Hiệp Khách Quậy NASA đang chuẩn bị những hoạt động kỉ niệm hai thập niên làm việc không nghỉ của Hubble vào ngày 24 tháng 4 tới, tạp chí Discover vừa giới thiệu một bộ chọn lọc những hình ảnh hơi kém nổi tiếng hơn một chút – nhưng vẫn hết sức ấn tượng – của kính thiên văn Hubble. Xin mời đọc tiếp.
Những bức ảnh lộng lẫy của sao Thổ, ảnh không gian sâu thẳm, tinh vân Đại bàng, tinh vân Con cua, tinh vân Cánh bướm – trong 20 năm hoạt động của nó, Kính thiên văn vũ trụ Hubble đã chụp vô số hình ảnh cho đến nay là một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất thuộc lĩnh vực thiên văn học. Khi NASA đang chuẩn bị những hoạt động kỉ niệm hai thập niên làm việc không nghỉ của Hubble vào ngày 24 tháng 4 tới, tạp chí Discover vừa giới thiệu một bộ chọn lọc những hình ảnh hơi kém nổi tiếng hơn một chút – nhưng vẫn hết sức ấn tượng – của kính thiên văn Hubble.
Những hình ảnh làm say đắm hồn người này trích từ quyển sách mới của Edward J. Weiler Hubble: Hành trình xuyên không gian và thời gian, do nhà xuất bản Abrams Books cùng NASA hợp tác phát hành.
Tinh vân Carina
Đây là Tinh vân Carina, và hình ảnh thể hiện một vệt rộng 50 năm ánh sáng của vùng đang hình thành sao. Ở phía bên trái là ngôi sao Eta Carinae bị bao quanh bởi những đám mây khí và bụi.
Hốc khí: Trung tâm trống rỗng
Tinh vân này là một bọt bóng, và nó là một bọt bóng vì những luồng gió sao và bức xạ cường độ mạnh với một ngôi sao lân cận đã cắt qua đám bụi và đào rỗng phần chính giữa. N44F nằm trong Đám mây Magellan Lớn, thiên hà gần thứ hai đối với chúng ta, sau thiên hà Tiên Nữ.
Hai triệu điểm sáng
Ánh sáng của hai triệu ngôi sao kết hợp với nhau tạo ra hình ảnh này của vùng lõi cụm sao Omega Centauri. Bạn có hai triệu ngôi sao để mà nhìn, chẳng có gì nhiều để nói cả, ngoại trừ ở đây chỉ thể hiện một phần năm số lượng sao trong cụm sao hình cầu này.
Một thiên hà nhìn nghiêng
Cách xa khoảng 44 triệu năm ánh sáng, NGC 5866, Thiên hà Spindle (Con Suốt), trông ở đây từ góc nghiêng thể hiện sự mỏng manh của nó. Nó đang già đi nhanh chóng. NGC 5866 là một thiên hà hình hột đậu, một loại thiên hà có một cái bướu ở giữa và hình đĩa phẳng giống như Dải Ngân hà của chúng ta, nhưng lại thiếu những cánh tay xoắn ốc để trang hoàng lộng lẫy như thiên hà của chúng ta. Toàn bộ vật chất sao đã được sử dụng hết, cho nên chẳng còn ngôi sao mới ra đời nữa.
Một cái vòng xung quanh cụm sao
Có lẽ không rõ ràng trong lần đầu tiên khi bạn nhìn thấy hình ảnh này, nhưng hãy để ý cái vòng màu hơi tối hơn bao xung quanh vùng giữa bức hình. Đó là một bản đồ mô phỏng của quầng vật chất tối xung quanh cụm thiên hà Cl 0024+17, được chồng lên trên ảnh chụp Hubble. Cái vòng đó đã hình thành khi hai cụm thiên hà va chạm nhau.
Những hình ảnh như thế này là một trong những cách các nhà nghiên cứu sử dụng để phát hiện ra vật chất tối thông qua những tác dụng của nó. Trong trường hợp này, Hubble quan sát lực hấp dẫn của cụm sao này làm méo mó như thế nào đối với ánh sáng phát ra từ những thiên hà ở xa, và xác định được vật chất bình thường của cụm không thể giải thích cho toàn bộ sự méo mó đó.
Thanh gươm của chàng thợ săn làm bằng gì?
Nếu bạn từng ngắm kĩ chòm sao Orion, bạn đã thấy Tinh vân Orion. Dẫu vậy, với đôi mắt trần thì không thể nhìn thấy như thế này. Bốn ngôi sao hợp lại gọi là Trapezium (Cụm tứ giác) hình thành nên tâm giữa của tinh vân, mà với mắt trần có thể trông là ngôi sao sáng nhất trong thanh gươm của chàng thợ săn Orion. Nhưng với những bộ cảm biến hồng ngoại, khả kiến và tử ngoại của Hubble, nó trông giống một kiệt tác thuộc trường phái Ấn tượng hơn.
Thiên vương tinh: một lần nghiêng mất 42 năm
Thiên vương tinh không thu hút được sự chú ý của chúng ta. Không ai phủ nhận điều đó. Trong khi tất cả những hành tinh quay xung quanh mặt trời gần hơn khối cầu khí khổng lồ màu xanh nghiêng mình này đã được loài người biết tới kể từ thời cổ đại, thì Thiên vương tinh vẫn không được nhận ra mãi cho đến nhà thiên văn học lập dị William Herschel nhìn ra nó vào những năm 1700. Những cái vành của nó vẫn không được biết tới mãi cho đến năm 1977. Và chỉ một lần trong mỗi 42 năm, tức phân nửa quỹ đạo 84 năm của nó, những cái vành mới nghiêng rìa của chúng về hướng Trái đất.
Hiện tượng đó xảy ra vào tháng 8 năm 2007, và Hubble đã chụp được thời khắc chóng vánh đó.
Sự hủy diệt ở cấp độ vũ trụ
Hình ảnh này quen thuộc hơn, nhưng quá đẹp nên khó bỏ qua. Năm 2006, Hubble đã chụp được những thiên hà Antennae đang hợp nhất, và hàng tỉ ngôi sao ra đời bắt đầu lúc giữa vụ va chạm. Hai chấm màu cam là lõi của những thiên hà cũ. Màu hồng là hydrogen; màu lam là những vùng đang hình thành sao.
Hình ảnh này cũng là một sự nhìn vào tương lai. Trong vài tỉ năm nữa, Dải Ngân hà của chúng ta sẽ đâm vào thiên hà láng giềng Tiên Nữ, và có lẽ sẽ trông như thế này đối với những người ngoài hành tinh đang quan sát chúng ta từ ngoài xa.
Nhà du hành sửa chữa thiết bị
Mất rất nhiều công sức bảo dưỡng để làm cho Hubble kéo dài tuổi thọ trong hai thập kỉ. Ở đây, nhà du hành NASA Steven L. Smith đang sửa chữa một camera Hubble trong chuyến bay STS-103, một sứ mệnh tàu con thoi vũ trụ Discovery nhằm nâng cấp chiếc kính thiên văn vào tháng 12 năm 1999.
Sau chuyến bay tháng 4 năm 1990 đưa Hubble vào quỹ đạo, do bản thân nhà quản trị NASA hiện nay Charles Bolden làm hoa tiêu, 5 sứ mệnh dịch vụ đã triển khai lên chiếc kính thiên văn. Bảy nhà du hành trên tàu con thoi Atlantis đã bay sứ mệnh thứ 5 và sứ mệnh cuối cùng vào tháng 5 năm 2009.
Hoàng hôn trên tàu vũ trụ
Mặt trời lặn đằng sau Trái đất trong một sứ mệnh tàu con thoi Discovery. Thật đáng hi vọng, đợt nâng cấp hồi tháng 5 vừa qua sẽ duy trì Hubble thêm 5 năm nữa, hoãn thời hạn ngừng hoạt động của nó cho đến năm 2014. Đó là năm mà thiết bị kế vị theo dự tính của nó, Kính thiên văn vũ trụ James Webb, sẽ bay vào vũ trụ.
Theo Discover Magazine