Hiệp Khách Quậy GS. Trần Văn Thọ chia sẻ trong diễn từ đọc tại Lễ kỷ niệm của Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội chiều tối ngày 15.8, chúc mừng GS. Thọ được trao tặng huân chương Thụy Bảo của Thiên hoàng Nhật Bản. Xin mời đọc tiếp.
GS. Trần Văn Thọ chia sẻ trong diễn từ đọc tại Lễ kỷ niệm của Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội chiều tối ngày 15.8, chúc mừng GS. Thọ được trao tặng huân chương Thụy Bảo của Thiên hoàng Nhật Bản.
Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio chúc mừng GS. Trần Văn Thọ
nhận Huân chương Thụy Bảo của Thiên hoàng Nhật Bản. Ảnh: Phúc Tiến
Trước hết, tôi xin cám ơn ngài Đại sứ Umeda Kunio và các quan chức, nhân viên Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội đã tổ chức buổi Lễ rất trang trọng và ấm cúng dành cho chúng tôi nhân dịp tôi được trao tặng huân chương Thụy Bảo của Thiên hoàng Nhật Bản. Tôi cũng rất vui mừng qua dịp nầy được gặp lại các bạn Việt Nam và Nhật Bản.
GS. Trần Văn Thọ đọc diễn từ cảm ơn trong lễ kỷ niệm chiều tối ngày 15.8, do Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức
chúc mừng GS. Thọ nhận Huân chương Thụy Bảo của Thiên hoàng Nhật Bản. Ảnh: Phúc Tiến
Trong phần giới thiệu, Đại sứ Umeda đã đánh giá tôi quá nhiều, nhiều hơn những gì tôi đã làm được. Trong phần phát biểu, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường và nhà kinh tế Phạm Chi Lan cũng đánh giá tôi quá cao. Thật ra, nếu tôi đã có đóng góp phần nào vào việc thúc đẩy quan hệ Việt Nhật, vào việc giúp cho Việt Nam hiểu biết về Nhật Bản hơn, thì cũng phải nói là nhờ sự giúp đỡ, hợp tác của nhiều cơ quan, nhiều bạn bè ở cả hai bên Việt Nam và Nhật Bản, nhất là các vị, các bạn đang tham dự buổi Lễ hôm nay.
Đặc biệt, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, qua nhiều đời đại sứ luôn giúp tôi có điều kiện trao đổi, bàn bạc về các vấn đề trong quan hệ hai nước. Tôi cũng được hỗ trợ từ nhiều bạn bè, đồng nghiệp trong nghiên cứu, trong giáo dục ở cả Việt Nam và Nhật Bản. Một lần nữa tôi xin cảm ơn tình cảm của các anh chị, các bạn dành cho tôi.
Ra nước ngoài thì tất cả Việt Nam là quê hương, nhưng nhân dịp nầy tôi cũng muốn bày tỏ tình cảm đối với Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi tôi sinh ra và lớn lên, và xin cảm ơn bạn bè, bà con, nhiều đời lãnh đạo địa phương đã động viên tôi rất nhiều trong học tập và làm việc.
Nhìn lại nửa thế kỷ vừa qua tôi thấy mình đã gặp rất nhiều may mắn.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một nông thôn miền Trung. Trong điều kiện còn chiến tranh và khó khăn nhiều mặt về kinh tế, về giao thông, thời đó một học sinh ở nông thôn miền Trung mà học được hết bậc Tú Tài, tức cấp III ngày nay, và vào được Sài Gòn để vừa đi làm vừa học đại học là rất may mắn rồi.
Mới ở Sài Gòn vài ba tháng tôi lại gặp một cái may định mệnh là ngẫu nhiên đọc được thông báo của Đại sứ quán Nhật về việc tuyển sinh du học với học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Kết cuộc, đời tôi đã bước sang một bước ngoặt lớn, một may mắn mà tôi chưa bao giờ mơ tới.
Tháng 4.1968 tôi sang Nhật du học. Lúc đó tôi dự định học xong đại học hay nhiều lắm là xong bậc tiến sĩ sẽ về nước với hy vọng lúc đó đất nước đã hết chiến tranh, mọi người sẽ nỗ lực góp phần vào phục hưng xứ sở. Nhưng rồi thời thế đưa đẩy, tôi đã ở lại Nhật Bản cho đến ngày nay. Tuy vậy, dù không phải là con đường đã chọn ban đầu nhưng nơi đến cũng đã mở ra nhiều cơ hội.
GS. Trần Văn Thọ và phu nhân trong Lễ kỷ niệm ngày 15.8 tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội. Ảnh: VTV
Là người Việt Nam tôi yêu quý Việt Nam, nay lại có thêm một đất nước để yêu mến. Người bạn đời của tôi, hiện có mặt tại đây, là người Việt Nam nhưng cũng yêu mến Nhật Bản, yêu thích văn học Nhật Bản, đã và đang dịch nhiều tiểu thuyết, truyện ký Nhật Bản sang tiếng Việt.
Khi ra đi tôi chưa đầy 19 tuổi. Lúc đó còn chiến tranh và điều kiện kinh tế không cho phép nên tôi chỉ quanh quẩn trong phạm vi nhỏ hẹp ở làng xóm, ở trường học. Vào Sài Gòn cũng không đi đâu xa, chỉ quanh quẩn ở nơi trọ, nơi làm việc và đại học. Trong hoàn cảnh đó và bận rộn vì phải vừa đi làm vừa đi học, ý thức về nước Việt Nam hầu như rất ít. Tuy nhiên, khi rời xa quê hương thì tự nhiên nhớ và suy nghĩ nhiều về đất nước. Đúng như Chế Lan Viên đã viết:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn...
Khi rời xa quê hương, tôi mang theo tâm tình, suy nghĩ về Việt Nam ảnh hưởng chủ yếu qua sách vở về lịch sử, về văn học, về âm nhạc. Ngoài lòng tự hào dân tộc của một nước Việt Nam có nền văn hóa thống nhất và lịch sử nhiều ngàn năm dựng nước, giữ nước, điều ghi khắc sâu vào tâm tư tôi là quê hương mình nghèo quá.
Thời đó tôi biết nhiều nhạc khúc ca tụng đồng quê nhưng cũng nói lên cuộc sống nghèo khó của người Việt Nam. Đề tài của những ca khúc như Nắng lên xóm nghèo, Quê nghèo, Tình nghèo, vv... nói lên tình trạng đó. Tôi mong chiến tranh chấm dứt nhanh và Việt Nam phải bước sang giai đoạn thoát nghèo và phát triển.
Thời trung học đọc nhiều tiểu thuyết trong Tự lực văn đoàn. Trong một truyện dài, Nhất Linh đã để cho nhân vật chính của mình nói về lòng yêu nước mà tôi thấy rất thích hợp trong giai đoạn chưa phát triển của Việt Nam: “Biểu hiện cho đất nước không phải là những bậc vua chúa hay danh nhân mà là đám dân thường không tên không tuổi. Dân là nước, yêu nước là yêu chung đám thường dân, nghĩ đến sự đau khổ của đám thường dân”.
Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy đây là định nghĩa về lòng yêu nước rất đúng đắn.
Tôi sang Nhật du học tháng 4.1968. Lúc đó Nhật Bản kỷ niệm 100 năm Minh trị Duy tân. Nhưng có hai sự kiện khác rất quan trọng và ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của tôi.
Thứ nhất là văn hào Kawabata Yasunari được trao giải Nobel văn chương. Đây là sự kiện làm tôi sớm cảm thấy gần gũi với tâm tình, với văn hóa Nhật Bản. Thứ hai là Nhật Bản đang trong thời kỳ phát triển ngoạn mục và năm ấy đánh dấu cái mốc Nhật vượt Tây Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Sự kiện nầy làm tôi quan tâm muốn học về kinh nghiệm phát triển của Nhật.
Về nhà văn Kawabata, tôi đã đọc ngay truyện ngắn Cô đào hát miền Izu. Izu là một vùng nổi tiếng cảnh đẹp với đồi núi và biển, nhất là có suối nước nóng, cách Tokyo 150 km về phía nam. Đọc truyện ấy ngoài sự cảm nhận của một người Việt Nam mới tới Nhật về cảnh sắc thiên nhiên rất mới lạ, tôi đặc biệt cảm động vì sự dịu dàng, tử tế của con người được mô tả rất tinh tế. Nhật Bản tuy hay bị thiên tai nhưng được thiên nhiên ưu đãi về cảnh sắc. Có bốn mùa, mỗi mùa có một cảnh đẹp khác nhau, mùa xuân có hoa anh đào, hè có biển, thu là trăng thanh và phong lá đỏ, còn mùa đông thì tuyết trắng.
Văn hào Kawabata trong diễn từ nhận giải Nobel văn chương “Tôi của một nước Nhật xinh đẹp” (Utsukushii Nihon no Watashi) đã viết: khi xúc động với cảnh đẹp thiên nhiên ta thường nghĩ đến bạn bè. Bạn bè ở đây theo nghĩa rộng, chỉ tất cả người mình có quan hệ giao tiếp. Nhìn cảnh đẹp muốn chia sẻ cảm xúc với người chung quanh mình. Người Nhật tử tế, thân thiện, luôn nghĩ về người khác có lẽ một phần do ảnh hưởng của thiên nhiên.
Tiếp theo đây tôi muốn nói về quan hệ của tôi với kinh tế Nhật Bản.
GS. Trần Văn Thọ: “Người Nhật tử tế, thân thiện, luôn nghĩ về người khác có lẽ một phần do ảnh hưởng của thiên nhiên”. Ảnh: Phúc Tiến
Nhìn lại quãng đời vừa qua, tôi thấy mình học kinh tế, nhất là kinh tế phát triển tại Nhật Bản là điều rất may mắn, có nhiều ý nghĩa. Nhật Bản là nước đi sau trong dòng thác công nghiệp của thế giới, đã tích cực du nhập công nghệ, luật lệ, tổ chức hành chánh và tri thức quản lý từ các nước tiên tiến Âu Mỹ và đã thành công trong việc đuổi kịp các nước đi trước.
Rất nhiều nghiên cứu về sự thành công của Nhật. Riêng tôi đã thử tìm một nguyên nhân tổng hợp nhất để có thể tham khảo được cho các nước đi sau Nhật. Tôi đã tìm ra một từ khóa để chỉ nguyên nhân tổng hợp đó.
Đó là năng lực xã hội. Đó là năng lực và tố chất của những nhân tố cấu thành xã hội, cụ thể là chính trị gia, quan chức, lãnh đạo kinh doanh, trí thức và tầng lớp lao động. Mỗi nhân tố cấu thành phải có những tố chất nào để thúc đẩy kinh tế phát triển. Dĩ nhiên tố chất quan trọng của chính trị gia là năng lực lãnh đạo, của quan chức là năng lực quản lý hành chánh, của giới kinh doanh là tinh thần doanh nghiệp. Nhưng trong trường hợp Nhật Bản, không phải chỉ có các tố chất đó. Tôi nghiệm thấy rằng tố chất chung nhất của chính trị gia, của quan chức, của nhà kinh doanh Nhật Bản là lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và phải là những người có văn hóa, có giáo dưỡng. Đặc biệt trong thời đại Minh Trị và thời kỳ phục hưng và phát triển hậu chiến, những tố chất đó biểu hiện mạnh mẽ nhất.
Vì không có thì giờ, ở đây tôi chỉ xin đơn cử trường hợp nhà kinh doanh. Thông thường thì nhà kinh doanh phát huy tinh thần doanh nghiệp để mưu tìm lợi nhuận chân chính. Tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship) thường được định nghĩa là tinh thần mạo hiểm và năng lực cách tân công nghệ, tích cực khám phá thị trường, ứng dụng công nghệ để làm ra các sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhưng những nhà kinh doanh tiêu biểu của Nhật không phải chỉ có thế.
Hầu hết những nhà sáng lập những công ty tiêu biểu của Nhật hiện nay đều xuất phát từ lòng yêu nước, từ trách nhiệm xã hội. Chẳng hạn lấy trường hợp Sony, một trong những công ty đại biểu của Nhật ngày nay. Trong buổi lễ thành lập công ty vào năm 1946, bài diễn văn của Ibuka Masaru, người đồng sáng lập công ty, đã gây xúc động lòng người. Ông nói: “Ta phải nỗ lực đem công nghệ góp phần vào việc phục hưng tổ quốc của chúng ta”. Giữa cảnh hoang tàn đổ nát mới một năm sau chiến tranh, thái độ của những người có trách nhiệm trong xã hội đã gây phấn chấn và kích thích mọi người hăng hái tham gia vào việc phục hưng đất nước. Với năng lực xã hội như thế, Nhật Bản đã thành công trong quá trình theo kịp các nước Âu Mỹ.
Thật ra thời trước Thế chiến thứ hai, Nhật đã theo kịp Tây phương trong một số ngành, một số lãnh vực, nhưng phải đợi đến thập niên 1960, 1970, bằng một giai đoạn phát triển cao độ, Nhật Bản mới hoàn toàn theo kịp Âu Mỹ. Giai đoạn phát triển cao độ nầy, bắt đầu giữa thập niên 1950, mỗi năm phát triển trung bình 10% và kéo dài tới 18 năm, đã đưa nước Nhật thành một cường quốc kinh tế. Nhiều người nói đó là giai đoạn phát triển thần kỳ, có nhà nghiên cứu đã nói 6000 ngày làm thay đổi nước Nhật.
Gần đây tôi khám phá ra một điểm mà tôi thấy thú vị là kinh tế Việt Nam hiện nay rất giống với đêm trước của thời đại phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Giữa thập niên 1950 dân số Nhật cũng khoảng 90 triệu, cơ cấu kinh tế về sản xuất, về xuất khẩu cũng như sự phân bổ lao động rất giống Việt Nam ngày nay. Tôi rất mong Việt Nam sớm muộn cũng sẽ có một thời đại như thế.
Từ sau đổi mới, Việt Nam phát triển trung bình 6,5% và chưa có giai đoạn phát triển cao độ. Tôi muốn viết một cuốn sách bằng tiếng Việt phân tích giai đoạn phát triển thần kỳ 18 năm ở Nhật và suy nghĩ về những điều kiện để Việt Nam phát triển cao và bền vững trong những năm tới.
Cuối cùng tôi xin chia sẻ một tâm tình, một trường hợp có lẽ hiếm người có được. Mỗi lần từ Tokyo về Hà Nội, tôi nói “tôi về Hà Nội” như là về quê mình, nhưng từ Hà Nội trở lại Tokyo, tôi cũng nói “tôi về Tokyo” vì ở đó có nhà ở và là nơi tôi đã học tập và làm việc hơn nửa thế kỷ. Tức là tôi có hai quê hương để về. Tôi thấy hạnh phúc khi có hai quê hương và xin cám ơn các vị, các bạn bè hai nước Việt Nhật đã cho tôi cái hạnh phúc đó.
Một lần nữa xin cảm ơn tất cả quý vị và các bạn.
GS. Trần Văn Thọ
* Bài đã đăng trên trang điện tử báo nguoidothi.net.