Giáo sư Văn Như Cương kiên quyết đuổi học sinh "ngựa quen đường cũ"

Hiệp Khách Quậy GS Văn Như Cương: Trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ không phải của riêng nhà trường. Để giáo dục một người cần có sự chung tay của gia đình lẫn cộng đồng xã hội. Xin mời đọc tiếp.

(GDVN) - “Tôi đồng ý với quyết định đuổi học, nếu các em này thực sự là cá biệt, vi phạm kỉ luật nhiều lần. Thà hi sinh một học sinh hư để giáo dục các em khác.” Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh cho biết.

LTS: Ngày 8/12, ban lãnh đạo Trung tâm giáo dục thường xuyên Huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã đưa ra giải pháp xem xét đuổi học 3 em học sinh đánh bạn. Quyết định đuổi học này dưới góc nhìn của những người quản lý giáo dục ra sao, Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân Lập Lương Thế Vinh.

Cần xây trường giáo dục nhân cách cho học sinh cá biệt

Thưa GS Văn Như Cương, GS nhận định như thế nào về quyết định cho 3 học sinh đánh bạn, quay clip và tung lên mạng đang bị xem xét đuổi học?

GS Văn Như Cương: Trước tiên, theo tôi nghĩ nhà trường cần phải thật sự khách quan và xem xét kĩ lưỡng sự việc. Các em học sinh này tham gia đánh nhau vì lí do gì? Trong hoàn cảnh nào? Và đây có phải là bản chất của các em hay không?

Nếu các em học sinh đó chỉ mới vi phạm lần đầu, vì lí do nào đó thì có thể xem xét. Có thể vì 3 em này đã từng bị đánh, từng bị xúc phạm trước đó. Việc quay video không phải chủ đích của các học sinh này, nhà trường cần cân nhắc lại “bản án” cho các em.

Nếu đã là học sinh cá biệt, có đạo đức không tốt, đã vi phạm nhiều lần, cố tình chống lại quy định, kỉ cương thì tôi cũng sẵn sàng đồng ý với quyết định đuổi học của hội đồng kỉ luật nhà trường.

 

Ba học sinh đánh bạn đến ngất có thể bị đuổi học

 

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, giáo dục học sinh là trách nhiệm của nhà trường. Nhà trường không nên đuổi học sinh ra khỏi trường. Theo thầy khi  đuổi các em hư ra khỏi trường thì ai sẽ là người giáo dục cho các em?

GS Văn Như Cương: Trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ không phải của riêng nhà trường. Để giáo dục một người cần có sự chung tay của gia đình lẫn cộng đồng xã hội.

Nhà trường luôn mong muốn và cố gắng giáo dục các em thành người có đức, có tài. Nhưng nếu xã hội và gia đình không làm gương cho các em thì khó lòng chúng tôi gánh vác được hết trách nhiệm giáo dục các em.

Một khi học sinh đã quá hư, không thể giáo dục được thì chúng tôi đành phải trả lại cho gia đình.  Đặc biệt là với trường tư thục như Lương Thế Vinh khi gặp phải trường hợp học sinh không dạy được thì chúng tôi cũng phải đuổi.

Thà hi sinh một vài em hư còn hơn là để các em hư này trở thành tấm gương mờ cho các em học sinh khác. Và không một phụ huynh nào muốn cho con em mình học chung trường, chung lớp với những học trò cá biệt cả.

Có giải pháp nào để có thể giáo dục các em học sinh cá biệt này thưa GS?

GS Văn Như Cương: Tôi nghĩ thế này. Nếu một em học sinh hư mà bị nhà trường cho nghỉ học cảnh cáo vài hôm rồi lại đi học sau đó vẫn tiếp diễn, sẽ khiến các em học sinh ngoan khác hư theo. Vì khi ấy chúng nghĩ kỉ luật của trường không nghiêm. Do đó cần phải có biện pháp mạnh với các trò “ngựa quen đường cũ.”

Mặt khác, cứ để các em nghỉ học lêu lổng thì các em lại càng hư hỏng hơn. Vậy tại sao chúng ta không thành lập những trường đào tạo, quản thúc giáo dục nhân cách cho các trẻ em hư. Ở nước ta tôi chưa thấy có những trường học chỉ dành để cải tạo nhân cách riêng cho những học sinh cá biệt.

Một khi các em đã cải tạo tốt, đã “hoàn lương”  nhà trường sẵn sàng đón nhận các em lại học.

Khi nhiều em muốn nổi như Lê Văn Luyện

 

Giáo sư Văn Như Cương kiên quyết đuổi học sinh "ngựa quen đường cũ"

Thưa Gs, tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng, GS có nhận thấy điều đó trong nền giáo dục hiện nay? Và ở trường Lương Thế Vinh có xảy ra hiện tượng này không?

GS Văn Như Cương: Quả thật là tôi thấy bạo lực học đường đang rất trầm trọng. Hàng loạt vụ đánh nhau, rạch quần áo rồi tung video lên mạng trong thời gian qua đã dóng lên hồi chuông báo hiệu sự xuống dốc rất nguy hiểm của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ.

Trường nào cũng sẽ có hiện tượng chửi thề, nói bậy. Trường tôi chưa xảy ra tình trạng đánh nhau như vậy.

Liệu bạo lực học đường như vậy có phản ánh chất lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường, nhất là các trường trung học, phổ thông hiện nay?

GS Văn Như Cương: Các môn học đạo đức, nhân văn quả thật cũng đang bị xem nhẹ tại nhiều trường học. Nhưng tôi khẳng định rằng hiện tượng bạo lực học đường không phải lỗi của riêng nhà trường. Nó còn phản ánh rất nhiều mặt trái của xã hội.

Trong đó một phần lỗi không nhỏ là từ chính giới truyền thông. Những vụ án giết người dã man được truyền thông đào sâu, bới quá kĩ. Những anh chàng như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa sau một vụ giết người được báo chí nói đến quá rầm rộ, họ trở thành người nổi tiếng. Không ít bạn trẻ lại thấy đó là một thần tượng của mình, do đó chúng cũng muốn nổi tiếng bằng cách tiêu cực như vậy.

Trong thời gian qua, những vụ đánh nhau, quay clip và tung lên mạng chủ yếu lại là các bạn nữ sinh. Thầy có lí giải gì cho việc này không ạ?

GS Văn Như Cương: Trước tiên, tôi phải nói rằng, hiện nay giới trẻ đang rất muốn khẳng định mình. Một anh A đánh một bạn B, nhưng cuộc chiến đó chỉ có hai người biết, thì anh A không thấy hả hê. Càng nhiều người biết đến thành tích đánh bạn B kia, thì anh A mới càng thấy thỏa mãn.

Do vậy mà việc đánh nhau tung lên mạng để cho người khác thấy chiến thắng, thấy cái uy của nhiều bạn trẻ hiện nay cũng chỉ xuất phát ở tính hiếu chiến, hiếu thắng và muốn mình nổi bật. Mà việc đưa clip lên mạng bây giờ quá đơn giản lại dễ nổi nên nhiều cô cậu dại dột mà nhận lấy cái nổi tiếng hão ấy.

Xin cám ơn Giáo sư đã chia sẻ! Xin chúc Giáo sư luôn mạnh khỏe!

Tường Vi - Giáo Dục Việt Nam
Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm