Hiệp Khách Quậy Nhân dịp tham dự một hội nghị vật lí hạt ở Việt Nam, tôi có nói chuyện với một số nhà vật lí có nền tảng học vấn đa dạng và ở các vị thế khác nhau trong sự nghiệp của họ. Một số người trong số họ là giám đốc các học viện vật lí lớn, một số khác là chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực của họ, và một số... Xin mời đọc tiếp.
–Michael Schirber (Biên tập viên APS Physics)
Nhân dịp tham dự một hội nghị vật lí hạt ở Việt Nam, tôi có nói chuyện với một số nhà vật lí có nền tảng học vấn đa dạng và ở các vị thế khác nhau trong sự nghiệp của họ. Một số người trong số họ là giám đốc các học viện vật lí lớn, một số khác là chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực của họ, và một số khác là nghiên cứu sinh đang hoạch định tương lai của họ. Nhiều người nghiên cứu hoặc làm việc ở nước ngoài, và một số hiện nay đang làm ở các viện nghiên cứu ngoại quốc. Họ đều nói về những trải nghiệm của họ ở Việt Nam và những điều gì khiến đất nước này khác biệt.
Các nhà vật lí được phỏng vấn là Lê Đức Ninh, nhà vật lí hạt tại Viện Nghiên cứu Liên ngành Khoa học và Công nghệ (IFIRSE) ở Quy Nhơn; Nguyễn Văn Hiệu, cựu giám đốc Viện Vật lí (IOP) và là nhân vật hàng đầu trong sự phát triển khoa học của Việt Nam; Nguyễn Hồng Quang, nhà nghiên cứu IOP lâu năm và là tổng thư kí Hội Vật lí Việt Nam; Ngạc An Bang, trưởng khoa vật lí tại Đại học Quốc gia Việt Nam (VNU) ở Hà Nội; Mai Hồng Hạnh, giảng viên tại VNU ở Hà Nội; Vi Hồ Phong, nghiên cứu sinh tại VNU và Chương trình Hợp tác Quốc tế tại Viện RIKEN ở Nhật Bản; Phan Mạnh Hưởng, giáo sư vật lí tại Đại học South Florida; Nguyễn Hồng Nhung, nghiên cứu sinh tại Đại học Maryland.
Bắt đầu từ hàng trên, từ trái sang: Lê Đức Ninh, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Hồng Quang, Ngạc An Bang, Mai Hồng Hạnh, Vi Hồ Phong, Phan Mạnh Hưởng, Nguyễn Hồng Nhung.
Những khía cạnh lịch sử hay văn hóa nào đã định hình vật lí học ở Việt Nam?
“Sự gắn kết với Liên Xô cũ bám rễ rất sâu,” Lê Đức Ninh nói. “Tôi trở nên yêu thích vật lí khi đọc các quyển sách khoa học thường thức từ Nga được dịch sang tiếng Việt.” Nhiều nhà nghiên cứu thâm niên, như Nguyễn Văn Hiệu và Nguyễn Hồng Quang, từng học tập và nghiên cứu ở Liên Xô cũ hay Đông Âu. Đối với thế hệ trẻ hơn thì ngược lại, như Ngạc An Bang và Mai Hồng Hạnh, họ đều học ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Hoa Kì.
“Cái cách người Việt hướng về giáo dục và khoa học là bị tác động bởi Văn Miếu,” Nguyễn Hồng Quang nói. Được xây dựng ở Hà Nội vào thế kỉ thứ 11, bên trong Văn Miếu có một trường học kiểu Nho giáo, đây được xem là trường đại học quốc gia đầu tiên ở Việt Nam. “Mục tiêu của trường là dạy cho học sinh chữ Hán, để họ ra làm quan của triều đình,” ông nói. Văn Miếu ý biểu hiện rằng làm việc và học tập chăm chỉ có thể cải thiện hoàn cảnh của bạn, cho dù bạn xuất thân từ đâu. Vi Hồ Phong đồng ý kiến: “Có rất nhiều ví dụ ở đất nước chúng tôi về những con người nghèo khổ đã vươn lên bởi vì họ học giỏi ở trường.”
“Các nhà vật lí chúng tôi thảy đều đi làm bằng xe máy,” Ngạc An Bang nói. “Nhưng bởi tôi là trưởng khoa, nên xe của tôi to hơn xe của mọi người trong khoa,” ông đùa. Xe máy là phương tiện giao thông chính ở các thành phố Việt Nam. Nhiều du khách nước ngoài thấy kinh ngạc trước cách những người đi xe máy có thể luồn lách qua luồng xe cộ đông đúc mà vẫn bình an vô sự. Nguyễn Hồng Quang cho biết một số nhà khoa học còn thử lập mô phỏng việc lái xe máy như là một dạng hành vi tập thể, kiểu như cá bơi theo bầy.
Đâu là sức mạnh của môi trường vật lí ở Việt Nam?
“Một trong những sức mạnh chính của các nhà vật lí Việt Nam là tình yêu mà họ có hướng về nét đẹp của vật lí học – đặc biệt là vật lí lí thuyết,” Nguyễn Văn Hiệu nói. Ông tin rằng cộng đồng vật lí đã hưởng lợi từ các chương trình hợp tác quốc tế chặt chẽ và sự ủng hộ của chính phủ. “Chính phủ Việt Nam đã tập trung đầu tư tài chính vào một vài hướng nghiên cứu có thể đóng góp đáng kể cho sự phát triển công nghiệp của đất nước, nhất là vật lí chất rắn, quang học, và quang phổ học.”
Các trường đại học ở Việt Nam có các vị giáo sư nhiệt huyết và đem lại một môi trường học tập thân thiện, theo lời Phan Mạnh Hưởng, người đã tốt nghiệp VNU trước khi trở thành một chuyên gia vật liệu từ ở Hoa Kì. “Kiến thức và các kĩ năng mà tôi có được ở Việt Nam không những giúp tôi sẵn sàng cho các nghiên cứu cao cấp mà còn thúc đẩy tôi trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu của mình.”
Đâu là những thách thức đối với các nhà vật lí Việt Nam?
“Thách thức chính đối với sự phát triển vật lí ở Việt Nam là giá thành cao của trang thiết bị dành cho nghiên cứu vật lí,” Nguyễn Văn Hiệu nói.
“Ở Việt Nam, lương giáo sư không cao lắm,” Lê Đức Ninh lưu ý. Ông cho biết có rất nhiều bạn trẻ hứng thú hơn với thông tin học và các kiểu nghiên cứu thân thiện với công nghiệp hơn. “Anh vẫn phải sống mà. Anh phải quyết định xem anh muốn thỏa hiệp bao nhiêu cho khoa học.”
“Tôi học công nghệ nano và quang học phi tuyến tại Đại học Kassel ở Đức, và ở KU Leuven ở Bỉ, nhưng khi tôi trở về Việt Nam, hầu như không thể nào cho tôi tiếp tục nghiên cứu chuyên ngành của mình,” Mai Hồng Hạnh nói. Khoa làm việc tại trường đại học của cô mạnh về khoa học vật liệu, vì thế cô đã điều chỉnh các kĩ năng của nhà thực nghiệm của mình tập trung cho vật liệu nhiều hơn. “Chúng tôi phải thỏa hiệp và tận dụng các tài nguyên sẵn có. Chúng tôi còn phải nghĩ xem cái gì là tốt cho sự phát triển của đất nước chúng tôi. Khoa học vật liệu có các kết nối quan trọng với công nghiệp, tự động hóa, và sinh học.”
Vì sao anh chị ra nước ngoài học tập hoặc làm việc?
“Tôi muốn làm nghiên cứu về vật lí thực nghiệm và nhận thấy Việt Nam không có nhiều quỹ tài trợ hay tiếng tốt cho nghiên cứu vật lí,” Nguyễn Hồng Nhung cho biết. “Nhiều bậc tiền bối mà tôi từng nói chuyện khuyên tôi ra nước ngoài để có nền giáo dục tốt hơn và các cơ hội nghiên cứu nữa. Một trường đại học danh tiếng ở nước ngoài đem lại nhiều kinh nghiệm nghiên cứu mũi nhọn và công nghệ hơn so với ở Việt Nam.”
“Lúc làm nghiên cứu ở Việt Nam, tôi nhận thấy tình trạng thiếu hụt phương tiện và trang thiết bị chuyên dụng, cũng như những hạn chế trong việc trao đổi thông tin khoa học và hợp tác giữa người Việt và các nhóm nghiên cứu quốc tế danh tiếng,” Phan Mạnh Hưởng giải thích. “Thật lòng tôi tin rằng nếu tôi có cơ hội học tập ở nước ngoài và làm việc ở các viện nghiên cứu cao cấp, hẳn tôi sẽ học hỏi để trở thành một nhà vật lí được quốc tế công nhận để có thể giúp lập cầu nối Việt Nam với các nước khác thông qua các chương trình trao đổi sinh viên và các dự án nghiên cứu hợp tác.”
Tương lai nào cho vật lí học ở Việt Nam?
“Tôi hi vọng mọi thứ sẽ thay đổi tốt hơn,” Vi Hồ Phong nói. Ông và các học trò ưu tú của ông nhìn thấy những dấu hiệu lạc quan trong sự bùng nổ công nghệ đang diễn ra ở Việt Nam. Đất nước này là quê hương cho nhiều công ty start-up, và các trung tâm công nghiệp đã và đang được xây dựng ở ngoại thành Hà Nội và các thành phố khác. “Nếu kinh tế khởi sắc, có lẽ sẽ có nhiều tập trung hơn về khoa học cơ bản,” Vi Hồ Phong nói.
“Nghiên cứu vật lí có lợi nhất cho Việt Nam là nghiên cứu ứng dụng, ví dụ như vật lí vật chất ngưng tụ hoặc sinh lí học,” phát biểu của Nguyễn Hồng Nhung. “Nhưng tôi thấy các cộng đồng nhà vật lí Việt Nam đang lớn mạnh ở nước ngoài đang nghiên cứu đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực. Tôi tin rằng trong 50 năm nữa họ sẽ trở thành nòng cốt của một xã hội nghiên cứu sôi nổi ở Việt Nam.”
“Là một nhà vật lí ở nước ngoài đang hợp tác chặt chẽ với các nhà vật lí Việt Nam, tôi cảm thấy rất vui khi chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng của cộng đồng vật lí người Việt, cả về quy mô và chất lượng, trong thập niên vừa qua,” Phan Mạnh Hưởng nói. Ông tin rằng các mối quan hệ làm việc khắng khít giữa các nhà nghiên cứu quê nhà và ở nước ngoài “có tác động rất lớn đối với sự lớn mạnh và danh tiếng của cộng đồng vật lí người Việt.”
–Michael Schirber (APS Physics)
Bản dịch của Thuvienvatly.com