Hiệp Khách Quậy Vũ trụ chứa đâu đó chừng 100 tỉ đến 200 tỉ thiên hà. Với con số lớn như thế, bạn có thể cược rằng có nhiều thứ lạ lẫm ở ngoài kia. Bên ngoài Ngân Hà của chúng ta, có các thiên hà hình dạng y như con sứa, các thiên hà đang ăn thịt các thiên hà khác, và các thiên hà có vẻ như thiếu vật chất tối tràn ngập... Xin mời đọc tiếp.
Vũ trụ chứa đâu đó chừng 100 tỉ đến 200 tỉ thiên hà. Với con số lớn như thế, bạn có thể cược rằng có nhiều thứ lạ lẫm ở ngoài kia. Bên ngoài Ngân Hà của chúng ta, có các thiên hà hình dạng y như con sứa, các thiên hà đang ăn thịt các thiên hà khác, và các thiên hà có vẻ như thiếu vật chất tối tràn ngập phần còn lại của vũ trụ.
Dưới đây là một số thiên hà lạ lùng nhất ngoài kia.
Trông y hệt con sứa
Nằm trong chòm sao Nam Tam Giác (Triangulum Australe), thiên hà ESO 137-001 trông y hệt một con sứa đang bơi giữa biển sao. Đây là một thiên hà xoắn ốc dạng thanh – các sao của nó tạo thành hình xoắn ốc cùng với một thanh chắn chạy qua vùng tâm của nó – với một vòng xoắn: các dòng sao có vẻ trôi giạt như chân sứa.
Theo NASA, các sao này đang hình thành bên trong một cái đuôi bụi và chất khí (mắt trần không nhìn thấy) tỏa ra khỏi ESO 137-001. Quá trình hình thành này có chút bí ẩn, bởi lẽ chất khí trong cái đuôi ấy quá nóng cho sự hình thành sao.
Vật chất mất tích ư?
Vào năm 2018, Kính thiên văn Vũ trụ Hubble tìm thấy thứ chưa từng nhìn thấy trước đó: một thiên hà với hầu như không có vật chất tối.
Khám phá này lập tức gây chú ý. Vật chất tối là một hình thức bí ẩn của vật chất tương tác với lực hấp dẫn, nhưng không tương tác với ánh sáng. Trong tổng lượng vật chất trong vũ trụ, nó chiếm phần hơn so với vật chất mà chúng ta có thể nhìn thấy, vì thế việc tìm thấy một thiên hà không có chút vật chất tối nào thật là lạ.
Một năm sau, các thám tử khoa học đã giải được bí ẩn: Thiên hà ấy, NGC 1052-DF2, không phải ở xa 65 triệu năm ánh sáng, như ban đầu người ta tin như vậy. Thật ra nó chỉ ở xa 42 triệu năm ánh sáng, theo báo cáo của các nhà nghiên cứu hôm 14 tháng Ba, 2019 trên Bản tin Hằng tháng của Hội Thiên văn học Hoàng gia. Sự chênh lệch khoảng cách như thế làm thay đổi hoàn toàn các phép tính khối lượng của thiên hà. Hóa ra thì nó cũng là một thiên hà xinh đẹp bình thường thôi, và thế là vũ trụ có ý nghĩa trở lại.
Thiên hà zombie
Thiên hà đồ sộ hình đĩa MACS 2129-1 quay tròn nhanh gấp đôi Ngân Hà, nhưng nó không hoạt động bằng. Các quan sát Hubble về thiên hà xa xôi này cho thấy nó đã không còn tạo sao trong chừng 10 tỉ năm.
MACS 2129-1 là cái gọi là “thiên hà chết”, vì các sao không còn hình thành nữa. Khám phá thiên hà này là một chuyện nhức đầu. Các nhà khoa học tin rằng các thiên hà thuộc loại này đã hình thành bằng cách hợp nhất với các thiên hà nhỏ hơn theo thời gian, nhưng các sao của MACS 2129-1 đã không ra đời từ kiểu hợp nhất dữ dội này; chúng đã ra đời từ sớm, trong đĩa thiên hà ban đầu. Các kết quả công bố trên tạp chí Nature năm 2017 đề xuất rằng các thiên hà chết bằng cách nào đó đã tự sắp xếp lại cấu trúc của chúng khi chúng già đi chứ không phải thay đổi hình dạng do chúng kết hợp với các thiên hà khác.
Thiên hà ăn thịt
Như thể các thiên hà zombie chưa đủ ma quái, một số thiên hà còn là kẻ ăn thịt khổng lồ. Thiên hà Andromeda, láng giềng lớn nhất của Trái Đất, đã ăn tươi nuốt sống các thiên hà nhỏ hơn trong ít nhất 10 tỉ năm, theo một nghiên cứu năm 2019. Trong 4,5 tỉ năm nữa, thiên hà Andromeda và thiên hà Ngân Hà sẽ va chạm, mặc dù vẫn chưa rõ mèo nào sẽ cắn mỉu nào trong cú chạm trán vũ trụ này. (Các cư dân Trái Đất, thật đáng tiếc, sẽ không còn hiện diện để chứng kiến cú chạm trán này, vì Mặt Trời của chúng ta đang nóng lên và có khả năng sẽ tiêu diệt sự sống trên Trái Đất trong khoảng 1 đến 5 tỉ năm nữa.)
Con nòng nọc bơi trong không gian
Ở xa ba trăm triệu năm ánh sáng, một con nòng nọc khổng lồ đang bơi trong không gian. Thiên hà “nòng nọc” này có một cái đuôi dài ngoằn 500.000 năm ánh sáng, và dài gấp 10 lần Ngân Hà.
Điều gì tạo ra hình dạng thiên hà kì cục như vậy? Một cú va chạm vũ trụ, theo công bố của các nhà nghiên cứu vào năm 2018 trên Bản tin Hằng tháng của Hội Thiên văn học Hoàng gia. Hai thiên hà hình đĩa hút lên một thiên hà lùn nhỏ hơn, dồn cục các sao ở một đầu thành “đầu nòng nọc” và để đầu kia tỏa ra thành một “cái đuôi” dài. Tuy nhiên, sắp xếp này chỉ tồn tại trong một thời gian có hạn. Trong vài tỉ năm nữa, các thiên hà này sẽ hợp nhất với một số thiên hà trong vùng phụ cận thành một thiên hà duy nhất.
Nguồn: Live Science