Hiệp Khách Quậy Tạm biệt điện hạt nhân, chào đón những nguồn năng lượng có thể hồi phục. Nước Nhật đang chuẩn bị xây dựng cánh đồng năng lượng gió lớn nhất thế giới vào tháng 7 này. Xin mời đọc tiếp.
Tạm biệt điện hạt nhân, chào đón những nguồn năng lượng có thể hồi phục. Nước Nhật đang chuẩn bị xây dựng cánh đồng năng lượng gió lớn nhất thế giới vào tháng 7 này.
Kế hoạch là đến năm 2020 xây dựng xong tổng cộng 143 tuabin gió ở ngoài khơi cách bờ biển Fukushima 16 km. Fukushima là nơi gây đình đám hồi tháng 3 năm 2011 khi động đất và sóng thần tấn công làm hỏng lò phản ứng hạt nhân tại đây.
Cánh đồng gió Fukushima một khi hoàn tất sẽ có công suất phát 1 gigawatt (1 GW). Nó là một bộ phận của một kế hoạch quốc gia của Nhật nhằm tăng cường khai thác những những tài nguyên có thể hồi phục sau khi đóng cửa 54 lò phản ứng hạt nhân do hậu quả của sóng thần. Chỉ có hai lò trong số đó nay hoạt động trở lại.
Ngoài ra, quận Fukushima còn có kế hoạch xây dựng nhà máy điện mặt trời lớn nhất nước Nhật.
Mùa xuân đang đến với đất nước mặt trời mọc
Cánh đồng gió Fukushima sẽ qua mặt 504 MW công suất phát bởi 140 tuabin tại cánh đồng Greater Gabbard ở vùng bờ biển Suffolk, nước Anh – hiện nay là cánh đồng gió lớn nhất thế giới. Fukushima cũng sẽ qua mặt London Array ở Thames Estuary, nơi có 175 tuabin sẽ phát ra 630 MW công suất khi nó đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Giai đoạn đầu của dự án Fukushima sẽ là xây dựng một tuabin 2 MW, một trạm biến điện và hệ thống cáp dưới biển. Tuabin sẽ cao 200 m. Nếu thành công, những tuabin khác sẽ được triển khai tiếp tục vì ngân quỹ đầu tư đã sẵn sàng đâu vào đó.
Để khắc phục chi phí neo tuabin với đáy biển, chúng sẽ được xây dựng trên những bệ thép nổi được cân bằng bằng đá ballast và neo với thềm lục địa sâu 200 m. Theo quản lí dự án Takeshi Ishihara thuộc trường Đại học Tokyo thì hoạt động địa chấn trong vùng sẽ không có trở ngại gì với các tuabin. Đội nghiên cứu của ông đã tiến hành những mô phỏng trên máy tính và thử nghiệm trong bể nước xác nhận sự an toàn của hệ thống tuabin không chỉ trong sự kiện động đất và sóng thần mà cả trong những điều kiện thời tiết cực đoan khác, chẳng hạn như bão to.
Nguồn: New Scientist