Hiệp Khách Quậy Thỉnh thoảng, người ta lại cãi nhau chuyện có tám hay chín hành tinh trong Hệ Mặt trời của chúng ta, tùy thuộc vào chúng ta có đếm Pluto hay không. Tuy nhiên, đây có thể sẽ là một điểm phải bàn lại. Đó là bởi vì số lượng hành tinh mà chúng ta đang tìm thấy bên ngoài Hệ Mặt trời tiếp tục tăng thêm – và... Xin mời đọc tiếp.
SĂN TÌM CÁC HÀNH TINH NGOẠI
Thỉnh thoảng, người ta lại cãi nhau chuyện có tám hay chín hành tinh trong Hệ Mặt trời của chúng ta, tùy thuộc vào chúng ta có đếm Pluto hay không. Tuy nhiên, đây có thể sẽ là một điểm phải bàn lại. Đó là bởi vì số lượng hành tinh mà chúng ta đang tìm thấy bên ngoài Hệ Mặt trời tiếp tục tăng thêm – và tăng nhanh.
Theo số liệu mới nhất, đã có hàng trăm hành tinh được xác nhận nằm bên ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta, với hàng nghìn vật thể khác được ghi nhận là “ứng cử viên” (có nghĩa là các nhà khoa học cần thêm dữ liệu để xác định chúng có phải là hành tinh hay không.) Vật thể đầu tiên trong số những “hành tinh ngoài hệ mặt trời” hay “hành tinh ngoại” này được khám phá vào năm 1995, và cuộc đua tìm kiếm thêm nhiều hành tinh và các loại hành tinh đa dạng đã mở màn kể từ đó. Cho đến nay, nhiều hành tinh ngoài hệ mặt trời được tìm thấy là những hành tinh khổng lồ có kích cỡ bằng Mộc tinh hoặc thậm chí lớn hơn nhiều. Điều này không nhất thiết có nghĩa là các hành tinh lớn chiếm số đông trong Vũ trụ - chỉ là công nghệ của chúng ta tại thời điểm này dễ cho phép chúng ta tìm thấy các hành tinh lớn hơn.
Các nhà thiên văn đã sử dụng một kĩ thuật khéo léo không quan trắc trực tiếp những hành tinh này. Thay vậy, họ nhìn vào ngôi sao mà một hành tinh (hay nhiều hành tinh) quay xung quanh và tìm kiếm các co giật nhỏ mà ngôi sao chịu do lực hấp dẫn. Có thể mất hàng năm trời quan trắc đều đặn và phân tích tỉ mỉ mới tìm thấy những hiệu ứng nhỏ bé này, nhưng kĩ thuật đó tỏ ra rất hiệu quả. Tuy nhiên, nó có xu hướng nghiêng về tìm thấy những vật thể lớn nhất trong những hành tinh ngoại này vì nói đại khái thì chúng có tác động hấp dẫn lớn nhất, và mang đến cho các nhà thiên văn một cơ hội tìm thấy các tín hiệu của chúng trong dữ liệu thu được.
Trong vài năm trở lại đây, một kĩ thuật đáng tin cậy khác đã xuất hiện cho phép các nhà thiên văn tìm kiếm những thế giới nằm bên ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta. “Sự đi qua” là khái niệm ý nói khi một vật thể thiên văn đi qua phía trước một vật thể khác (bạn có thể đã nghe nói tới sự đi qua của Kim tinh trước Mặt trời xảy ra vào tháng 6 năm 2012). Trong trường hợp săn tìm hành tinh, điều này có nghĩa là các nhà thiên văn có thể quan sát sự mờ đi hết sức tinh vi của ánh sáng đến từ ngôi sao khi một hành tinh đi qua phía trước nó. Sứ mệnh Kepler của NASA, theo lịch trình sẽ tiếp tục hoạt động cho đến năm 2016, đã khám phá ra nhiều hành tinh ngoại sử dụng kĩ thuật đi qua này.
Trong khi chúng ta chưa tìm thấy một hành tinh giống hệt như Trái đất, nhưng cuộc săn tìm vẫn đang diễn ra. Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng chúng ta có lẽ không phải chờ quá lâu nữa mới tìm thấy một hành tinh như vậy.
Hình minh họa này trình bày tập hợp các ứng cử viên hành tinh (các chấm đen) của sứ mệnh Kepler cùng với các ngôi sao bố mẹ của chúng. Các ngôi sao bố nhẹ được sắp xếp theo trình tự kích cỡ của chúng từ lớn nhất (góc trên bên trái) đến nhỏ nhất (góc dưới bên phải). Một số ngôi sao được minh họa với nhiều hơn một hành tinh đi qua phía trước chúng. Để so sánh, Mặt trời của chúng ta có cùng cỡ như phần lớn các ngôi sao bố mẹ; xem ngôi sao đứng riêng lẻ nằm ngay bên dưới hàng đầu tiên ở trên. In bóng trên Mặt trời là Mộc tinh và Trái đất.
CẨM NANG THÁM HIỂM VŨ TRỤ
Kimberly Arcand và Megan Watzke
Trần Nghiêm dịch
Phần tiếp theo >>