Hiệp Khách Quậy Các thiên hà thường tương tác với nhau, dồn nén láng giềng của chúng thành hình dạng mới, đánh cắp sao và thực hiện những trò chơi khăm xỏ lá khác. Thiên hà sáng nhất được biết trong vũ trụ là một trong những tên trộm này. Vào năm 2018, các nhà khoa học công bố rằng họ đã quan sát thấy thiên hà W2246-0526... Xin mời đọc tiếp.
Tên trộm phát sáng
Các thiên hà thường tương tác với nhau, dồn nén láng giềng của chúng thành hình dạng mới, đánh cắp sao và thực hiện những trò chơi khăm xỏ lá khác. Thiên hà sáng nhất được biết trong vũ trụ là một trong những tên trộm này. Vào năm 2018, các nhà khoa học công bố rằng họ đã quan sát thấy thiên hà W2246-0526 đang nuốt chửng một nửa khối lượng của ba thiên hà láng giềng.
Các nhà thiên văn đã có thể quan sát các dòng khối lượng kết nối các thiên hà trên – chí ít chúng đã làm thế hơn 12 tỉ năm trước, khi ánh sáng đó bắt đầu hành trình của nó hướng về Trái Đất. Quan sát này là ảnh chụp nhanh trực tiếp xa xôi nhất về sự thôn tính thiên hà và là ví dụ duy nhất được biết về một thiên hà đang hút tuồn vật chất nhiều hơn một láng giềng cùng lúc.
Sói Non đã chết
Là thiên hà có tên gọi dễ thương nhất, Sói Non (Littile Cub) nằm trong chòm sao Đại Hùng. Thiên hà lùn này phần lớn đã ngủ yên từ thời Big Bang, nghĩa là nó có thể chứa các phân tử không thay đổi gì kể từ những thời khắc đầu tiên sau vụ dãn nở nhanh của vũ trụ hồi 13,7 tỉ năm trước.
Sói Non cũng đã diệt vong rồi. Nó bị nuốt chửng bởi láng giềng to lớn hơn của nó, một thiên hà giống Ngân Hà gọi là NGC 3359. Tuy nhiên, cơ hội để quan sát NGC 3359 tước lấy các chất khí hình thành sao từ Sói Non là vô giá đối với khoa học, bởi các nhà thiên văn có thể đo đạc dấu hiệu của các phân tử vũ trụ sơ khai đó trước khi chúng biến mất.
Thiên hà nở hoa
Nổi bật trên khoảng không vũ trụ, thiên hà ESO 381-12 trông như nở hoa. Thiên hà này nằm cách Trái Đất 270 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Nhân Mã (Centaurus). Nó là một thiên hà hình hột đậu, một kiểu lai giữa một thiên hà xoắn ốc như Ngân Hà và một thiên hà elip dẹt.
Tuy nhiên, cái làm cho ESO 381-12 thật sự khác lạ là những cánh hoa không đều lan tỏa một cách ma quái từ thiên hà chính. Các nhà thiên văn không dám chắc cái gì gây ra những cấu trúc này, hay các đám sao quay trên rìa của thiên hà. Có khả năng các cánh hoa ấy là sóng xung kích từ một cú va chạm thiên hà tương đối gần đây đồng thời đem lại cho thiên hà nguồn nhiên liệu mới cho sự hình thành sao.
Chong chóng xinh đẹp
Messier 83 là một thiên hà xoắn ốc lớn, ăn ảnh, với phần tâm hình thanh chắn, tương tự như Ngân Hà. Nó ở xa 15 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Trường Xà (Hydra). Có hai cái lạ ở Messier 83. Trước tiên, tại tâm của nó dường như có nhân đôi – có lẽ là dấu hiệu của hai siêu lỗ đen đang giữ thiên hà lại, hoặc có lẽ là kết quả của một đĩa sao dẹt đang quay xung quanh một lỗ đen trung tâm. Thứ hai, Messier 83 là siêu địa điểm siêu tân tinh. Các nhà thiên văn đã quan sát trực tiếp sau vụ nổ sao trong thiên hà này, cùng với tàn dư của hơn 300 vụ nổ khác. Điều này xếp Messier 83 là ngôi nhà thứ hai cho siêu tân tinh, duy chỉ có NGC 6946 là thiên hà tạo ra nhiều siêu tân tinh hơn, với chín vụ nổ đã quan sát thấy.
Con Bọ vũ trụ
Trông có chút phiêu phiêu của một bông hoa bồ công anh hơn là một hiện tượng vũ trụ, nhưng đây là một ảnh chụp bởi Kính thiên văn Vũ trụ Hubble và nó chẳng liên quan gì đến giới thực vật.
Cái bạn đang nhìn thấy là một thiên hà (vết nhòe tại đầu dưới bên phải) bắt đầu đi qua phía sau một ngôi sao (quả cầu bông trông tựa hoa bồ công anh). Một số nhà khoa học gọi thiên hà này là thiên hà Con Bọ vì ánh sáng của nó giúp họ nghiên cứu ngôi sao ở gần hơn kia và hệ thống của nó. Vào năm 2020, ngôi sao sẽ hoàn toàn che khuất thiên hà. Trước lúc ấy, các nhà khoa học có thể nghiên cứu quang phổ của ánh sáng khi thiên hà đi qua phía sau của ngôi sao, có lẽ làm hé lộ một số thông tin về các mảnh vụn xung quanh ngôi sao khi ánh sáng tìm đường đi xuyên qua.
Nguồn: Live Science