chất bám đất của chúng ta đã đưa đến khả năng nhận thức sai lầm về cái tồn tại ngoài kia, vượt ra ngoài hành tinh của chúng ta. Ví dụ, cái gì sẽ xảy ra nếu lực hấp dẫn tác dụng khác đi trong những môi trường khác? Trong hàng thập kỉ, các nhà khoa học đã rất vất vả với câu hỏi này – kể cả Albert Einstein, người nổi tiếng là mang đến sự tiến bộ lớn về nhận thức lực hấp dẫn.

MỘT THIÊN TÀI ĐÍCH THỰC

Có lí do vì sao tên của Albert Einstein thường được dùng làm từ đồng nghĩa cho “thiên tài”. Có lẽ chẳng có cá nhân nào khác trong lịch sử lại có nhiều tác động đối với nhận thức của chúng ta về Vũ trụ như Einstein (1879–1955), nhà vật lí gốc Đức nổi tiếng nhất với lí thuyết tương đối của ông. Khi bạn nhận ra rằng ông đã đang đi tới những khái niệm và lí thuyết hàng thập kỉ trước khi chúng ta có các kính thiên văn hay các thiết bị khác để kiểm tra chúng, cảm giác là thật sự ngạc nhiên.

Einstein đã có thể nghĩ về Vũ trụ ở những tầm vóc đi trước thời đại của ông. Ông nhận ra rằng các nhà khoa học cần tính đến khối lượng khổng lồ và quy mô của vũ trụ cũng như các môi trường cực độ có thể tồn tại trong Vũ trụ - và ông đã làm như thế. Cho đến ngày nay, hơn một trăm năm đã trôi qua kể từ khi mẻ đầu tiên của những bài báo hạt giống của ông được công bố, các nhà khoa học vẫn dựa trên các quan niệm của Einstein để xử lí cái chúng ta nhìn thấy trong toàn cõi Vũ trụ.

Chẳng có ở đâu thành kiến khả dĩ của chúng ta lại quan trọng hơn trong tìm kiếm sự sống bên ngoài hành tinh của chúng ta. Trong một thời gian dài, đa số các nhà khoa học bị thuyết phục rằng bất kì dạng sống nào cũng cần cái chúng ta cần: nước lỏng, một cái gì đó để thở, và một môi trường dễ chịu. Ngày nay, chúng ta biết rằng Trái đất chỉ là một trong có lẽ hàng tỉ hành tinh trong Thiên hà của chúng ta – và Dải Ngân hà chỉ là một trong một trăm tỉ thiên hà khác, hoặc còn nhiều hơn. Đồng thời, chúng ta biết được rằng công thức cho sự sống trên Trái đất có lẽ đa dạng hơn người ta thường nghĩ. Điều này có nghĩa là các khả năng cho sự sống ở đâu đó khác trong Vũ trụ có khả năng lớn hơn nhiều so với cái các thế hệ nhà khoa học trước đây nghĩ tới.

Một hố thiên thạch trên sao Hỏa

Một hố thiên thạch trên sao Hỏa. Mảng vật chất sáng ở gần tâm của miệng hố rộng 35 km là nước đóng băng còn sót lại.

Hố thiên thạch Pingualuit

Ảnh chụp từ trên không của Hố thiên thạch Pingualuit ở miền bắc Quebec, Canana. Hố có đường kính hơn 3,2 km một chút. Các nhà khoa học ước tính nó đã được hình thành khoảng 1,4 triệu năm trước.

SỰ SỐNG TRÊN TRÁI ĐẤT

Xét cho cùng thì “sự sống” là gì? Một số người trong chúng ta có thể định nghĩa sự sống thông qua các ví dụ, như con người và động vật, cùng với thực vật và những thứ nhỏ hơn như vi khuẩn và vi sinh vật. Đa số những thứ này tồn tại phong phú đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống thường nhật, hoặc chúng sống trong các môi trường mà chúng ta có thể đến thăm, như đại dương, rừng rậm, lãnh nguyên, vân vân.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà khoa học bắt đầu sục sạo một số nơi khắc nghiệt nhất, dường như không ở được, trên hành tinh để tìm kiếm sự sống. Họ đã thám hiểm các khe núi lửa sâu hàng nghìn mét bên dưới đại dương, nơi áp suất mạnh đến mức nó có thể nghiền nát những con tàu ngầm khỏe nhất. Họ đã nhìn vào những hồ nước đóng băng vùi sâu hàng dặm bên dưới lớp băng phủ Nam Cực, nơi ánh sáng mặt trời chưa từng rọi đến trong hàng nghìn năm qua. Họ đã kiểm tra bên trong những cái hồ nước mặn trên núi sùng sục acid, cao hàng nghìn mét, nơi bức xạ tử ngoại từ Mặt trời đến bắn phá bất cứ cái gì sinh sống ở đó.

Cho dù đi tới đâu, trên mỗi bước chân của mình, các nhà khoa học đều tìm thấy có sự sống.

Các nhà khoa học đang nhìn vào những địa điểm khắc nghiệt này không phải chỉ để thấy cái gì có thể tồn tại trên Trái đất, mà còn để thấy cái gì có thể tồn tại bên ngoài địa cầu. Hàng thập niên trước đây, nhiều nhà khoa học khăng khăng rằng sự sống cần những thành phần then chốt nhất định và những môi trường đặc biệt. Nếu sự sống có thể phát triển dưới áp suất cực độ ở sâu vài dặm bên dưới mặt đại dương trên Trái đất, vậy lẽ nào nó không thể phát triển trong một môi trường khắc nghiệt tương đương nào đó ở đâu đó khác trong vũ trụ? Nếu sự sống tồn tại được dưới một cái hồ băng phủ ở Nam Cực, thì phải chăng nó có thể được tìm thấy dưới bề mặt của một vệ tinh băng phủ của Mộc tinh?

Kịch bản tối hậu cho các nhà nghiên cứu là đưa các phi thuyền – và có lẽ, một ngày đó, bản thân các nhà khoa học nữa – đến những góc rẽ xa rộng của Hệ Mặt trời để thám hiểm và tìm kiếm sự sống. Ngày nay, ngay cả việc phóng phi thuyền rô bôt vẫn là hết sức khó khăn và tốn kém, nên những sứ mệnh như thế còn ít và không thường xuyên. Để giải quyết vấn đề đó, các nhà khoa học và các kĩ sư chuyển hướng sang những địa điểm xa xôi trên Trái đất để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về các môi trường kì lạ.

Thật khó tưởng tượng việc Trái đất được dùng làm một vật thay thế đơn thuần cho một hành tinh khác, theo kiểu phim trường Hollywood là vật thay thế cho một tòa nhà thật, nhưng việc có những “hành tinh nhân bản” này trên Trái đất là cực kì quan trọng đối với những ai muốn tìm hiểu về những nơi ở xa bên ngoài hành tinh quê nhà của chúng ta. Những địa điểm này được dùng để thử nghiệm không chỉ những loại sự sống gì có thể sinh sôi trong những môi trường kém dễ chịu, mà còn thử nghiệm những loại thách thức mà xe cộ và phần cứng sứ mệnh khác sẽ phải chịu nếu chúng được gửi tới những địa điểm xa lạ như thế. Như vậy, Trái đất giữ một vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta tìm hiểu cái nằm vượt ra bên ngoài nó.

Hãy lấy kiến thức mới này (và chắc chắn phức tạp hơn) của sự sống trên Trái đất này, đóng gói ba lô hành trang, và tiến ra phần còn lại của vũ trụ. Trên đường đi, hãy nhớ trong đầu rằng: Chúng ta học được càng nhiều, thì đôi khi chúng ta hiểu được càng ít.

CẨM NANG THÁM HIỂM VŨ TRỤ
Trần Nghiêm dịch
Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm