Cẩm nang thám hiểm vũ trụ (Phần 18)

Hiệp Khách Quậy Vị trí của Mặt trời tại trung tâm của Hệ Mặt trời chi phối nhiều thứ về các hành tinh – chủ yếu bởi vì chúng ở bao gần hay bao xa. Bốn hành tinh gần nhất, Thủy tinh, Kim tinh, Trái đất và Hỏa tinh, thường được gọi chung là “các hành tinh nhóm trong”. Xin mời đọc tiếp.

CÁC HÀNH TINH NHÓM TRONG

Vị trí của Mặt trời tại trung tâm của Hệ Mặt trời chi phối nhiều thứ về các hành tinh – chủ yếu bởi vì chúng ở bao gần hay bao xa. Bốn hành tinh gần nhất, Thủy tinh, Kim tinh, Trái đất và Hỏa tinh, thường được gọi chung là “các hành tinh nhóm trong”.

THỦY TINH

Thủy tinh là hành tinh gần Mặt trời nhất, ở khoảng cách trung bình chỉ 36 triệu dặm (58 triệu km). Đây không phải là một khoảng cách gì lớn trong thiên văn học. Thật vậy, quỹ đạo gần này đồng nghĩa là Thủy tinh quay xung quanh Mặt trời mỗi vòng mất chừng 88 ngày. Nói cách khác, một năm trên Thủy tinh kéo dài chưa tới ba tháng trên Trái đất này.

Trông từ xa, Thủy tinh có chút giống với Mặt trăng của chúng ta – nhấp nhỏm những miệng hố và những vùng bằng phẳng. Mắt trần khó nhìn thấy, nhưng Thủy tinh là một hành tinh cực độ. Ở phía đối mặt với Mặt trời, nhiệt độ trên bề mặt có thể lên tới 800 độ Fahrenheit (427 độ Celsius). Nên nhớ rằng lò nướng vi sóng trong bếp nhà bạn tạo ra nhiệt độ chừng 500 độ Fahrenheit (260 độ Celsius).

Thủy tinh

Các sọc dài trong bức ảnh chụp này của Thủy tinh tỏa ra từ một hố va chạm tại chóp trên của ảnh. Các đường sọc hay “tia” tỏa ra từ hố va chạm kéo dài đến 600 dặm (1.000 km). Những đường tia như thế được tạo ra khi một vụ va chạm làm đào xới vật liệu từ bên dưới mặt đất và ném nó từ miệng hố ra ngoài. Những tia như thế này mờ dần theo thời gian vì chúng phơi ra trước môi trường vũ trụ khắc nghiệt. Những hố có các đường sọc sáng có khả năng còn trẻ bởi vì các tia sọc đó vẫn còn nhìn thấy được.

KIM TINH

Kim tinh là hành tinh thứ hai tính từ Mặt trời ra, và là láng giềng hành tinh gần gũi nhất của Trái đất trong Hệ Mặt trời. Với kích cỡ và trọng lượng nhỏ hơn Trái đất một chút, Kim tinh hiện nay có các núi lửa đang hoạt động, có núi non, và sông ngòi. Trong quá khứ của nó, có lẽ Kim tinh từng có những đại dương nước lỏng.

Tuy nhiên, Kim tinh ngày nay chẳng phải là nơi mà chúng ta muốn sinh sống. Bầu khí quyển dày đặc của nó, chủ yếu gồm carbon dioxide, bắt giữ nhiệt mà hành tinh nhận từ Mặt trời. Hiểu theo một nghĩa nào đó thì nó đang chịu vấn đề hoàn toàn ngược lại với Thủy tinh trong việc giữ nhiệt. Không có luận cứ nào cho tác động của “hiệu ứng nhà kính” này đối với Kim tinh: Trên bề mặt của nó hết sức nóng, nhiệt độ lên tới 900 độ Fahrenheit (482 độ Celsius). Nhiệt lượng khủng khiếp này sẽ làm bay hơi hết các đại dương lỏng giống Trái đất từ lâu.

Một nét độc đáo của Kim tinh là nó quay ngược chiều kim đồng hồ. Các hành tinh khác trong Hệ Mặt trời – kể cả Trái đất – quay theo chiều kim đồng hồ. Điều này có nghĩa là một người nào đó đang đứng trên Kim tinh sẽ nhìn thấy Mặt trời mọc ở đằng tây và lặn ở đằng đông. Tại sao lại có chuyển động lạ lùng như vậy? Một quan điểm cho rằng nó đã hứng chịu một loạt đạn tiểu hành tinh vào thời buổi sơ khai của nó. Một hoặc nhiều cú va chạm này có thể đủ tác động để làm đổi chiều quay của hành tinh.

Kim tinh

Có bằng chứng cho thấy khi còn trẻ, Kim tinh gần như chắc chắn có nước lỏng – một thành phần thiết yếu cho sự sống trên Trái đất. Một số nhà khoa học phỏng đoán rằng các sinh vật đơn bào thật sự có thể sống sót trong bầu khí quyển khắc nghiệt nhưng ổn định trên Kim tinh ngày nay.

TRÁI ĐẤT

Hành tinh tiếp theo trong Hệ Mặt trời là Trái đất xinh tươi của chúng ta. Mặc dù chúng tôi đã nói về Trái đất rồi, nhưng chúng ta nên nhắc lại thêm đôi điều khiến cho Trái đất đặc biệt như thế. Toàn bộ quy về là do vị trí, vị trí, và vị trí của nó. Trái đất xuất hiện ngay trong vùng đất lành – không quá gần và không quá xa Mặt trời. Chúng ta có đủ nhiệt trên hành tinh của chúng ta để có nước lỏng (rất quan trọng đối với loài người), nhưng cũng không có quá nhiều nhiệt trên mặt đất.

Kết hợp nhiệt độ Goldilocks này với bầu khí quyển dày của chúng ta chứa những thứ tươi tốt như oxygen, và một từ trường hoạt tính che chắn chúng ta trước bức xạ và bụi vũ trụ nguy hại, Trái đất hóa ra là một tài sản quý giá trong Hệ Mặt trời.

HỎA TINH

Hỏa tinh là láng giềng gần ở phía bên kia của chúng ta, phía bên xa Mặt trời. Trong hàng thập niên, Hỏa tinh đã là chất liệu cho truyện khoa học viễn tưởng và sự thám hiểm khoa học trên thực tế. Các vệ tinh Viking đã bay vòng quanh sao Hỏa hồi thập niên 1970 và gửi về nhiều thông tin về cái chúng ta gọi là Hành tinh Đỏ, trong đó có một số dữ liệu cho thấy có lẽ từng có nước lỏng ở một số nơi trên Hành tinh Đỏ trong quá khứ xa xôi của nó.

NASA đã trở lại sao Hỏa theo kiểu đặc biệt vào đầu năm 2004 khi Các xe tự hành Thám hiểm sao Hỏa, tên gọi là Spirit và Opportunity, đã hạ cánh an toàn lên mặt đất sao Hỏa. Hai rô-bôt can trường này được thiết kế để duy trì hoạt động trong khoảng sáu tháng. Tuy nhiên, chúng đã hoạt động trong hơn sáu năm, và một rô-bôt vẫn tiếp tục gửi về dữ liệu khoa học cho đến năm 2012. Những xe tự hành này cho biết các kết quả Viking là dấu hiệu của sông băng. Spirit và Opportunity đã tìm thấy thêm nhiều bằng chứng cho nước, phát hiện ra các khoáng chất chủ yếu trong đá và bụi sao Hỏa, và nói chung đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn trước nay chưa từng có của bề mặt Hành tinh Đỏ. Một phát triển mới đây trong sự nghiệp thám hiểm sao Hỏa là sự ra đời của Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa vào tháng 8 năm 2012. Phi thuyền vũ trụ này mang theo xe tự hành Curiosity, với kích cỡ chừng bằng chiếc Mini Cooper. Để so sánh, Spirit và Opportunity mỗi chiếc có kích cỡ khoảng bằng chiếc xe chơi golf, nghĩa là Curiosity có thể mang thêm nhiều thiết bị khoa học hơn và sẽ có khả năng đi xa hơn các tiền bối xe tự hành thành công của nó.

Hỏa tinh

Vào năm 2007, sứ mệnh Pheonix của NASA đã tiếp đất trên vùng đất bằng ở cực bắc sao Hỏa để nghiên cứu lịch sử của nước và khả năng ở được trong đá giàu băng trên sao Hỏa. Pheonix đã xác nhận sự có mặt của nước đóng băng trong lòng đất sao Hỏa, và đã tìm thấy calcium carbonate, một chất chỉ thị của một hành tinh kém acid hơn (dễ sống hơn) trong quá khứ. Pheonix còn quan sát thấy tuyết rơi từ các đám mây trong khí quyển sao Hỏa.

CẨM NANG THÁM HIỂM VŨ TRỤ
Kimberly Arcand và Megan Watzke
Trần Nghiêm dịch
Phần tiếp theo >>

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm