Hiệp Khách Quậy Nhà vật lí giành giải Nobel Carl Wieman vừa nhận một nhiệm vụ mới với chính quyền Obama sau khi được thượng viện Hoa Kì thông qua chức vụ phó giám đốc khoa học tại Phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng (OSTP) Xin mời đọc tiếp.
Nhà vật lí đạt giải Nobel, Carl Wieman. (Ảnh: Đại học Colorado)
Nhà vật lí giành giải Nobel Carl Wieman vừa nhận một nhiệm vụ mới với chính quyền Obama sau khi được thượng viện Hoa Kì thông qua chức vụ phó giám đốc khoa học tại Phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng (OSTP). Wieman, năm nay 59 tuổi, sẽ kề vai sát cánh cùng nhà vật lí giám đốc OSTP John Holdren, người đã tham gia Nhà Trắng từ năm 2009, xuất thân từ Đại học Harvard. Wieman là người đạt giải Nobel vật lí thứ hai được ông Barack Obama bổ nhiệm – người thứ nhất là thư kí Bộ Năng lượng Steven Chu.
Vai trò của OSTP là cố vấn cho chính phủ Mĩ về các tác động của khoa học và công nghệ đối với các sự vụ quốc nội và quốc tế. Wieman, người đã nhận giải Nobel vật lí năm 2001 cùng với Wolfgang Ketterle và Eric Cornell cho công trình của ông về quang học nguyên tử, lãnh đạo ban khoa học của OSTP. Ban này gồm tám thành viên, đa phần trong số họ là các nhà phân tích chính sách khoa học.
Wieman được phép rời trường Đại học British Columbia (UBC) trước thời hạn, nơi ông là giám đốc của Ban Sáng kiến Giáo dục Khoa học Carl Wieman (CWSEI). Nhà vật lí 59 tuổi này đã thành lập CWSEI vào năm 2007 nhằm cải cách phương pháp giảng dạy khoa học tại UBC và các trường đại học khác. Wieman nghĩ rằng một sự đại tu triệt để là thiết yếu vì hầu như toàn bộ dữ liệu từ nghiên cứu về khoa học giáo dục cho thấy sinh viên tham gia các khóa học kiểu truyền thống lĩnh hội được rất ít kiến thức mới.
Kiểm tra phương pháp giáo dục vật lí
CWSEI là cơ sở kiểm tra cho quan điểm của Wieman rằng việc giảng dạy vật lí phải trở nên “khoa học” hơn. Ông tin rằng các lí thuyết nói về phương pháp sinh viên học tập và cái có thể mang lại thành quả cao nhất ở họ phải xây dựng trên các phép đo định lượng thích hợp. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Physics World hồi tháng 1 năm 2007, Wieman cảnh báo rằng “nếu sinh viên cứ đi đến lớp và ngồi ở đó nhìn giảng viên ghi hết phương trình này đến phương trình khác lên bảng đen, thì chúng ta biết rằng họ đang rời xa khoa học thực tiễn, tôi nghĩ đây thật sự là thứ buồn tẻ”. Nhưng, ông bổ sung thêm, người ta có thể thu được một kết quả khác qua cách giảng dạy hợp lí đòi hỏi sinh viên “giải thích qua các ý tưởng và bảo vệ cho quan điểm của họ”.
Wieman còn duy trì một phòng nghiên cứu tại trường Đại học Colorado, nơi vào năm 1995, ông và Cornell đã vỗ về một chất khí gồm các nguyên tử rubidium cực lạnh thành một ngưng tụ Bose–Einstein, một trạng thái của vật chất trong đó tất cả các nguyên tử cùng rơi vào một trạng thái lượng tử cơ bản như nhau. Bước đột phá này đã khích lệ nghiên cứu của hàng tá nhóm khoa học khác trên khắp thế giới, và có thể có các ứng dụng trong vật lí học, từ sự siêu dẫn cho tới các máy tính lượng tử.
Nguồn: physicsworld.com