Hiệp Khách Quậy Sử dụng công nghệ hồng ngoại gần, các nhà thiên văn học đã có thể nhìn xuyên ra ngoài bụi sao, tìm thấy một vùng trống mênh mông không có sao. Vùng trống sao trải rộng 8000 năm ánh sáng ra khỏi tâm Dải Ngân hà. Vùng trống đó chiếm khoảng 8% thiên hà của chúng ta. Xin mời đọc tiếp.
Sử dụng công nghệ hồng ngoại gần, các nhà thiên văn học đã có thể nhìn xuyên ra ngoài bụi sao, tìm thấy một vùng trống mênh mông không có sao. Vùng trống sao trải rộng 8000 năm ánh sáng ra khỏi tâm Dải Ngân hà. Vùng trống đó chiếm khoảng 8% thiên hà của chúng ta.
Sa mạc vũ trụ
Để tìm hiểu vũ trụ đã ra đời như thế nào, các nhà thiên văn học liên tục tìm các cách quan sát tốt hơn sự phân bố sao trong thiên hà. Một trở ngại trong công việc này của họ (ngoài khoảng cách quan sát lớn) là thực tế bụi sao thường chắn lối, che khuất tầm nhìn và khiến các nỗ lực không hiệu quả, bất chấp những tiến bộ đáng kể về kính thiên văn trên toàn thế giới.
Chúng ta vừa tiến một bước dài trên hành trình khắc phục khó khăn này.
Khoảng trống lớn. Ảnh: ĐH Tokyo
Một đội nghiên cứu, đứng đầu bởi Noriyuki Matsunaga thuộc trường Đại học Tokyo, đã sử dụng các quan sát hồng ngoại gần từ một kính thiên văn ở Nam Phi tìm kiếm các sao biến quang Cepheid để bổ sung chúng vào bản đồ hiện nay của Dải Ngân hà mà chúng ta có. Cepheid là các sao trẻ chỉ vài chục triệu năm tuổi, sáng lên và mờ đi tuần hoàn, và các nhà thiên văn học sử dụng ánh sáng này để xác định khoảng cách của chúng đến chúng ta.
Đội nghiên cứu tìm thấy cái hoàn toàn bất ngờ: chẳng có gì – một khoảng rộng mênh mông chẳng có gì hết. Trong khi có các sao biến quang trong vùng trung tâm rộng 150 năm ánh sáng của thiên hà, thì nó được vây quanh bởi một khoảng trống rải ra 8000 năm ánh sáng tính từ điểm tâm. Đây là một khoảng trống lớn, biết rằng đường kính Dải Ngân hà là 100.000 năm ánh sáng. Khoảng trống đó chiếm 8% của thiên hà.
Tiếp tục tranh cãi
“Các kết quả hiện nay gợi ý rằng không có sự hình thành sao ý nghĩa nào trong vùng rộng lớn này trong hàng trăm triệu năm qua,” phát biểu của thành viên đội nghiên cứu Giuseppe Bono đến từ Đại học Rome II ở Italy. “Chuyển động và thành phần hóa học của các Cepheid mới đang giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự hình thành và tiến hóa của Dải Ngân hà.”
Vùng sa mạc này, gọi là Đĩa Cực Nội (Extreme Inner Disk), phản ánh cái mà các nhà thiên văn học vô tuyến khác trước đây đã tìm thấy. “Các kết luận của chúng tôi trái với công trình khác mới đây, nhưng chung hướng với công trình của các nhà thiên văn học vô tuyến tìm thấy chẳng có ngôi sao mới nào đang ra đời trong sa mạc này,” phát biểu của thành viên đội Michael Feast đến từ Đại học Cape Town ở Nam Phi.
Tuy nhiên, cái gì gây ra vùng sa mạc này thì chưa rõ, và chắc chắn nó sẽ gây ra một tranh cãi khoa học khác – bàn tiệc nay đã dọn sẵn cho các lí thuyết mới hoang dã.
Nguồn: Science Alert