Gần đây các diễn đàn xôn xao việc ông Nguyễn Hải Châu, Vụ phó Giáo dục Trung học vừa chỉ đạo ôn thi vừa chủ biên sách tham khảo THPT 8 môn. Lãnh đạo Bộ Giáo dục cho rằng, ông này nên tập trung chuyên môn, tránh gây hiểu lầm.
Ông Châu chủ biên hầu hết các cuốn sách trong bộ "Chuẩn bị kiến thức ôn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ" gồm các môn tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học cho đến Văn, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp...
|
Hai cuốn sách do ông Châu chủ biên được xuất bản vào tháng 2-3/2010 tại NXB Giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng nhiều phần trong hai cuốn sách này có cấu trúc gần giống nhau. Ảnh: Tiến Dũng. |
Đồng thời ông Châu cũng tham gia biên soạn cuốn "Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010 môn Toán". Hai bộ sách này được in cùng thời điểm tại NXB Giáo dục và được trình bày khá giống nhau.
Ngoài ra, vị vụ phó còn chủ biên nhiều bộ sách khác như "Giới thiệu giáo án lớp 11" các môn Vật lý, Tin học, Hóa học, Văn, Địa lý; "Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá lớp 10" môn Toán, tiếng Anh; "Chuẩn bị kiến thức ôn thi vào lớp 10" môn Toán, Văn.
Nhiều ý kiến trên diễn đàn của Bộ Giáo dục cho rằng, một lãnh đạo Vụ Trung học - nơi chỉ đạo các trường THPT chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho việc thi tốt nghiệp... đứng ra biên soạn nhiều bộ sách tham khảo sẽ gây “nhiễu” tâm lý cho thí sinh.
Chiều 8/4 trả lời VnExpress.net, Vụ trưởng Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn cho hay, Bộ chưa có chủ trương giao cho đơn vị, cá nhân của bộ ban hành sách tham khảo nên việc này hoàn toàn mang tính cá nhân.
"Việc một người có được chủ biên nhiều đầu sách, nhiều môn học không thì cần căn cứ theo Luật Xuất bản. Giáo viên THPT, giảng viên đại học hay cán bộ của Bộ biên soạn sách là do Nhà xuất bản làm việc trực tiếp với cá nhân tác giả đó. Vụ Trung học là cơ quan quản lý về nội dung, nhưng Cục Khảo thí lại là nơi ra đề thi tốt nghiệp và những người biên soạn những đầu sách này không nằm trong ban ra đề thi", ông Chuẩn nhấn mạnh.
|
Hầu hết các cuốn sách tham khảo trong bộ "Chuẩn bị kiến thức ôn thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ" môn tiếng Anh, Toán, Hóa học, Văn... đều do ông Châu đứng chủ biên. Ảnh: Tiến Dũng. |
Theo ông Chuẩn, năm nay Bộ đã hướng dẫn các Sở chỉ đạo các trường không căn cứ vào bất cứ tài liệu tham khảo ôn tập tốt nghiệp. Bộ cũng chỉ đạo các Sở không bắt buộc học sinh phải mua sách tham khảo ôn thi tốt nghiệp.
"Nhưng thực tế, lâu nay nhiều nơi coi sách tham khảo là giới hạn ôn thi tốt nghiệp", ông Vụ trưởng thừa nhận
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, nhiều tổ chức, cá nhân có năng lực chuyên môn đều có thể tham gia chủ biên sách nhưng một người chủ biên nhiều bộ sách khác nhau là không nên vì còn phải quan tâm đến chất lượng đầu sách, cho dù có thể Luật Xuất bản cho phép.
"Đã làm cán bộ ở Bộ, việc biên soạn cũng nên hạn chế để tập trung vào chuyên môn và để tránh gây hiểu lầm trong dư luận. Việc một lãnh đạo Vụ chủ biên nhiều bộ sách sẽ được chúng tôi tìm hiểu thêm và rút kinh nghiệm", bà Nghĩa nhấn mạnh.
Trao đổi với VnExpress.net, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh - nhà biên soạn SGK phổ thông và giáo trình đại học cho rằng: "Chủ biên phải là người thực sự chịu trách nhiệm về những cuốn sách đứng tên mình. Một người thì không thể vừa chủ biên sách Toán, Vật lý vừa chủ biên sách Văn, Địa lý...".
Cũng theo thầy Cương, do hiện nay có quá nhiều loại sách tham khảo nên nội dung na ná nhau cũng là điều dễ hiểu.
|
Tiến Dũng - VNexpress