Hiệp Khách Quậy Vào năm 1907, ba nhà nghiên cứu độc lập nhau tìm thấy một nguyên tố đất hiếm khác ẩn náu bên trong ytterbia. Nhà hóa học Pháp Georges Urbain (1872–1938) đặt tên cho nó là ‘lutecium’, theo Lutetia, tên gọi Latin cho thành phố Paris quê hương ông; nhà khoa học Áo Carl Auer von Welsbach gọi nó là cassiopeium,... Xin mời đọc tiếp.
Lutetium
Vào năm 1907, ba nhà nghiên cứu độc lập nhau tìm thấy một nguyên tố đất hiếm khác ẩn náu bên trong ytterbia. Nhà hóa học Pháp Georges Urbain (1872–1938) đặt tên cho nó là ‘lutecium’, theo Lutetia, tên gọi Latin cho thành phố Paris quê hương ông; nhà khoa học Áo Carl Auer von Welsbach gọi nó là cassiopeium, theo tên chòm sao tương ứng. Mặc dù cuộc tranh cãi đã chính thức kết thúc hồi năm 1909, nhưng nhiều nhà khoa học Đức ái quốc vẫn thích dùng tên gọi của von Welsbach mãi cho đến thập niên 1950. (Nhà khoa học thứ ba – Charles James, người Anh, làm việc tại Đại học New Hampshire – không tham gia tranh cãi.)
Lutetium là kim loại đất hiếm cứng nhất, tỉ trọng lớn nhất, với điểm nóng chảy cao nhất. Nó được tìm thấy chủ yếu trong các trầm tích của khoáng chất phosphate minazite, nhưng khó khăn trong việc chiết xuất khiến nó vốn dĩ đắt đỏ và ít được sử dụng. Dẫu vậy, thỉnh thoảng nó được dùng làm chất xúc tác trong cracking dầu mỏ. Mặc dù các khoáng chất đất hiếm Lutetium được tìm thấy trên khắp địa cầu, nhưng Trung Quốc hiện nay là nước cung ứng hàng đầu.
Hafnium
Các dự đoán của Dmitri Mendeleev về các nguyên tố quá nặng và quá nhẹ thì không chính xác, nhưng tiên tri năm 1869 của ông về một nguyên tố tương tự, nặng hơn titanium và zirconium thì rất đúng. Nằm trên ranh giới giữa các nguyên tố chuyển tiếp và họ lanthanoid, thoạt đầu các nhà nghiên cứu không biết nên tìm kiếm nó ở đâu. Đến năm 1921, hai nhà khoa học Đan Mạch trẻ được Niels Bohr mách nước đã tìm kiếm trong quặng zirconium. Chẳng mấy chốc họ tìm thấy nó.
Giống zirconium, hafnium có khả năng chống nhiệt và chống ăn mòn ngoại hạng. Nhưng không giống các thành viên họ hàng của nó, hafnium hấp thụ mạnh neutron. Vì lí do này, nó được dùng trong các thanh điều tiết sự phân hạch trong lò phản ứng hạt nhân (và nó phải được loại khỏi zirconium trước khi kim loại đó được dùng trong lò phản ứng). Hiện nay, do khan hiếm nên hafnium ít được sử dụng, nhưng trong tương lai nó có thể giữ vai trò quan trọng trong một số siêu hợp kim: hafnium-tungsten carbide có điểm nóng chảy cao nhất trong số các hợp chất đã biết: 4.125ºC (7.457°F).
Bảng tuần hoàn hóa học tốc hành
Dan Green
Bản dịch của Thuvienvatly.com