Các nhà nghiên cứu EHT giành Giải thưởng Đột phá Vật lí Cơ bản 2020

Hiệp Khách Quậy Giải thưởng Đột phá 2020 về Vật lí Cơ bản vừa được trao cho các thành viên thuộc nhóm hợp tác Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (EHT) với thành tích thu được “hình ảnh đầu tiên về một siêu lỗ đen, được thực hiện qua phương tiện gồm mạng lưới các kính thiên văn cỡ bằng Trái Đất”. Giải thưởng trị giá 3... Xin mời đọc tiếp.

Giải thưởng Đột phá 2020 về Vật lí Cơ bản vừa được trao cho các thành viên thuộc nhóm hợp tác Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (EHT) với thành tích thu được “hình ảnh đầu tiên về một siêu lỗ đen, được thực hiện qua phương tiện gồm mạng lưới các kính thiên văn cỡ bằng Trái Đất”. Giải thưởng trị giá 3 triệu đô sẽ được chia đều cho cả thảy 347 tác giả của sáu bài báo công bố hình ảnh ấy vào ngày 10 tháng Tư 2019.

Hình ảnh ấy là một cận cảnh của vùng xung quanh siêu lỗ đen nằm tại tâm thiên hà Messier 87, ở cách chúng ta khoảng 55 triệu năm ánh sáng. Mặc dù các lỗ đen vốn dĩ vô hình, song đội EHT đã thu được hình ảnh ở gần nơi vật chất và năng lượng không còn thoát ra được nữa – cái gọi là chân trời sự kiện của lỗ đen.

Nét nổi bật chính của bức ảnh là một cấu trúc dạng vòng của bức xạ phát ra từ đĩa bồi tụ của vật thể. Vùng tối tại tâm đĩa phù hợp với các kì vọng cho cái bóng của một lỗ đen Kerr – một lỗ đen không tích điện và quay xung quanh một trục ở giữa – theo dự đoán của thuyết tương đối rộng của Einstein.

Giải thưởng sẽ được trao đại diện cho giám đốc Shep Doeleman của nhóm hợp tác tại một buổi lễ sẽ diễn ra vào ngày 3 tháng Mười Một tại Trung tâm Nghiên cứu Ames thuộc NASA ở California.

Hình ảnh siêu lỗ đen tại tâm thiên hà Messier 87

Hình ảnh siêu lỗ đen tại tâm thiên hà Messier 87. Ảnh: Akiyama

Ba giải Những Chân trời Mới 2020 của nhóm Giải thưởng Vật lí – mỗi giải trị giá 100.000 đô – cũng đã được công bố. Xie Chen thuộc Viện Công nghệ California, Lukasz Fidkowski thuộc Đại học Washington, Michael Levin thuộc Đại học Chicago và Max Metlitski thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cùng chia sẻ một giải “cho những đóng góp sắc sảo để tìm hiểu các trạng thái tô pô của vật chất và các mối liên hệ giữa chúng.”

Giải thứ hai trao cho Jo Dunkley thuộc Đại học Princeton, Samaya Nissanke thuộc Đại học Amsterdam, và Kendrick Smith thuộc Viện Perimeter “cho việc phát triển các kĩ thuật mới lạ để trích xuất vật lí cơ bản từ dữ liệu thiên văn học”. Giải thưởng thứ ba thuộc về Simon Caron-Huot thuộc Đại học McGill và Pedro Vieira thuộc Viện Perimeter và Viện Nghiên cứu Cơ bản Nam Mĩ “cho công trình về hình học đại số số học bao gồm các áp dụng cho lí thuyết biến Shimura và bài toán Riemann-Hilbert cho các biến p-adic”.

Các giải thưởng Đột phá được thành lập vào năm 2012 bởi nhà vật lí tỉ phú Yuri Milner và được trao thường niên.

Nguồn: physicsworld.com

Mời đọc thêm