Tìm thấy khoảng trống lớn bên trong Đại Kim tự tháp Giza

Hiệp Khách Quậy Một khoảng trống lớn vừa được tìm thấy bên trong Đại Kim tự tháp Giza, nhờ tia vũ trụ. Nếu không gian rộng lớn trên được xác nhận là có thật, thì vai trò của nó – là bất kì cái gì đó, từ một gian mộ mới hay một công trường được lấp lại – là đề tài gây tranh cãi trong giới khảo cổ học. Xin mời đọc tiếp.

Một khoảng trống lớn vừa được tìm thấy bên trong Đại Kim tự tháp Giza, nhờ tia vũ trụ. Nếu không gian rộng lớn trên được xác nhận là có thật, thì vai trò của nó – là bất kì cái gì đó, từ một gian mộ mới hay một công trường được lấp lại – là đề tài gây tranh cãi trong giới khảo cổ học.

Một nhóm nghiên cứu quốc tế vừa tường thuật trên tạp chí Nature ngày 2 tháng Mười Một rằng, bằng cách theo dõi chuyển động của những hạt nhỏ xíu gọi là muon, họ đã tìm thấy một không gian trống dài hơn 30 mét (98 feet) nằm ngay trên đầu hành lang Grand Gallery có tường bằng đá granite bên trong kim tự tháp đồ sộ. Đại Kim tự tháp, còn gọi là kim tự tháp Khufu, được xây dựng vào thời kì trị vì của các pharaoh từ năm 2509 tCN đến năm 2483 tCN. Chưa có gian mộ mới hay lối đi mới nào được xác nhận bên trong kim tự tháp trên kể từ thế kỉ 19.

“Có khoảng trống ở đó,” phát biểu của Mehdi Tayoubi, chủ tịch tổ chức Bảo tồn Đổi mới Di sản và là người lãnh đạo sứ mệnh ScanPyramids, một nỗ lực đang triển khai nằm mang công nghệ mới làm sáng tỏ những cấu trúc nổi tiếng nhất xứ sở Ai Cập.

Hình minh họa những gian mộ đã biết bên trong Đại Kim tự tháp

Hình minh họa những gian mộ đã biết bên trong Đại Kim tự tháp, bao gồm Gian mộ Nữ hoàng, Gian mộ Đức vua, và hành lang dài Grand Gallery, cùng với khoảng trống mới phát hiện (minh họa bằng phần mờ nét).

Tuy nhiên, công bố trên vướng phải một số hoài nghi trong cộng đồng Ai Cập học.

“Rất rõ ràng thôi, cái họ tìm thấy là một khoảng trống chẳng có ý nghĩa gì cả. Có nhiều khoảng trống bên trong kim tự tháp vì những lí do xây dựng,” phát biểu của Zahi Hawass, một nhà Ai Cập học, cựu bộ trưởng Di sản của Ai Cập, giám đốc các chương trình khai quật tại Giza, Saqqara, Bahariya Oasis và Thung lũng Các nhà vua.

Những không gian trống

Tayoubi và các đồng sự của ông có một cách tiếp cận kim tự tháp có phần mới lạ. Họ cố tình tránh né các nhà Ai Cập học trong các giai đoạn quét dự án của mình, nhằm tiếp cận kim tự tháp với “con mắt tinh khôi, và có thể là chất phác”, theo lời Tayoubi trả lời giới báo chí. Theo ông, ý tưởng như thế là nhằm tránh những quan niệm kiểu tiên kiến về cái sẽ có mặt trong đống dữ liệu vật lí cứng nhắc, chán phèo.

Đội nghiên cứu tìm thấy khoảng trống bí ẩn trên nhờ các hạt muon, chúng hình thành khi tia vũ trụ tương tác với thượng tầng khí quyển của Trái đất. Một trận mưa gồm những hạt này rơi lên hành tinh đều đặn, bay rít qua vật chất bình thường ở gần tốc độ ánh sáng. Muon có thể đi xuyên qua đá, nhưng khi chúng đi qua một vật thể rắn đặc, chúng mất năng lượng và cuối cùng thì phân hủy. Do đó, việc đo số lượng muon đi qua một vật từ một hướng nhất định có thể làm sáng tỏ mật độ của vật đó. Nếu có một khoảng trống bên trong vật, thì số lượng hạt muon đi xuyên qua sẽ nhiều hơn kì vọng.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng ba phương pháp dò tìm khác nhau để đo muon bên trong và xung quanh Đại Kim tự tháp. Họ bắt đầu với các phim nhũ tương hạt nhân phát triển bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Nagoya ở Nhật Bản, chúng giống như phim máy ảnh bình thường, ngoại trừ là chúng bắt giữ chuyển động của những hạt năng lượng cao, chứ không phải ánh sáng.

Một phương pháp thứ hai, sử dụng các detector hạt gọi là hodoscope (xác định đường đi của các hạt tích điện), được phát triển bởi các nhà nghiên cứu ở KEK, một tổ chức nghiên cứu máy gia tốc năng lượng cao ở Nhật Bản. Cả hai detector này đều được đặt trong những khu vực bên trong kim tự tháp. Một phương pháp thứ ba, sử dụng cách dò tìm muon dựa trên khí argon, được lắp đặt bởi các nhà khoa họa đến từ Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và Các năng lượng Thay thế Pháp (CEA) đặt bên ngoài thành kim tự tháp.

Mỗi phương pháp dò tìm muon đều có ưu và nhược điểm, Tayoubi nói. Phim nhũ tương rất chính xác, nhưng chỉ dùng đo được trong khoảng 80 ngày. Hai dụng cụ điện tử kia mang lại các phép đo không chính xác lắm nhưng có thể chạy trong khoảng thời gian dài hơn, thu được lượng dữ liệu lớn hơn.

Grand Gallery bên trong Đại Kim tự tháp

Grand Gallery bên trong Đại Kim tự tháp. Khoảng trống mới tìm thấy có lẽ nằm ngay phía trên hành lang này.

Tranh cãi về cấu trúc xây dựng

Cả ba phương pháp dò tìm đều đem lại kết quả giống nhau: Có một khoảng trống nơi người ta chẳng kì vọng cái gì hiện diện. Đại Kim tự tháp có ba gian đã biết: một gian ngầm, một Gian mộ Nữ hoàng, và một Gian mộ Đức vua lớn hơn, ở cao hơn. Ba gian này được kết nối bằng một vài hành lang, trong đó có Grand Gallery đồ sộ, một hàng lang trống cao 8,6 mét, dài 46,7 mét và chỉ rộng hơn 1 mét.

Khoảng trống mới phát hiện có vẻ nằm ngay phía trên Grand Gallery, mặc dù đội nghiên cứu chưa thể chỉ rõ định hướng chính xác hay hình dạng của nó.

“Chúng ta nên hết sức thận trọng vào lúc này, đừng đi quá xa về việc quan sát khoảng trống, bởi vì khoảng trống này cần được nghiên cứu thêm về định hướng và kích cỡ của nó để có thể kết luận cái gì đó chính xác hơn,” phát biểu Hany Helal thuộc Đại học Cairo, điều phối viên của dự án ScanPyramids.

Năm 2016, cũng chính đội nghiên cứu trên báo cáo họ đã tìm thấy không gian trống phía sau mặt phía bắc của Đại Kim tự tháp.

Phản ứng trước công bố mới trên trong cộng đồng Ai Cập học thật lộn xộn.

“Khoảng trống ấy có thể là một gian khác hoặc một phòng trưng bày, một hầm xây dựng trên cao, hoặc một sai lầm kiến trúc nào đó bị lấp đi,” phát biểu của Monica Hanna, nhà khảo cổ học, nhà Ai Cập học và là người sáng lập Lực lượng Hành động Di sản Ai Cập có nhiệm vụ tập trung vào việc bảo vệ các di tích cổ. Hanna cho biết các phương pháp phi xâm hại nghiên cứu kim tự tháp là một cách có giá trị để nghiên cứu thiết kế ban đầu của kim tự tháp mà không phải phá hủy các bộ phận của cấu trúc.

Hawass thì ít dè dặt hơn.

“Chúng ta phải luôn luôn hết sức thận trọng về từ khoảng trống, vì bên trong Đại Kim tự tháp gồm toàn những khoảng trống,” ông nói. Những người xây dựng kim tự tháp đã bố trí những tảng đá có hình dạng và kích cỡ đa dạng tại tâm của nó, thành ra toàn bộ cấu trúc lỗ chỗ những khe trống. Những người thiết kế ban đầu của kim tự tháp cũng để lại những đường hầm xây dựng bị lấp kín. Việc nhận ra những khoảng trống này có nhiều thứ phải bàn cãi hơn là việc hiểu rõ thêm về kim tự tháp, Hawass nói.

“Chẳng có gì để làm với bất kì gian phòng bí mật nào hay bất kì cái gì bên trong Đại Kim tự tháp,” Hawass nói. Ông cho biết ông và các đồng sự ở ủy ban đánh giá các kết quả từ Giza đã có kế hoạch viết một bài báo giải thích cái họ thích gọi là “các dị thường” từ góc nhìn của một nhà Ai Cập học.

Tuy nhiên, Tayoubi và các đồng sự của ông cho rằng khoảng trống trên không phải là kết quả của việc xây dựng không đồng đều, bởi vì dù là những khối đá có kích cỡ và định hướng đa dạng cũng sẽ hấp thụ muon mà họ quan sát.

“Nhìn từ quan điểm kĩ thuật và từ quan điểm phân tích cấu trúc, nó không thể nào là một dị thường,” Helal nói.

Tuy nhiên, hiện tại chưa có kế hoạch nào nghiên cứu khoảng trống này trực tiếp tận mắt. Chẳng có cách nào đi đến khoảng trống ấy thông qua những hành lang hay gian mộ hiện có, và các nhà Ai Cập học không còn cho phép các phương pháp phá hủy để nghiên cứu kim tự tháp hay những cấu trúc cổ xưa khác.

Có lẽ người ta nên bố trí thêm các detector muon bên trong gian mộ Đức Vua để quan sát khoảng trống ấy từ những góc độ mới, Tayoubi nói.

“Chúng tôi muốn có thêm dữ liệu về Đại Kim tự tháp,” ông nói. “Câu hỏi đặt ra là một câu hỏi về phương tiện và đối tác và cách thức để chúng tôi có thể tiếp tục.”

Nguồn: LiveScience

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm