APS Physics phỏng vấn giáo sư Trần Thanh Vân

Hiệp Khách Quậy Khi còn là một nhà vật lí trẻ ở Pháp, Jean Trần Thanh Vân cảm thấy nản lòng trước những rào cản ngăn cách các nhà nghiên cứu bởi tuổi tác hoặc chuyên ngành. Vì thế, vào tháng Giêng 1966, với tư cách một người mới tại Đại học Orsay, ông tổ chức một cuộc gặp mặt giữa các nhà vật lí hạt – trẻ và già, nhà... Xin mời đọc tiếp.

Khi còn là một nhà vật lí trẻ ở Pháp, Jean Trần Thanh Vân cảm thấy nản lòng trước những rào cản ngăn cách các nhà nghiên cứu bởi tuổi tác hoặc chuyên ngành. Vì thế, vào tháng Giêng 1966, với tư cách một người mới tại Đại học Orsay, ông tổ chức một cuộc gặp mặt giữa các nhà vật lí hạt – trẻ và già, nhà thực nghiệm và nhà lí thuyết – tại một resort trượt tuyết ở Pháp tên gọi là Moriond. “Rencontres de Moriond” từ đó đã trở thành một trong những cuộc họp vật lí hạt hàng đầu thế giới, và “Rencontres” tiếng Pháp đã lan tỏa sang những chủ đề khác và những địa điểm khác, bao gồm cả quê hương Việt Nam của ông. Vì những nỗ lực của ông trong việc mang các nhà khoa học đến với nhau và vì việc làm nhân đạo rộng khắp của ông, Viện Vật lí Hoa Kì đã tặng ông Huy chương Tate cho Lãnh đạo Quốc tế về Vật lí học năm 2011.

Đã nghỉ hưu không còn làm nghiên cứu nữa, Trần Thanh Vân bận bịu điều hành Trung tâm Quốc tế về Khoa học Liên ngành và Giáo dục (ICISE) do ông hỗ trợ thành lập vào năm 2013 tại thành phố biển Quy Nhơn, Việt Nam. Cùng với vợ của ông, Kim, một nhà sinh vật học đáng kính, ông hi vọng biến ICISE thành một phiên bản Việt Nam của Princeton, với một viện dành cho nghiên cứu lí thuyết cao cấp, nhiều hội nghị mỗi năm, và (sẽ sớm ra mắt) một bảo tàng khoa học và một cung thiên văn. Chúng tôi gặp Trần Thanh Vân tại ICISE trong dịp Recontres du Vietnam lần thứ 15. Trên một dãy nhà nhìn ra những hồ nước trồng cây thẳng tắp của trung tâm, ông chia sẻ những bí mật của mình trong việc tổ chức những cuộc gặp gỡ vật lí và ông nói về những hi vọng của ông vì một cộng đồng vật lí mới ở Việt Nam.

Trần Thanh Vân

Khi nào ông quyết định trở thành một nhà vật lí?

Tôi rời Việt Nam năm 17 tuổi và sang Pháp với mong muốn trở thành một kĩ sư. Thế nhưng tôi trở nên hứng thú với vật lí hạt vào năm 1957 khi giải thưởng Nobel được trao cho Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh. Tôi đến gặp Giáo sư Maurice Lévy tại Đại học Paris và năm 1958 tôi quyết định gia nhập phòng lab mới đi vào hoạt động của ông dành cho vật lí lí thuyết.

Ông mới 30 tuổi khi ông tổ chức Rencontres de Moriond lần thứ nhất. Điều gì đưa ông đến với ý tưởng đó?

Một trong những sự kiện khoa học đầu tiên tôi tham dự với tư cách nhà vật lí là Trại hè Cargèse ở Corsica do Giáo sư Lévy tổ chức. Trại hè này bây giờ là một sự kiện thường niên, nhưng trại hè đầu tiên hồi năm 1958 thì có chút đặc biệt. Các giáo sư thảy đều ở khách sạn, và sinh viên chúng tôi phải cắm trại dưới tán các cây ô liu. Tôi thích thế, song tôi cảm thấy các giáo sư và sinh viên nên hòa đồng với nhau.

Nhiều năm sau này, một số bạn bè và tôi có ý tưởng tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các nhà vật lí hạt tại một resort trượt tuyết. Lúc ấy là tháng Giêng, vì thế chúng tôi đã có một nơi để thư giãn. Bầu không khí thoải mái đã cho phép các nhà khoa học trẻ tương tác trực tiếp với nhiều tiền bối hơn. Tại Rencontres lần thứ nhất chúng tôi chỉ có 20 người tham dự, vì thế chúng tôi chưa từng hình dung sự kiện sẽ phát triển lớn mạnh như thế.

Đa số mọi người sẽ không biết làm sao với việc bắt đầu một loạt hội nghị được tổ chức mang tầm quốc tế. Ông đã tổ chức nhiều hội nghị. Đâu là bí mật của ông trong việc mang các nhà khoa học đến với nhau?

Tôi chẳng có bí mật gì. Từ lúc khởi sự, niềm tin của tôi là khích lệ các nhà nghiên cứu trẻ và có sự giao tiếp tốt hơn giữa các nhà lí thuyết và nhà thực nghiệm. Toàn bộ các Rencontres của chúng tôi đều dựa trên hai nguyên tắc này. Song tôi đã chẳng thành công nếu không có vợ của mình, Kim. Chúng tôi đều đánh giá cao các kết nối của con người và tình hữu nghị, và vì thế nhiều bạn bè đã đóng góp cho Rencontres. Có lẽ bí mật của chúng tôi là chúng tôi đã nhìn về cùng một hướng trong đời mình.

Với những loạt gặp gỡ khác mà ông tổ chức, chúng có các mục đích tương tự hay không?

Khi tôi bắt đầu Rencontres de Moriond, tôi hãy còn trẻ và không quen biết nhiều nhà khoa học. Tôi đã có thêm nhiều quen biết – và kinh nghiệm – khi tôi tổ chức Rencontres de Blois, bắt đầu vào năm 1989. Mục tiêu của những cuộc gặp này là mang một sự kiện khoa học danh tiếng đến với Blois, một thành phố quan trọng về mặt lịch sử ở miền trung nước Pháp.

Ở Việt Nam đây, mục tiêu cũng giống vậy: lập một dự án thật sự hỗ trợ sự phát triển khoa học ở Việt Nam và làm cho người Việt tự hào. Một cách chúng tôi đã làm là mời các nhà khoa học danh tiếng. Chúng tôi đã thành công trong việc mời nhà khoa học giành giải Nobel, Jack Steinberger đến dự Rencontres du Vietnam lần đầu tiên vào năm 1993, điều đó chẳng dễ chút nào, vì lúc ấy Hoa Kì vẫn còn cấm vận Việt Nam.

 Một lễ trồng cây năm 2017

Một lễ trồng cây năm 2017 với Jean Trần Thanh Vân (thứ hai từ trái sang) và Gerard t'Hooft (bên trái), người giành Giải Nobel Vật lí năm 1999.

Tên của một vài người thắng Giải Nobel được trưng trước các cây xanh trong khu vườn xung quanh tòa nhà chính ICISE. Ông có thể giải thích vì sao không?

Khi một người thắng Giải Nobel đến thăm, chúng tôi mời họ trồng một cây xanh. Và lần tới họ đến, họ tưới nước cho nó. Cây xanh khiến người ta cảm thấy gần gũi hơn với dự án của chúng tôi ở Việt Nam đây. Chúng tôi hiện có cả chục cây xanh do những người đoạt giải Nobel trồng và một vài cây khác do các viên chức Việt Nam quan trọng trồng khi họ đến thăm ICISE.

Chúng tôi đã cho thấy rằng nơi này có thể thu hút các nhà khoa học nổi tiếng, họ đến và thảo luận các chủ đề với nhau và đồng thời thưởng ngoạn bãi biển và những danh thắng khác trong khu vực. Song có các nhà khoa học có bổn phận mang khoa học đến với đông đảo công chúng. Trong những năm qua, chúng tôi đã tổ chức những cuộc gặp tại ICISE giữa học sinh phổ thông và những người đoạt giải Nobel, có thể kể như Jerome Friedman, David Gross, và George Smoot.

Mong ước của tôi là có nhiều hơn nữa những tương tác như thế tại ICISE đây. Thành phố Quy Nhơn nhỏ thôi, vì vậy nó không thể cạnh tranh với các thành phố Việt Nam lớn hơn về lượng du khách hay phát triển công nghiệp. Nhưng nó có thể cạnh tranh về khoa học. Hiện tại chúng tôi đã xây dựng xong bảo tàng Explorascience sát bên trung tâm hội nghị, và chúng tôi dần dần lấp đầy nó với các hiện vật trưng bày mang tính tương tác. Ở đây cũng sẽ bao gồm một cung thiên văn và một đài thiên văn. Và hồi năm 2016, chúng tôi đã khánh thành một viện nghiên cứu dành cho vật lí lí thuyết và vật lí neutrino. Trong tương lai, tôi hi vọng Quy Nhơn sẽ trở thành một biểu tượng về nghiên cứu cấp cao, kiểu như Princeton ở Mĩ.

Ông hi vọng những dự án này sẽ có tác động ra sao đối với vật lí học ở Việt Nam?

Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn về mặt kinh tế hồi 30 năm trước, điều đó đã kìm hãm nghiên cứu vật lí và có nghĩa là các giáo sư chẳng có tiền để chu cấp cho các sinh viên ưu tú. Bởi thế, chúng tôi thiếu hẳn một thế hệ nhà vật lí. Không có đủ giáo sư địa phương, nhiều sinh viên giỏi phải ra nước ngoài học tập. Bây giờ là lúc cho họ trở về. Chúng tôi hi vọng rằng những gì chúng tôi đang làm ở Quy Nhơn sẽ thu hút được các nhà nghiên cứu giỏi. Chúng tôi cần họ nhập cuộc để tăng tốc độ phát triển khoa học cho Việt Nam. Đó là một đầu tư dài hạn.

- Michael Schirber (APS Physics)

Bản dịch của Thuvienvatly.com

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm