Khoa học trong thế giới Hồi giáo

Hiệp Khách Quậy Trong hàng trăm năm trời, trong khi châu Âu đang đắm chìm trong Thời kì Tăm tối, thì đế chế Hồi giáo thời Trung cổ đang ở tiền tuyến của khoa học – ngược hẳn với hiện trạng của nhiều quốc gia Hồi giáo ngày nay. Jim Al-Khalili nêu vấn đề cái gì đang làm trở ngại sự tiến bộ, và khảo sát một số dự án có... Xin mời đọc tiếp.

Jim Al-Khalili (Physics World, tháng 4/2010)

Trong hàng trăm năm trời, trong khi châu Âu đang đắm chìm trong Thời kì Tăm tối, thì đế chế Hồi giáo thời Trung cổ đang ở tiền tuyến của khoa học – ngược hẳn với hiện trạng của nhiều quốc gia Hồi giáo ngày nay. Jim Al-Khalili nêu vấn đề cái gì đang làm trở ngại sự tiến bộ, và khảo sát một số dự án có thể báo trước một tương lai sáng sủa hơn.

alt
Giáo dục và tự do tư tưởng là những yếu tố quan trọng để những quốc gia Hồi giáo trở thành những người đi đầu trong khoa học. Ảnh: Photolibrary

Có hơn một tỉ người Hồi giáo trên thế giới hiện nay – chiếm hơn một phần năm tổng dân số thế giới – sinh sống ở hơn 57 quốc gia và khu vực trực thuộc Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC), trong đó đạo Hồi là tôn giáo chính. Trong số này có một số quốc gia giàu có nhất thế giới, như Saudi Arabia và Kuwait, và những nước nghèo nhất, như Somalia và Sudan. Nền kinh tế của một số quốc gia này – như Liên bang Vùng vịnh, Iran, Thổ Nhĩ Kì, Ap Cập, Morocco, Malaysia và Pakistan – đang phát triển đều đặn trong một số năm qua, tuy nhiên, so với phương Tây thì thế giới Hồi giáo vẫn là cái gì đó xa lạ với khoa học hiện đại.

Các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia trong số này hiểu rất rõ rằng sự tăng trưởng kinh tế của họ, sức mạnh quân sự và an ninh quốc gia đều phụ thuộc nhiều vào những tiến bộ công nghệ. Vì thế, những lời hoa mĩ mà dân chúng thường được nghe là họ yêu cầu một nỗ lực chung trong nghiên cứu khoa học và phát triển để đuổi kịp phần còn lại của những xã hội xây dựng trên nền tri thức của thế giới. Thật vậy, sự tài trợ của chính phủ cho khoa học và giáo dục đã tăng lên vượt bậc trong những năm qua ở nhiều quốc gia này, và một số nước đang trong giai đoạn tổng thẩm tra và hiện đại hóa những cơ sở hạ tầng khoa học của quốc gia mình. Vậy thì thật ra tôi muốn nói tới điều gì khi ở trên tôi vừa phát biểu rằng đa số quốc gia trong số này vẫn còn thờ ơ với khoa học?

Hiện trạng nghiên cứu hiện nay

Theo số liệu từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Ngân hàng Thế giới, một nhóm gồm 20 quốc gia OIC tiêu biểu đã chi 0,34% tổng sản phẩm quốc nội của họ cho nghiên cứu khoa học giai đoạn từ 1996 đến 2003 – chỉ bằng một phần bảy mức chi trung bình của toàn cầu là 2,36%. Các quốc gia Hồi giáo cũng chưa có tới 10 nhà khoa học, kĩ sư và chuyên viên trên 1000 người dân, so với trung bình thế giới là 40, và 140 đối với những nước phát triển. Trong đó, họ chỉ đóng góp 1% số lượng bài báo khoa học đã công bố của thế giới. Thật vậy, Atlas Khoa học và Đổi mới thuộc Thế giới Hồi giáo của Hội Hoàng gia Anh cho biết các nhà khoa học ở thế giới Arab (gồm 17 nước OIC) mang lại tổng cộng 13 444 công bố khoa học vào năm 2005 – ít hơn chừng 2000 bài so với 15 455 của chỉ riêng trường đại học Harvard.

Nhưng chất lượng của nghiên cứu khoa học cơ bản trong thế giới Hồi giáo mới là cái đáng quan tâm. Một cách đo lấy sự nổi bật quốc tế của những tác phẩm khoa học đã công bố của một quốc gia là thông qua chỉ số trích dẫn tương đối (RCI) của nó: đây là số lượng những bài báo được trích dẫn bởi các nhà khoa học của một quốc gia là một phần của tất cả những bài báo được trích dẫn, chia cho tổng số bài báo đã công bố của riêng nước đó so với tổng số bài báo khoa học của thế giới. Như vậy,  nếu một nước tạo ra 10% số tác phẩm khoa học của thế giới, nhưng chỉ nhận được 5% số lượng trích dẫn trong phần còn lại của thế giới, thì chỉ số của nó sẽ là 0,5. Theo bảng số liệu tổng hợp do Ủy ban Khoa học Quốc gia Mĩ biên soạn vào năm 2006 của 45 quốc gia dẫn đầu nền khoa học thế giới xếp hạng theo chỉ số RCI của họ trong ngành vật lí, thì chỉ có hai quốc gia OIC được ghi nhận – Thổ Nhĩ Kì với 0,344 và Iran với 0,484 – và chỉ có Iran thể hiện sự tiến bộ đáng chú ý trong giai đoạn 1995 đến 2003.

Những con số thống kê khô khan này cho thấy các quốc gia Hồi giáo đang lạc hậu xa so với phần còn lại của thế giới. Nhưng cũng có những nhà khoa học Hồi giáo thật sự lỗi lạc, chí ít là nhà vật lí lí thuyết người Pakistan, Abdus Salam (1926–1996), người đã mơ tới một thời kì phục hưng khoa học trong thế giới Hồi giáo. Là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của nửa sau thế kỉ 20, Salam cùng nhận giải thưởng Nobel vật lí năm 1979 với Sheldon Glashow và Steven Weinberg, cho sự đóng góp của ông trong việc phát triển lí thuyết điện yếu: một trong những lĩ thuyết đẹp nhất và mạnh nhất trong khoa học, nó mô tả hai trong bốn lực cơ bản của tự nhiên (lực điện từ và lực hạt nhân yếu) có liên hệ với nhau như thế nào.

Mặc dù Salam là một tín đồ Hồi giáo sùng đạo, những ông đã bị Pakistan rút phép thông công vào thập niên 1970 do những đức tin tôn giáo phi chính thống của ông và dính líu tới một giáo phái đạo Hồi tương đối bí ẩn tên gọi là Ahmadis. Bất chấp điều này, ông vẫn trung thành với tổ quốc mình và làm việc không mệt mỏi để xúc tiến khoa học trong thế giới Hồi giáo. Nhưng ước mơ của Salam chưa bao giờ trở thành hiện thực và ông đã để lại bản cáo trạng đang bị chỉ trích sau đây: “Trong tất cả những nền văn minh trên hành tinh này, khoa học là yếu nhất trong vương quốc Hồi giáo. Những nguy cơ của sự yếu ớt này không hề bị cường điệu quá mức vì sự tồn vong danh dự của một xã hội phụ thuộc trực tiếp vào nền khoa học và công nghệ của nó trong điều kiện thời đại ngày nay”.

Trở ngại phát triển

Một trở ngại là có quá nhiều người Hồi giáo xem khoa học hiện đại là hoạt động trần tục, thậm chí là vô thần, là do phương Tây xây dựng, và đã lãng quên nhiều đóng góp tuyệt với do những học giả đạo Hồi mang lại vào lúc cao đỉnh của một thời kì vàng son bắt đầu vào nửa đều thế kỉ thứ 9 và tiếp diễn trong vài thế kỉ. Những tiến bộ xuất sắc đã được thực hiện trong mọi lĩnh vực từ toán học, thiên văn học cho đến y khoa, đến vật lí học, hóa học, kĩ thuật và triết học. Đó là một thời kì mẫu mực cho tinh thần thẩm tra hợp lí vào lúc mà đa phần châu Âu đang đắm mình trong Thời kì Tăm tối.

Những cuộc truy tìm kiến thức tự do suy nghĩ, do tính tò mò chi phối này từ từ đi vào tàn lụi. Tôi sẽ làm sáng tỏ rằng sự thoái trào này xảy ra muộn hơn vài thế kỉ so với nhiều người phương Tây nghĩ, vì những tiến bộ ban đầu trong lĩnh vực y khoa, toán học và thiên văn học tiếp tục diễn ra tốt cho đến sang thế kỉ 15. Tuy nhiên, sự thoái trào dần dần là do nhiều nguyên do, chủ yếu vì sự tan vỡ quyền lực của đế chế Hồi giáo và những kẻ thống trị non yếu không còn hứng thú bảo trợ cho giới học giả và vấn đề học thuật. Toàn bộ xu thế này xảy ra đồng thời với Phong trào Phục hưng ở châu Âu đang diễn ra theo hướng ngược lại, cái đã kích ngòi cho cuộc cách mạng khoa học thế kỉ 16 và 17. Cộng thêm vào nữa là những tác động sau đó của chủ nghĩa thực dân dẫn tới một loại bất ổn và sự lãng quên tập thể bên trong thế giới Hồi giáo về di sản văn hóa giàu có của riêng mình, và người ta có thể thấy sự yếu ớt và trì trệ đưa đến bước lùi phản khoa học từ một thế giới Hồi giáo vốn mang tính bảo thủ nhiều hơn.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là thực tế ngày nay nhiều tôn giáo trên thế giới xem các ngành khoa học hiện đại như vũ trụ học và thuyết tiến hóa là đang làm suy yếu hệ thống đức tin của họ. Hãy so sánh quan điểm của họ với quan điểm của vị học giả Ba Tư vĩ đại, al-Biruni (973–1048): “Nhà phê bình ngoan cố sẽ nói: ‘Lợi ích của những khoa học này là gì?’ Ông ta không biết đức tính vốn phân biệt loài người với thế giới động vật: đó là tri thức, nói chung, chỉ có con người mới theo đuổi, và theo đuổi vì lợi ích của bản thân kiến thức, vì việc đạt tới nó là niềm vui thật sự, và nó không giống như thú vui thỏa mãn từ những mục tiêu theo đuổi khác. Vì cái tốt không thể nào sinh ra, và cái xấu không thể nào tránh khỏi, ngoại trừ bởi tri thức. Vậy thì cái lợi nào sáng giá hơn? Công dụng nào là nhiều hơn?”. May thay, có đủ số người Hồi giáo ngày nay phản bác quan điểm rằng khoa học và Hồi giáo là không đội trời chung. Thật ra, dẫu biết bầu không khí căng thẳng và phân cực giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây hiện nay, nhưng chẳng có gì bất ngờ là nhiều người Hồi giáo cảm thấy phẫn nộ khi bị cáo buộc là góp sức cho sự khuếch trương sức mạnh chính trị trong khi họ đang tiến tới những thành tựu khoa học thật sự.

Cần chấn chỉnh lại

Đáng nói hơn nữa là lập luận cho rằng chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo gây cản trở cho sự tiến bộ khoa học trong thế giới Hồi giáo là do hệ thống nhà nước quan liêu, lạc hậu mà nhiều quốc gia OIC thừa hưởng từ lâu từ những ông chủ thực dân của họ, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được thay thế. Rồi sự thiếu ý chí chính trị để cản cách, để xử lí tham nhũng và đại tu lại hệ thống giáo dục, trường viện và quan niệm đang thất bại. May thay, mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng.

Điều quan trọng là cả những người theo đạo Hồi lẫn những người phi Hồi giáo đều nhắc tới thời điểm khi Hồi giáo và khoa học không còn ‘lệch pha’ nữa, dẫu cho ở trong một thế giới rất khác biệt. Điều này quan trọng không chỉ cho khoa học một lần nữa đơm hoa kết trái trong thế giới Hồi giáo, mà còn là một trong nhiều lộ trình hướng đến một tương lai trong đó những tín đồ Hồi giáo sẽ nhìn thấy giá trị của nghiên cứu khoa học do tính hiếu kì chi phối, giống hệt như họ đã từng làm cách đây 1000 năm về trước.

Vậy làm thế nào đạt tới mục tiêu này? Bước đầu tiên ai cũng thấy là sự đầu tư tài chính nghiêm túc. Đã nhiều lần trong lịch sử cho thấy nguồn quỹ đầu tư cho khoa học càng lớn thì càng khuyến khích hoạt động khoa học mạnh mẽ, và nhiều chính phủ Hồi giáo, từ Malaysia đến Nigeria, hiện đang đầu tư tổng số tiền tương đối khá cho những dự án mới và hấp dẫn trong một nỗ lực nhằm tạo ra những trường viện nghiên cứu tầm cỡ thế giới. Chẳng hạn, những người đứng đầu một vài bang thuộc Liên bang Vùng vịnh đang xây dựng những trường đại học mới với nguồn lao động nhập khẩu từ phương Tây cả về xây dựng lẫn quản lí.

Nhưng không phải cứ tung tiền ra là giải quyết được vấn đề. Điều quan trọng hơn là có ý chí chính trị để cải cách và đảm bảo sự tự do tư tưởng thật sự. Thí dụ, Nader Fergany, tác giả đầu nhóm của Báo cáo Phát triển Con người Arab năm 2002 của Liên hiệp quốc, nhấn mạnh rằng cái cần thiết hơn hết là cải cách các trường viện khoa học, nhằm tôn trọng sự tự do quan điểm và diễn đạt tư tưởng, đảm bảo giáo dục chất lượng cao cho tất cả mọi người, và cho một sự chuyển tiếp tăng tốc dần lên những xã hội xây dựng trên nền tri thức và kỉ nguyên thông tin (Nature 444 33).

alt
Thí dụ của những dự án mới ở Trung Đông gồm một chi nhánh của trường đại học Carnegie Mellon ở Qatar (ảnh trái) và trường đại học Khoa học và Công nghệ Nhà vua Abdullah (ảnh phải). Ảnh: Carnegie Mellon Qatar/Matin Durrani

Những dự án tiên tiến

Chúng ta hãy thử nhìn vào Trung Đông, nơi người ta có thể tìm thấy một số dự án mới hấp dẫn đã nhận được sự quan tâm công chúng rộng rãi trong vùng. Trước tiên là một công viên khoa học mới mở cửa vào mùa xuân năm 2009 trong khu thủ phủ đang mở rộng gọi là Thành phố Giáo dục ở ngoại ô Doha, thủ đô của Qatar, nơi đặt trụ sở của một số chi nhánh của một số trường đại học hàng đầu thế giới, trong đó có trường Carnegie Mellon, Texas A&M và Northwestern. Công viên Khoa học và Công nghệ Qatar, cũng có trụ sở của Thành phố Giáo dục, hi vọng sẽ là một trung tâm cho các công ti công nghệ cao từ khắp nơi trên thế giới đến, cạnh tranh với sự thành công của Thung lũng Silicon ở California.

Cũng tham vọng không kém là Trường đại học Khoa học và Công nghệ Nhà vua Abdullah (KAUST), trị giá 10 tỉ đô la, vừa mới hoàn thành trên bờ biển phía tây Saudi Arabia, gần thành phố Jeddah. Thật khó tin nổi, trụ sở rộng mênh mông của trường đại học nghiên cứu quốc tế này, có thể cạnh tranh với những phòng thí nghiệm tiên tiến và một ngân quỹ 1,5 tỉ đô la cho các trang thiết bị nghiên cứu trong 5 năm đầu tiên của nó, lại được xây dựng xong trong vòng chưa tới ba năm. Trong một động thái tiên phong, nó còn là học viện giáo dục bình đẳng trọn vẹn đầu tiên ở Saudi Arabia, cho phép phụ nữ ngồi song hành cùng nam giới trong giảng đường thay vì trong những phòng riêng biệt. Trường đại học trên hứa sẽ cho các nhà nghiên cứu tự do sáng tạo và đưa ra những tiêu chuẩn nghiên cứu và giáo dục quốc tế rất cao. Chương trình nghiên cứu được hoạch định để hỗ trợ cho tương lai hậu dầu mỏ của quốc gia trong những lĩnh vực then chốt như khai thác năng lượng mặt trời và phát triển những cây lương thực có thể tồn tại trong điều kiện khí hậu khô và nóng của quốc gia. Nhiều trường đại học hàng đầu ở châu Âu và ở Mĩ đang khua chiêng kèn trống cùng với nó vì – người ta hi vọng – những động cơ khoa học chứ không phải những động cơ tài chính.

Thí dụ cuối cùng là một dự án gọi là SESAME (Ánh sáng Sychrotron cho Khoa học Thực nghiệm và Ứng dụng ở Trung Đông), sẽ là trung tâm nghiên cứu quốc tế trọng yếu đầu tiên của vùng, với sự liều lĩnh hợp tác của các nhà khoa học và chính phủ trong vùng. Năm 1997, khi Đức quyết định cho ngừng hoạt động thiết bị nghiên cứu sychrotron BESSY của mình, nó đã đồng ý tặng lại các bộ phận của nó cho dự án SESAME, dự án được phát triển nhanh chóng dưới sự đỡ đầu của UNESCO. Hiện nay, nó đang được xây dựng ở Jordan, sau khi đã trải qua sự cạnh tranh quyết liệt từ những nước khác trong vùng. Nghiên cứu thực hiện tại SESAME sẽ bao gồm khoa học vật liệu, sinh học phân tử, công nghệ nano, X quang, phân tích khảo cổ và những ứng dụng y khoa lâm sàng. Những thành viên hiện nay của nó, cùng với những ông chủ của nó, gồm có Israel, Chính quyền quốc gia Palestine, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kì, Iran, Pakistan, Bahrain, và Cyprus, và nhóm này có khả năng mở rộng thêm vài nước nữa tham gia hợp tác. Chương trình khoa học mới sẽ bắt đầu vào năm 2012.

Đối mặt với tương lai

Vậy có một tương lai sáng sủa hơn cho nền khoa học ở thế giới Hồi giáo hay không? Tất nhiên, các nhà nghiên cứu khoa học cần đến những nguồn tài chính tương xứng, nhưng để cạnh tranh trên trường quốc tế không chỉ đòi hỏi sự trang bị mới nhất, tối tân nhất. Toàn bộ cơ sở hạ tầng của môi trường nghiên cứu cần phải được giải quyết, từ các chuyên viên phòng lab am tường cách sử dụng và bảo dưỡng trang thiết bị cho đến việc áp dụng sự tự do tư tưởng thật sự trong số các nhà khoa học, và một thái độ hoài nghi lành mạnh và khuyến khích nghi vấn những kết quả thực nghiệm. Sự biến chuyển văn hóa này sẽ không diễn ra trong ngày một ngày hai và đòi hỏi không chỉ ý chí chính trị, mà còn một sự hiểu biết ý nghĩa thật sự của sự tự do tư tưởng lẫn bản thân phương pháp khoa học. Thật đáng tiếc, đây thường là cái đang thiếu, ngay cả ở phương Tây.

Một sự phục hưng văn hóa dẫn tới một xã hội trên nền tri thức là nhu cầu cấp thiết nếu như thế giới Hồi giáo chấp nhận và nắm lấy không chỉ những viên gạch và vữa hồ của những phòng nghiên cứu hiện đại cùng với những máy gia tốc hạt tiên tiến và những chiếc kính hiển vi mà chúng có thể chứa, mà còn cả tinh thần hiếu kì đã chi phối nhân loại cố gắng đi tìm hiểu tự nhiên, cho dù có làm kinh ngạc đáng sáng tạo thiêng liêng, hay chỉ là để biết vì sao và như thế nào các vật lại như chúng vốn có.

alt
(Trái sang phải), một nhà thiên văn học người Hồi giáo nghiên cứu chuyển động của Mặt trời, sử dụng một quả cầu cầm tay và kim la bàn; định luật Snell, có lẽ nên gọi là định luật Sahl, để vinh danh con người đầu tiên thật sự đã tìm hiểu nó; và một dụng cụ đo sao bằng đồng thau từ khoảng 1350-1450, nó được dùng để đo vị trí của các ngôi sao. Nguồn: Phòng Trưng bày Nghệ thuật/Thư viện trường Đại học Istanbul/Gianni Dagli Orti/David Parker/Thư viện Ảnh Khoa học

Một thời kì vàng son của khoa học

Thời kì rực rỡ nhất của những tiến bộ khoa học duy trì liên tục trong những năm 1500 giữa thời kì Hi Lạp Cổ đại và Thời Phục hưng châu Âu xảy ra ở những trung tâm học thuật lớn trên khắp đế chế Hồi giáo trung cổ, thí dụ như Baghdad, Cairo, Cordoba và Samarkand. Chẳng hạn, ở Baghdad chúng ta tìm thấy quyển sách rất sớm về đại số (gọi là Kitab al-Jebr, từ đó chúng ta suy ra từ “algebra” – đại số). Nó không giống với bất ki cái gì đã thấy trước đó, và là một mô hình chuyển hóa từ công trình của nhà lí thuyết số người Hi Lạp Diophantus. Do nhà toán học thế kỉ thứ 9 al-Khwarizmi biên soạn, nó khuấy động nhiều tiến bộ to lớn trong lĩnh vực toán học, lát đường cho al-Kashi người Ba Tư thế kỉ 15 ở Samerkand (người đã tính ra 16 chữ số thập phân của π, cùng nhiều thành tựu khác), trước khi những người châu Âu giành lại quyền lãnh đạo giới toán học lần nữa. Abbasid caliph al-Ma'mun đã sáng lập một viện hàn lâm mới ở Baghdad – Ngôi nhà Thông thái – và xây dựng những đài thiên văn ở Baghdad và Damascus. Ông đã đỡ đầu cho những dự án khoa học lớn mang lại những cải tiến to lớn đối với những công trình thiên văn học và địa lí của các học giả người Hi Lạp như Ptolemy, những tác phẩm mà các vị học giả người Hồi giáo, Cơ đốc giáo, và Do Thái ở viện hàn lâm Baghdad đã dịch sang tiếng Arab.

Những tiến bộ trong y khoa và giải phẫu học sẽ dẫn đến các sách giáo khoa Arab do các học giả như al-Razi (Razes) và Ibn Sina (Avicenna) viết, thay thế cho những tác phẩm Hi Lạp của Galen và Hippocrates trong các thư viện châu Âu thời trung cổ. Công trình triết học của Ibn Sina và Ibn Rushd (Averroës) ảnh hưởng đến những học giả châu Âu sau này như Roger Bacon và St Thomas Aquinas. Bác sĩ al-Zahrawi (Abulcasis) người Cordoban đã phát minh ra hơn 200 thiết bị phẫu thuật – nhiều trong số đó vẫn được sử dụng ngày nay, thí dụ như forcep (kìm nha sĩ) và bơm tiêm phẫu thuật. Khoảng thời gian này, chúng ta còn chứng kiến sự ra đời của ngành hóa học công nghiệp, với những phương pháp khoa học phức tạp đáng chú ý được sử dụng trong thực tiễn bừa bãi của ngành giả kim thuật, và những tiến bộ trong những lĩnh vực như quang học, với Ibn al-Haytham (Alhazen) cùng những thành tựu chỉ tới thời Newton châu Âu mới đuổi kịp. Trong một thời kì kéo dài hơn nửa thiên niên kỉ, ngôn ngữ khoa học quốc tế là tiếng Arab.

Jim Al-Khalili, nhà vật lí hạt nhân lí thuyết tại trường đại học Surrey, Anh. Ông còn là phát thanh viên và là tác giả quyển Ngôi nhà Thông thái, sẽ được nhà xuất bản Penguin phát hành trong tháng 9 tới.


Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm