Hiệp Khách Quậy Vào ngày 12 tháng 4 năm 1961, loài người đã trở thành giống loài chinh phục vũ trụ khi nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin bay lên quỹ đạo trên một chuyến bay tầm cao kéo dài 108 phút phía trên Trái đất. Xin mời đọc tiếp.
Vào ngày 12 tháng 4 năm 1961, loài người đã trở thành giống loài chinh phục vũ trụ khi nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin bay lên quỹ đạo trên một chuyến bay tầm cao kéo dài 108 phút phía trên Trái đất.
Vì thế Gagarin đã lập kỉ lục căn bản – người đầu tiên bay vào vũ trụ. Nhưng trong hơn 50 năm qua, người ta đã thiết lập nhiều kỉ lục khác khi giống loài của chúng ta mở rộng bước chân tiến vào không gian sâu thẳm và lạnh lẽo.
Dưới đây là một số dấu mốc quan trọng này, từ người lớn tuổi nhất bay vào vũ trụ cho đến người ở cách đất mẹ trong khoảng thời gian liên tục lâu nhất.
Nhà du hành vũ trụ NASA Ed White gọi đó là “thời khắc đau buồn nhất của đời tôi” khi Trung tâm Điều khiển Sứ mệnh ra lệnh cho ông trở lại bên trong phi thuyền vũ trụ Gemini 4 sau khi thực hiện chuyến đi bộ vũ trụ đầu tiên của người Mĩ vào hôm 3 tháng 6 năm 1965.
Người lớn tuổi nhất bay vào vũ trụ
John Glenn, người Mĩ, đã 77 tuổi khi ông bay cùng sứ mệnh STS-95 của tàu con thoi vũ trụ Discovery vào tháng 10 năm 1998. Sứ mệnh đó ghi dấu chuyến bay vũ trụ thứ hai của Glenn: ông đã trở thành người Mĩ đầu tiên bay lên quỹ đạo Trái đất vào tháng 2 năm 1962.
Vì thế Glenn còn giữ một kỉ lục khác nữa: khoảng thời gian lâu nhất giữa hai chuyến du hành vũ trụ (36 năm).
Người trẻ tuổi nhất bay vào vũ trụ
Nhà du hành vũ trụ Gherman Titov còn thiếu một tháng mới tròn 26 tuổi khi anh bay lên quỹ đạo trên phi thuyền vũ trụ Vostok 2 của Liên Xô vào tháng 8 năm 1961. Anh là người thứ hai bay vòng quanh Trái đất, thực hiện 17 vòng quỹ đạo xung quanh hành tinh chúng ta trong chuyến bay kéo dài 25 giờ.
Titov cũng là người đầu tiên ngủ trong vũ trụ, và theo báo cáo thì anh là người đầu tiên bị mắc “bệnh không gian vũ trụ” (bệnh do chuyển động trong vũ trụ).
Nhà du hành vũ trụ NASA Alan Shepard trở thành người Mĩ đầu tiên trong vũ trụ vào ngày 5 tháng 5 năm 1961 trên phi thuyền vũ trụ Mercury. Ảnh: NASA
Làm việc liên tục lâu ngày nhất trong vũ trụ
Nhà du hành vũ trụ người Nga Valery Polyakov đã trải qua gần 438 ngày liên tục trên trạm vũ trụ Mir, từ tháng 1 năm 1994 đến tháng 3 năm 1995. Do đó, ông giữ kỉ lục cho chuyến bay vũ trụ một người lâu ngày nhất – và có lẽ ông còn giữ một kỉ lục nữa cho đôi chân loạng choạng nhất khi cuối cùng ông trở về mặt đất.
Sứ mệnh vũ trụ ngắn nhất
Vào ngày 5 tháng 5 năm 1961, Alan Shepard đã trở thành người Mĩ đầu tiên bay vào vũ trụ. Ông còn lập một kỉ lục khác trên chuyến bay đó, kỉ lục vẫn giữ cho đến ngày nay: chuyến bay vũ trụ có con người ngắn nhất.
Chuyến bay nửa quỹ đạo của Shepard trên tên lửa Freedom 7 của NASA chỉ kéo dài 15 phút, mang ông lên tới độ cao 185 km (115 dặm). Ông đáp xuống Đại Tây Dương, cách địa điểm phóng ở Florida chỉ có 486 km (302 dặm).
Sau này, Shepard còn trải nghiệm một chuyến bay vũ trụ khác thú vị hơn. Vào năm 1971, ông đã đi lên mặt trăng trên sứ mệnh Apollo 14 của NASA. Trong chuyến bay đó, nhà du hành lúc ấy 47 tuổi đã lập một kỉ lục khác, trở thành người lớn tuổi nhất từng bước đi trên mặt đất của một thế giới khác.
Bay xa nhất
Kỉ lục bay xa Trái đất nhất được giữ nguyên trong hơn bốn thập niên qua. Vào tháng 4 năm 1970, phi hành đoàn thuộc sứ mệnh Apollo 13 của NASA đã bay chao sang phía bên kia mặt trăng ở độ cao 254 km (158 dặm), đưa họ đến xa Trái đất 400.171 km (248.655 dặm). Nó là khoảng cách xa nhất mà loài người từng đến tính từ hành tinh quê nhà của chúng ta.
Chỉ huy sứ mệnh Apollo 17 Eugene A. Cernan tiến hành kiểm tra nhanh Xe lưu động Mặt trăng trong giai đoạn đầu của hoạt động ngoài tàu Apollo 17 đầu tiên tại địa điểm tiếp đất Taurus-Littrow vào năm 1972. Ảnh: NASA
Tổng thời gian ở trong vũ trụ lâu nhất
Nhà du hành vũ trụ Sergei Krikalev giữ kỉ lục này, với hơn 803 ngày tính gộp trong sáu chuyến bay vũ trụ. Số ngày đó tương đương hơn 2 năm 2 tháng bay vòng quanh Trái đất ở tốc độ 28.164 km/h (17.500 dặm/h).
Đối với phụ nữ, kỉ lục được giữ bởi nhà du hành vũ trụ NASA Peggy Whitson, với hơn 376 ngày trong vũ trụ.
Krikalev giữ một danh hiệu khác nữa, ít chính thức hơn: công dân cuối cùng của Liên Xô trong vũ trụ. Nhà du hành này đã ở trên trạm vũ trụ Mir khi Liên Xô sụp đổ vào tháng 12 năm 1991. Khi Krikalev trở lại Trái đất vào tháng 3 năm 1992, ông trở thành công dân Nga chứ không phải công dân Liên Xô.
Phi thuyền vũ trụ có người ở liên tục lâu nhất
Kỉ lục này thuộc về Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), và nó đang tăng thêm mỗi ngày. Phòng thí nghiệm quỹ đạo trị giá 100 tỉ đô này đã có người ở liên tục kể từ ngày 2 tháng 11 năm 2000.
Khoảng thời gian này – cộng thêm hai ngày, kể từ khi phi hành đoàn đầu tiên của trạm rời bệ phóng hôm 31 tháng 10 năm 2000 – còn đánh dấu khoảng thời gian lâu nhất con người có mặt liên tục trong vũ trụ.
Sứ mệnh tàu con thoi vũ trụ dài ngày nhất
Tàu con thoi vũ trụ Columbia rời bệ phóng cho sứ mệnh STS-80 của nó hôm 19 tháng 11 năm 1996. Theo kế hoạch ban đầu thì nó trở lại Trái đất vào ngày 5 tháng 12, nhưng thời tiết xấu đã buộc người ta lùi thời gian hạ cánh thêm hai ngày. Khi cuối cùng tàu Columbia trở về mặt đất, nó đã trải qua gàn 17 ngày 16 giờ trong vũ trụ - một kỉ lục cho một sứ mệnh tàu con thoi.
Thời gian ở trên mặt trăng lâu nhất
Vào tháng 12 năm 1972, Harrison Schmidt và Eugene Cernan thuộc sứ mệnh Apollo 17 của NASA đã trải qua vừa vặn 75 giờ - hơn 3 ngày - săm soi trên mặt đất mặt trăng. Họ cũng đã tiến hành ba lần đi bộ trên mặt trăng kéo dài tổng cộng hơn 22 giờ.
Có lẽ các nhà du hành đã chần chừ vì họ nghi ngờ loài người sẽ không trở lại mặt trăng trong khoảng thời gian nữa – Apollo 17 đánh dấu lần cuối cùng con người đi lại trên mặt trăng, hay thậm chí là vượt ra khỏi quỹ đạo gần mặt đất.
Ảnh chụp Trạm Vũ trụ Quốc tế bởi một phi hành gia STS-133 trên tàu con thoi vũ trụ Discovery hôm 7 tháng 3 năm 2011. Ảnh: NASA
Chuyến bay vũ trụ có con người nhanh nhất
Phi hành đoàn thuộc sứ mệnh mặt trăng Apollo 10 của NASA đã đạt tới tốc độ kỉ lục 39.897 km/h (24.791 dặm/h) so với Trái đất khi họ lao về hành tinh của chúng ta hôm 26 tháng 5 năm 1969. Đó là tốc độ nhanh nhất mà loài người từng thực hiện trực tiếp.
Sứ mệnh Apollo 10 là đợt diễn tập cho chuyến tiếp đất mặt trăng đầu tiên của NASA diễn ra hai tháng sau đó, vào ngày 20 tháng 7 năm 1969.
Các nhà du hành vũ trụ tàu Apollo 10, Cernan, John Young và Tom Stafford đã bay vòng quanh mặt trăng trong module chỉ huy Charlie Brown và Module Mặt trăng Snoopy. Sau đó, Staffrod và Cernan cho thiết bị tiếp đất mặt trăng Snoopy hạ xuống độ cao 15.243 m (50.000 feet) trước khi trở lại neo đậu với module Charlie Brown.
Nhà du hành bay nhiều chuyến nhất
Kỉ lục này được chia sẻ bởi hai nhà du hành vũ trụ NASA.
Franklin Chang-Diaz và Jerry Ross đều có bảy lần bay trên tàu con thoi vũ trụ của NASA. Chang-Diaz bay từ năm 1986 đến 2002, còn Ross bay từ năm 1985 đến 2002.
Đi bộ ngoài vũ trụ nhiều lần nhất
Nhà du hành vũ trụ người Nga Anatoly Solovyev đã thực hiện 16 lượt đi bộ ngoài vũ trụ trong tổng cộng năm sứ mệnh hồi thập niên 1980 và 1990.
Solovyev đã có hơn 82 giờ ở bên ngoài phi thuyền vũ trụ của ông trong những đợt thám hiểm đó – một kỉ lục khác nữa.
Lượt đi bộ vũ trụ lâu nhất
Vào ngày 11 tháng 3 năm 2001, các nhà du hành vũ trụ NASA Jim Voss và Susan Helms đã có 8 giờ 56 phút ở bên ngoài tàu con thoi vũ trụ Discovery và Trạm Vũ trụ Quốc tế trong sứ mệnh STS-102, thực hiện một số công việc bảo dưỡng và chuẩn bị trạm cho một module khác sắp tới nơi.
Đây vẫn là kỉ lục đi bộ vũ trụ lâu nhất trong lịch sử.
Tập trung đông đúc nhất trong vũ trụ
Nghe có vẻ không may, nhưng kỉ lục cho việc tụ tập đông người nhất trong vũ trụ là 13 người – kỉ lục được lập trong sứ mệnh tàu con thoi STS-127 của NASA trên tàu Endeavour vào năm 2009.
Tháng 7 năm 2009, Endeavour neo đậu với Trạm Vũ trụ Quốc tế. Phi hành đoàn 7 người của tàu con thoi lúc ấy đã chuyển sang trạm vũ trụ, gia nhập cùng sáu nhà du hành ở đó. Bữa tiệc 13 người này là đợt tụ tập đông người cùng lúc nhất trong vũ trụ.
Kỉ lục 13 người cho đến nay vẫn chưa được phá.
Đông phụ nữ nhất trong vũ trụ
Kỉ lục này là bốn phụ nữ có mặt trên quỹ đạo cùng lúc.
Tháng 4 năm 2010, nhà du hành vũ trụ NASA Tracy Caldwell Dyson đã bay lên Trạm Vũ trụ Quốc trong phi thuyền vũ trụ Soyuz của Nga. Sau đó, bà gia nhập cùng các nhà du hành trên trạm, gồm các nhà du hành vũ trụ NASA Stephanie Wilson và Dorothy Metcalf-Lindenburger, và Naoko Yamazaki người Nhật, họ đã bay lên cùng tàu con thoi vũ trụ Discovery trên sứ mệnh STS-131.
Phi thuyền vũ trụ tốn kém nhất
Các quốc gia thành viên đã bắt đầu xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế (dài chừng bằng sân bóng đá và rộng cỡ một ngôi nhà 5 phòng ngủ) từ năm 1998. Trạm hoàn thành vào năm 2012, sau đó nó vẫn tiếp tục được mở rộng thêm.
Chi phí cho trạm vũ trụ ước tính khoảng 100 tỉ đô la vào năm 2011. Con số này khiến trạm vũ trụ là kiến trúc tốn kém nhất mà con người từng xây dựng. Chi phí sẽ tiếp tục tăng thêm do bổ sung thêm các module và kéo dài thời gian hoạt động cho trạm.
Phi thuyền vũ trụ lớn nhất từng chế tạo
Lại một lần nữa, Trạm Vũ trụ Quốc tế giữ kỉ lục.
Trạm vũ trụ là sản phẩm của năm cơ quan vũ trụ đại diện cho hơn 15 quốc gia. Tính theo bề dọc giàn chính kiểu cột sống, từ đầu này đến đầu kia trạm dài khoảng 109 m. Hai bên là những tấm pin mặt trời khổng lồ, và chúng có sải cánh 73 m.
Các nhà du hành sống bên trong một dãy các module liên kết gắn với giàn chính. Những module này là không gian ở được tương đương với cabin trong của một máy bay phản lực Boeing 747. Trạm vũ trụ hiện nay có 6 nhà du hành vũ trụ, nhưng dân cư của trạm biến thiên từ 9 đến 13 người khi có một tàu vũ trụ đến neo đậu – như tàu Soyuz của Nga hay tàu con thoi của NASA.
Trạm vũ trụ có kích cỡ lớn nên từ mặt đất người ta có thể nhìn thấy nó bằng mắt trần nếu trời trong mây đẹp và biết hướng nhìn. Trạm vũ trụ xuất hiện dưới dạng một vết sáng chuyển động nhanh có thể sáng hơn cả ngôi sao sáng nhất (Sirius) hay Kim tinh, tùy thuộc vào điều kiện quan sát.
Nguồn: Elizabeth Howell – Space.com