ĐỂ LÝ 2010 TUYỆT ĐỐI KHÔNG CÓ "SẠN"?

Hiệp Khách Quậy Có thể nói đây là lần đầu tiên trong các kì tuyển sinh đại học và cao đẳng, đề Vật lí được nhiều giáo viên, chuyên gia và học sinh quan tâm nhiều đến thế. Có lẽ đây là lần đầu tiên, tổ làm đề Vật lí được ăn ngon ngủ yên. Sự làm việc có trách nhiệm cao của tổ làm đề năm nay theo đánh giá chung của nhiều... Xin mời đọc tiếp.

Phẫu thuật đề lý - Chu Văn BiênTrong thời kì hội nhập với thế giới, đề thi không thể quá thấp so với mặt bằng chung của các nước tiên tiến. Có như vậy, các sinh viên trong tương lai mới có cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Đề thi quá dễ sẽ dẫn đến hậu quả dạy ít và học ít trong các trường phổ thông. Nền công nghiệp nước ta rất thấp so với các nước tiên tiến trên thế giới, nếu không nỗ lực học tập thì khoảng cách đó “mỗi ngày một cách xa

Có thể nói đây là lần đầu tiên trong các kì tuyển sinh đại học và cao đẳng, đề Vật lí được nhiều giáo viên, chuyên gia và học sinh quan tâm nhiều đến thế. Có lẽ đây là lần đầu tiên, tổ làm đề Vật lí được ăn ngon ngủ yên. Sự làm việc có trách nhiệm cao của tổ làm đề năm nay theo đánh giá chung của nhiều giáo viên, chuyên gia là có nhiều sáng tạo và thành công hơn so với các kì thi trước. Chẳng hạn, có lẽ đây là lần đầu tiên các đáp án đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhiều câu không chính xác hoặc dính bẫy. Đến “thầy” cũng dính bẫy đã phần nào cho thấy chất lượng của một đề thi trắc nghiệm tầm cỡ quốc gia. Nhưng có lẽ thành công lớn nhất dễ thấy là qua kết quả làm bài học sinh biết điều chỉnh cách học, giáo viên biết điều chỉnh cách dạy và các chuyên gia xây dựng chương trình vật lí của Bộ có cách nhìn sát thực hơn đối với hoạt động dạy và học vật lí ở phổ thông.

 Trong bài viết này, tôi tổng hợp các ý kiến của các giáo viên, chuyên gia, phụ huynh và thí sinh trên các diễn đàn, đồng thời phân tích và bình luận các ý kiến đó nhằm giúp cho học sinh có cái nhìn đúng.

 1) Đề thi tuyển sinh khác với đề thi tốt nghiệp.

Kì thi tốt nghiệp và kì thi tuyển sinh là hai kì thi có mục đích hoàn toàn khác nhau. Thi tốt nghiệp nhằm mục đích kiểm tra xem thí sinh có đạt được các yêu cầu tối thiểu đã đề ra hay không. Vì vậy đề thi tốt nghiệp ra theo “chuẩn tối thiểu”. Còn thi tuyển là nhằm chọn ra những người giỏi hơn những người khác về một mặt nào đó, nhằm một mục đích nào đó. Số người dự thi dù nhiều dù ít, nhưng số người sẽ được chọn thì đã được ấn định. Vì vậy, đề thi tuyển sinh đại học cao đẳng yêu cầu tiên quyết là có tính phân hóa phân loại học sinh nên không thể ra theo “chuẩn tối thiểu”.

Có ý kiến cho rằng, với đề thi “hay” thì học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn sẽ “hơn thiệt” so với học sinh thành phố. Điều này là không đúng bởi vì các học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn đã được cộng điểm rồi!

Vậy đề ra theo mức nào là hợp lí? Trong thời kì hội nhập với thế giới, đề thi không thể quá thấp so với mặt bằng chung của các nước tiên tiến. Có như vậy, các sinh viên trong tương lai mới có cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Đề thi quá dễ sẽ dẫn đến hậu quả dạy ít và học ít trong các trường phổ thông. Nền công nghiệp nước ta rất thấp so với các nước tiên tiến trên thế giới, nếu không nỗ lực học tập thì khoảng cách đó “mỗi ngày một cách xa”.

2) Đề thi nằm trong chương trình phổ thông hiện hành chủ yếu là lớp 12.

BGD&ĐT đã thông báo từ trước: “Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12”. Nếu phân tích kĩ ta nhận thấy, đề ra theo chương trình THPT năm 2010 chứ không phải ra trong SGK 2010 và đề ra chủ yếu là chương trình lớp 12 chứ không phải hoàn toàn ở trong chương trình lớp 12.

Theo thói quen cũ thí sinh thường hiểu nhầm các cụm từ “học gì thi nấy”, “đề thi ra theo chương trình THPT hiện hành” và “đề thi chủ yếu là ở chương trình lớp 12”. Thí sinh hiểu nhầm cụm từ “học gì thi nấy” có nghĩa là đề thi lấy từ các bài tập trong SGK và SBT nên chỉ cố gắng “nhồi nhét” một cách “máy móc” các bài toán trong các tài liệu đó. Đề thi trắc nghiệm có khả năng bao quát rộng thậm chí “đào sâu” kiến thức vật lí thuộc chương trình THPT hiện hành.

Một số học sinh vì chỉ đọc sách giáo khoa VL 12 mà không đọc kĩ VL10 và VL 11 nên “ngộ nhận” cho rằng một số câu không nằm trong cấu trúc đề thi!

3) Tại sao đề thi dài và không có hình vẽ?

Trong điều kiện cơ sở vật chất hạn chế ở nước ta, để tránh tình trạng các thí sinh ngồi gần nhau “quay cóp”, đề thi vật lí không được có hình vẽ. Tất cả các hình vẽ phải diễn đạt bằng lời để thí sinh có thể hình dung được. Hơn nữa, đề thi trắc nghiệm yêu cầu phải chặt chẽ nên phải giải thích để thí sinh hiểu đúng và dĩ nhiên đề sẽ dài. Nếu chú ý đề thi trắc nghiệm của các nước khác có câu còn dài hơn đề của ta!

4) Tại sao một số giáo viên cho rằng trong đề thi có một số câu quá khó?

Theo tôi, trong đề chỉ có khoảng ba câu có thể xem là khó, nhưng lời giải rất ngắn gọn. Sở dĩ học sinh “kêu” quá khó, quá dài làm mất nhiều thời gian là vì những học sinh đó giải theo “phương pháp tự luận”. Ngay cả bài toán dễ nếu không đúng phương pháp thì lời giải cũng rất dài! Cần lưu ý rằng, những bài toán khó được tổ làm đề nghiên cứu rất kĩ và dĩ nhiên nó sẽ có lời giải rất “độc” rất ngắn gọn!

Qua đề thi năm nay sẽ góp phần thúc đẩy quá trình dạy và học vật lí theo hướng tích cực. Và có lẽ học sinh sẽ hiểu được đề thi không phải là những bài đã có sẵn trong các tài liệu hiện hành mà cái chính là “bản chất vật lí” nằm ẩn sau bài toán đó.

Tại sao đề thi những năm trước dễ mà năm nay khó? Có lẽ những năm trước Bộ có ý định nhập hai kì thi nên phải mềm hóa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhiều giáo viên phát hiện thấy trình độ vật lí của các sinh viên rất yếu. Qua tìm hiểu thì nhiều sinh viên cho biết khi học phổ thông các em vật lí rất ít và chỉ làm những bài dễ quen thuộc không quan tâm đến các bài khó có nhiều ý nghĩa vật lí. Có lẽ đó các lí do trả lời cho câu hỏi trên?

 Một số giáo viên không đọc kĩ, hiểu kĩ thông báo của Bộ hoặc chưa nghiên cứu kĩ sách giáo khoa VL10, VL11 và VL12 nên cứ nghĩ đề ra không đúng Ban hoặc nằm ngoài chương trình. Nên lưu ý tất cả các thành viên trong tổ làm đề đều là những người có trình độ cao và rất am hiểu chương trình phổ thông, trong đó nhiều người đang trực tiếp giảng dạy phổ thông.

Mức độ khó hay dễ của đề thi được bàn bạc kĩ từ trước, được định hướng theo yêu cầu phát triển chung của đất nước và thế giới.

5) Đề thi năm nay đã thực sự “hoàn hảo” chưa?

Có thể nói đề thi năm nay rất khó tìm thấy lỗi có lẽ tổ làm đề đã làm việc rất nghiêm túc! Tuy nhiên nói không có lỗi nào thì cũng không đúng, chẳng hạn như câu 28 của mã đề 485, đề bài cho lò xo có độ cứng k = 1 N/m thì có vẻ không thực tế lắm (kéo 1 N làm lò xo dãn 1 m)! Hoặc câu 48 của mã đề 485, trong thông liên lạc nếu dùng sóng mang có tần số 800 kHz, tức bước sóng 375 m sẽ bị không khí hấp thụ làm sao có thể truyền đi xa được! Hoặc câu 50 của mã đề 485 nên viết đơn vị của năng lương liên kết riêng là MeV/nuclon.

Tuy nhiên không thể phủ nhận đề thi năm nay rất chất lượng và chắc chắn có tác dụng tích cực đến quá trình dạy và học vật lí ở phổ thông trong những năm sắp tới.

Độc giả có thể tham khảo hướng dẫn giải chi tiết ở file “phẫu thuật đề lí” đăng trên thuvienvatly.com.

Chu Văn Biên - www.thuvienvatly.com




Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm