Hiệp Khách Quậy Cho đến nay, các trạm tại Đông Nam Á đặt tại Malaysia và Phillipines vẫn chưa phát hiện thấy hạt nhân phóng xạ. Theo hình ảnh mô phỏng đám mây phóng xạ cho vùng Đông Nam Á, đám mây phóng xạ hiện đang có một hướng di chuyển xuống phía tây nam đối với vị trí của nhà máy điện Fukushima 1, ngày 25 bao... Xin mời đọc tiếp.
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I |
THÔNG TIN TÌNH HÌNH SỰ CỐ NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN FUKUSHIMA- I NHẬT BẢN (từ ngày 22/3 đến khoảng 15h00 ngày 23/3/2011) |
(Nguồn tin: JAIF, NISA và IAEA)
-Tại Tổ máy số 1, nhiệt độ vùng hoạt lò phản ứng lên đến gần 400oC, (giới hạn thiết kế là 302oC), đã tăng cường phun nước làm mát vùng tâm lò và nhiệt độ đã bắt đầu giảm. Nhiệt độ và áp suất bên trong thùng lò áp lực của lò phản ứng đang dao động. Áp suất bên trong lớp bảo vệ bằng bê tông cốt thép đang tăng. Theo TEPCO và IAEA, việc tăng cường phun nước làm mát đã kéo theo sự gia tăng áp suất này;
-Khoảng 16:00 ngày 23/3 giờ Nhật Bản (14:00 giờ Việt Nam), việc chạy kiểm tra các bơm dùng để phun nước vào lò phản ứng của Tổ máy số 3 đã được tạm ngừng vì công nhân phải sơ tán do có khói đen bốc lên ở tổ máy này. Vì hiện tượng này nên việc phun nước vào Tổ máy số 3 của Sở Cứu hỏa Tokyo đã phải tạm hoãn. Tới 17:10 ngày 23/3 (15:10 giờ Hà Nội), văn phòng của TEPCO ở Fukushima thông báo khói đã tắt và bức xạđo được ở khu vực xung quanh nhà máy không có sự thay đổi. Từ 5:30 ngày 24/3 (3:30 giờ Việt Nam), công việc phun nước đã được tiếp tục trở lại. Trong thông báo lúc 16:00 ngày 24/3 giờ Nhật Bản (14:00 giờ Việt Nam), JAIF xác nhận lớp bảo vệ bằng bê tông cốt thép của Tổ máy số 3 không bị hư hại;
-Tính đến 7:00 ngày 24/3 giờ Nhật Bản (5:00 giờ Việt Nam), trực thăng của đài truyền hình NHK đã quan sát được khói, có thể là hơi nước, thoát ra từ tòa nhà lò của các tổ máy 1, 2, 3 và 4. Hiện tượng này xảy ra lần đầu tiên với Tổ máy số 1;
-Việc bơm nước biển vào vùng hoạt lò phản ứng của tổ máy số 1, 2 và 3 vẫn đang được tiến hành trong khi việc xả áp từ lớp bảo vệ bê tông cốt thép của các tổ máy này đang tiếp tục được tạm dừng;
-Đã khôi phục việc chiếu sáng cho hai tổ máy số 1 và 3.
(Nguồn: Trung tâm Ứng phó Tình trạng khẩn cấp và sự cố của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế ( IAEA/IEC) và website của IAEA)
a) Trong khu vực nhà máy
-Đã đo được liều bức xạ cao tại tòa nhà tuốc-bin của Tổ máy 2;
-Mức độ phóng xạđo được tại cổng chính nhà máy lúc 15:00 ngày 23/3 giờ Nhật Bản (13:00 giờ Việt Nam) là 265,4 μSv/h, lúc 6:00 ngày 24/3 (4:00 giờ Việt Nam) là 212,8 μSv/h, lúc 12:00 ngày 24/3 (10:00 giờ Việt Nam) là 209,4 μSv/h;
-Các chất phóng xạđã thoát ra ngoài như I-131 đang phân rã.
b) Bên ngoài nhà máy
Đã phát hiện thấy dấu hiệu của các nhân phóng xạ I-131, Cs-134, Cs-137 trong mẫu nước biển lấy từ khu vực biển có bán kính 16km kể từ nhà máy, trong đó I-131 vượt quá giới hạn cho phép, còn Cs-134 và Cs-137 nhỏ hơn giới hạn cho phép.
c) Về phóng xạ trong thực phẩm, sữa và nước uống
Theo thông cáo báo chí ngày 23/3 của Bộ Y tế Nhật Bản:
-Phân tích mẫu sữa tươi được lấy đến ngày 20/1 đã phát hiện mẫu sữa ở Fukushima có xuất hiện nhân phóng xạ I-131 (tối đa 5300 Bq/kg), Cs-134 (tối đa 210 Bq/kg), Cs-137 (tối đa 210 Bq/kg). Mẫu sữa từ Ibaraki (Mito và Kawauchi) cũng phát hiện nống độ I-131 lên tới 1700 Bq/kg (mức cho phép 300 Bq/kg).
- Phân tích mẫu rau xanh tại 4 tỉnh cho thấy đã xuất hiện nhân phóng xạ vượt quá giới hạn:
Địa điểm | I-131 max (Bq/kg) | Cs-137 max (Bq/kg) |
---|---|---|
Tochigi | 5700 | 790 |
Ibaraki | 54100 | 1931 |
Gunma | 2630 | 555 |
Chiba | 4300 | - |
Ngày 24/3, Chính quyền Tokyo thông báo vào ngày 23/3 đã phát hiện nồng độ I131 trong mẫu nước máy tại nhà máy Kanamachi là 210 Bq/l. Theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, giá trị an toàn cho trẻ sơ sinh là 100 Bq/l và người lớn là 300 Bq/l. Bộ Y tế Nhật Bản đã yêu cầu không sử dụng nước máy ở Tokyo cho trẻ em và chính quyền Tokyo đã tiến hành cung cấp nước đóng chai cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, mẫu nước máy lấy từ một số địa điểm ở Fukushima cũng vượt quá giới hạn cho người lớn (317-965 Bq/kg I-131) và ở Ibaraki (Tokaimura) vượt quá giới hạn cho trẻ sơ sinh (188,7 Bq/kg I-131).
Bộ Y tế Nhật Bản cũng được khuyến cáo cần kiểm tra độ phóng xạ của hải sản có xuất xứ từ những khu vực biển phát hiện thấy nhân phóng xạ I-ốt và Xê-di trong nước biển.
VÀO MÔI TRƯỜNG
a) Số liệu hạt nhân phóng xạ môi trường từ Trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
Số liệu hạt nhân phóng xạ môi trường:
Cho đến nay, các trạm tại Đông Nam Á đặt tại Malaysia và Phillipines vẫn chưa phát hiện thấy hạt nhân phóng xạ.
Theo hình ảnh mô phỏng đám mây phóng xạ cho vùng Đông Nam Á, đám mây phóng xạ hiện đang có một hướng di chuyển xuống phía tây nam đối với vị trí của nhà máy điện Fukushima 1, ngày 25 bao trùm lên phía nam quần đảo Phillipines. Theo dự đoán cho tới hết ngày 25 đám mây phóng xạ vẫn chưa đi qua lãnh thổ Việt Nam và nồng độ hạt nhân phóng xạ có xu thế giảm dần.
b) Kết quả phân tích hướng phát tán chất phóng xạ của Viện Nghiên cứu khí quyển Na Uy
Dự báo di chuyển đám mây phóng xạ đối với nhân phóng xạ I-131và Cs-137 từ ngày 23/3/2011 đến ngày 25/3/2011
4. SỐ LIỆU ĐO PHÓNG XẠ VÀ PHÔNG BỨC XẠ GAMMA TRONG KHÔNG KHÍ TẠI VIỆT NAM
a) Số liệu đo phóng xạ của Viện NLNTVN
Kết quả kiểm xạ môi trường tại Trạm quan trắc Đà Lạt (23 –24/3/2011)
TT | Khoảng thời gian | Hướng gió | Tốc độ gió (m/s) | Tổng hoạt độ bêta trong son | Suất liều gamma môi trường (μSv/h) | ||
---|---|---|---|---|---|---|---|
khí (Bq/m3) | Trung bình | Thấp nhất | Cao nhất | ||||
1 | 19 giờ (23/3/2011)– 1 giờ (24/3/2011) | Đông - Đông Bắc | 0 - 2 | 0,18 | 0,14 | 0,21 | |
2 | 1 – 7 giờ (24/3/2011) | Đông Bắc | 2 - 8 | 0,03±0,01 | 0,16 | 0,15 | 0,23 |
3 | 7 – 13 giờ | Đông - | 0 - 2 | 0,17 | 0,13 | 0,22 |
(24/3/2011) | Đông Bắc | ||||||
4 | 13 – 15 giờ (24/3/2011) | Đông - Đông Bắc | < 0,5 | 0,18 | 0,16 | 0,20 |
Chỉ tiêu | Giá trị quan trắc | Mức phông | Ghi chú |
---|---|---|---|
K-40 trong mẫu son khí (μBq/m3) | < 3 | 3 ÷ 50 | |
Be-7 trong mẫu son khí (μBq/m3) | 611 ± 125 | 400 ÷ 4400 | |
U-238 trong mẫu son khí (μBq/m3) | < 0,2 | 0,2 ÷ 7,5 | |
Th-232 trong mẫu son khí (μBq/m3) | < 0.35 | 0,35 ÷ 4,69 | |
Tổng hoạt độ bêta trong nước mưa (mBq/L) | 207±10 | 20 ÷ 300 | QCVN 08:2008, mức cho phép: 1000 mBq/L |
Trong bụi khí chỉ quan trắc thấy các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7, có nguồn gốc từ tia vũ trụ; K-40, Th-232 và U-238, có nguồn gốc từ bụi đất.
Kết quả kiểm xạ môi trường tại Trạm quan trắc mẫu sol khí KHKTHN, vị trí Hà Nội (24/3/2011)
Thông số/chỉ tiêu | Hà Nội | Mức phông |
---|---|---|
Thời gian thu góp mẫu | từ 21/3 đến 22/3 | |
Thể tích mẫu thu góp | 23000 m3 | |
Nhân phóng xạ phân hạch Cs-137, Cs-134, I-131 | Chưa phát hiện thấy | Ngưỡng phát hiện 10-6 Bq/m3 |
Suất liều gamma môi trường (μSv/h): Đo liên tục 24/24; 15 phút lấy số liệu 1 lần | 0,11-0,19 (TB:0,14) | |
K-40 trong mẫu son khí (μBq/m3) | 30,1±5,7 | 30- 91 |
Be-7 trong mẫu son khí (μBq/m3) | 450±11 | 500-3990 |
U-238 trong mẫu son khí (μBq/m3) | Chưa phát hiện thấy | 1,8-10 |
Th-232 trong mẫu son khí (μBq/m3) | 6,5±2,8 | 3,0- 6,6 |
b) Số liệu của Trung tâm ứng phó sự cố - Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tại Hà Nội
Ngày | Giá trị trung bình µSv/h | Giá trị lớn nhất µSv/h | Giá trị nhỏ nhất µSv/h |
---|---|---|---|
23/3/2011 | 0,158 | 0,168 | 0,141 |
24/3/2011 | 0,160 | 0,174 | 0,134 |
Sai số của phép đo là ±15% với độ tin cậy là 95%.
Biểu đồ quan trắc phông phóng xạ từ 12:00 ngày 23/3/2011 tới 12:00 ngày 24/3/2011
Từ số liệu đo được và sai số của giá trịđo, cho thấy chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 24/3/2011 so với ngày 23/3/2011.
5. KIỂM TRA NHIỄM BẨN PHÓNG XẠ CHO CÔNG DÂN VIỆT NAM TRỞ VỀ TỪ NHẬT BẢN
Ngày 24/3/2011, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã tiến hành đo khả năng nhiễm bẩn phóng xạ Cs-137 và I-131 của 2 công dân Việt Nam (1 lưu học sinh ở Saitama và 1 người sang dự hội thảo tại Ibaraki).
Kết quảđo không phát hiện thấy đồng vị phóng xạ I-131 và Cs-137 trong cơ thể của những người được kiểm tra.
* * *
Sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên diễn biến của sự cố vẫn còn phức tạp, khói trắng lại phát ra từ cả 4 tổ máy trong sáng ngày 24 tháng 3, đặc biệt Tổ máy số 1 lần đầu tiên xảy ra hiện tượng này.
Do nhiễm bẩn phóng xạ vào lương thực thực phẩm và nước máy mà Chính phủ Nhật Bản đã thông báo lệnh giới hạn vận chuyển cũng như tiêu thụ các loại thực phẩm có liên quan của 2 tỉnh Fukushima và Ibaraki, đồng thời khuyến cáo không cho trẻ em dưới 1 tuổi sử dụng nước máy ở Tokyo.
Việc phát tán phóng xạ không ghi nhận được ở Việt Nam trong ngày 24 tháng 3 theo số liệu quan trắc của các trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, các trạm quan trắc của Việt Nam đã được thông báo sẵn sàng để có thể cảnh báo sớm mức độ phóng xạ trong các đám mây khi chúng tới Việt Nam.
Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục theo dõi và cung cấp thông tin kịp thời.
Tổ công tác của Bộ KH&CN đã được thành lập bao gồm các nhà quản lý và chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn và bức xạ hạt nhân, Cục năng lượng nguyên tử nhằm cung cấp thông tin chính xác về tình hình sự cố của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I do ảnh hưởng của động đất và sóng thần.
Theo đó, Tổ công tác sẽ chịu trách nhiệm thu thập và xử lý thông tin từ nguồn tin của Nhật Bản, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, Hội hạt nhân thế giới và các đài truyền hình quốc tế. Thông tin sẽ được cung cấp cho các cơ quan truyền thông hàng ngày cho đến khi sự cố được xử lý xong ở Nhật Bản. |
Liên tục cập nhật
Thông tin từ Tia Sáng - Bộ KH&CN