Hiệp Khách Quậy Mời các bạn tham khảo quyển sách Lỗ đen, lỗ sâu và cỗ máy thời gian của tác giả Jim Al-Khalili, một quyển sách hay viết về đề tài du hành thời gian và cách khai thác lỗ sâu để làm cỗ máy thời gian (trên lí thuyết). Quyển sách được tác giả Jim Al-Khalili trình bày bằng một văn phong cuốn hút, dí dỏm. Xin mời đọc tiếp.
Mời các bạn tham khảo quyển sách "Lỗ đen, lỗ sâu và cỗ máy thời gian" của tác giả Jim Al-Khalili, một quyển sách hay viết về đề tài du hành thời gian và cách khai thác lỗ sâu để làm cỗ máy thời gian (trên lí thuyết). Quyển sách được tác giả Jim Al-Khalili trình bày bằng một văn phong cuốn hút, dí dỏm.
Khi một số đồng nghiệp của tôi lần đầu nhìn thấy tôi viết một quyển sách về lỗ sâu và cỗ máy thời gian – hãy nhớ rằng là những lỗ đen đáng kính – họ đã tạt một gáo nước lạnh lên dự án, khẳng định rằng nó không phải là vật lí đích thực, rằng tôi đang buôn bán mớ kiến thức đại chúng tầm thường. Đây là chất liệu thuộc nhóm X-Files và không có chỗ đứng trong nền khoa học nghiêm túc.
Đúng là tôi không cần tóm lấy những câu hỏi sâu sắc và nổi cộm như Vũ trụ đã xuất hiện như thế nào và tại sao để truyền đạt hứng thú của nền vật lí thế kỉ hai mươi. Nếu chúng ta nhìn kĩ lưỡng xung quanh mình, ta thấy toàn bộ thế giới chứa đầy nghi vấn. Tại sao tôi không viết về điều đó? Tại sao lại nêu những câu hỏi về cái có thể, hoặc không thể, diễn ra tại chính giữa của một lỗ đen khi mà tôi có thể hỏi những câu đơn giản như ‘Vì sao bầu trời có màu lam?’, ‘Vì sao nó không có màu xanh lục hay màu vàng?’. Thật không may, cái khiến tôi buồn không phải là đa số mọi người không biết câu trả lời cho câu hỏi này, mà có lẽ vì họ chẳng quan tâm. Dẫu sao, quyển sách này là sự chia sẻ niềm hứng thú cả đời của tôi với khái niệm thời gian.
Các nhà khoa học là một loài giống lạ. Không, tôi không có ý nói chúng tôi là những kẻ lập dị không giống ai trong xã hội, mà muốn nói chúng tôi vẫn giữ cái tính con trẻ ở niềm khao khát không bao giờ thỏa mãn muốn biết “tại sao”. Tôi thấy thật phi thường khi mà các nguyên tử cấu tạo nên cơ thể tôi đã được tạo ra ở bên trong một ngôi sao xa xôi nào đó hồi hàng tỉ năm về trước; rồi một ngôi sao phát nổ dưới dạng sao siêu mới, vương vãi mớ tro tàn của nó ra khắp vũ trụ. Một phần tro bụi này sau đó dần dần ngưng lại với nhau, nóng lên trở lại để sinh ra một ngôi sao mới, Mặt trời của chúng ta, và các hành tinh của nó. Nếu bạn không thấy sợ chút nào trước điều này, thì chúng ta là những người rất khác rồi. Nhưng, ôi chao, khoa học không thể làm xoay chuyển hết thảy mọi người chúng ta; còn có quá nhiều cái khác đang diễn ra, và cuộc sống thật là ngắn ngủi.
Tôi cho rằng những câu hỏi về ý nghĩa của thời gian, nó có trôi hay không, quá khứ và tương lai có đồng thời tồn tại với hiện tại hay không và một ngày nào đó chúng ta sẽ có thể đến thăm chúng hay không là những câu hỏi vượt quá sự hiếu kì khoa học. Theo một nghĩa nào đó, điều đó khiến quyển sách này thật dễ viết vì tôi chẳng phải vất vả thuyết phục bạn rằng vấn đề đang trình bày là có sức hấp dẫn.
Nói tới thời gian, có lẽ đã tới lúc tôi nên kết thúc tập sách này và dành chút thời gian quý báu lừ lừ trôi kia cho gia đình của mình. Nhưng tôi có thu được cái tôi sắp làm hay không đây? Sự du hành thời gian về quá khứ có lẽ không bao giờ là có thể, các lỗ sâu có lẽ không tồn tại trong Vũ trụ của chúng ta, và chẳng có cái gì ở “phía bên kia” của một lỗ đen cả. Nhưng tôi muốn giải thích rõ ràng với những người không làm khoa học một số khái niệm nổi cộm nhất của không gian và thời gian, và nếu chúng có thể hấp dẫn hơn và dễ được chấp nhận hơn qua việc trình bày về việc xây dựng một cỗ máy thời gian, vậy thì tại sao lại không chứ?
Tôi hi vọng quyển sách này vừa mang tính giải trí vừa cung cấp thông tin hữu ích. Tôi không hề bắt tay vào viết phần giới thiệu về thuyết tương đối, nhưng cái tôi đã mang đến cho bạn, tôi hi vọng thế, là một cái nhìn thoáng qua về nền vật lí hiện đại trông như thế nào và cơ hội sẻ chia cùng tôi niềm hứng khởi của việc suy ngẫm một số câu hỏi sâu sắc nhất về sự tồn tại. Tôi hi vọng bạn thích quyển sách này.