Hiệp Khách Quậy Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh,Phạm Văn Thiều Xin mời đọc tiếp.
TT - Sau 18 đầu sách, cuối tháng 3 này nhà vật lý Phạm Văn Thiều được trao tặng Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh về dịch thuật.
Dịch giả Phạm Văn Thiều (trái) tặng sách cho ĐH Vinh tại cuộc giao lưu hôm 23-2-2011 - Ảnh: V.C.L. |
Phạm Văn Thiều chuyên dịch mảng sách khoa học. Khoa học nhưng thuộc loại best-seller. Vì những vấn đề phức tạp nhất, tinh tế nhất và hiện đại nhất luôn được trình bày thông qua các câu chuyện với một bút pháp mang hơi thở văn học sâu đậm. Năm 2009, trong khuôn khổ cuộc thi Olympic quốc gia về vật lý tại Nghệ An, đã có một cuộc giao lưu sôi nổi và thú vị với các sinh viên Đại học Vinh.
Một câu hỏi dành cho dịch giả Phạm Văn Thiều: Đề nghị thầy cho biết chút bí quyết thầy đã học ngoại ngữ như thế nào để có thể dịch những cuốn sách vật lý hay như thế? Đến bây giờ, nhiều người còn nhớ câu trả lời ấn tượng đêm hôm đó: “Để dịch tốt, điều quan trọng nhất là phải giỏi tiếng Việt”. Tiếng Việt, văn Việt, hồn Việt. Đấy là bí quyết. Đấy là những gì đã được Phạm Văn Thiều nuôi dưỡng từ thời thơ ấu.
Hồn văn
"Tiếng Việt, văn Việt, hồn Việt. Đấy là bí quyết của Phạm Văn Thiều" VŨ CÔNG LẬP |
Năm 1964, Phạm Văn Thiều từ Nam Định ra Hà Nội học ngành vật lý. Ký túc xá dành cho sinh viên hai khoa toán, lý của Trường đại học Tổng hợp ngày ấy nằm ở bãi Phúc Xá, gần cầu Long Biên, phía ngoài đê sông Hồng. Những ngày hè, đi bên triền sông nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy, Thiều hay nhắc đến một bài thơ, không còn nhớ của ai nhưng đã được phổ nhạc: Sông Hồng ơi trôi mau/Đưa bè ta về bến/Bên dòng sông trôi đi/Đất nước reo thầm thì... Thiều cũng rất hay nhắc đến khái niệm phố huyện, với những cây bàng mùa đông trơ cành gầy guộc đã rụng hết lá, với vài ba quán nước ven đường. Và trong khung cảnh ấy lại hiện về những câu thơ trong bài Tỉnh nhỏ của Yến Lan: Tỉnh nhỏ/Đìu hiu/Mặt trời ngủ giữa chiều/Trở mình trên mái rạ... Sau này đi bộ đội, Thiều hay viết cho báo tường. Những vần thơ viết vội, chưa bao giờ in ở đâu nhưng đủ sức để bạn học bây giờ vẫn nhớ: Đêm hậu phương chẳng bao giờ yên giấc/Khi tiền phương tiếng súng nổ rì rầm/Như vạn ánh sao đêm hè thao thức/Lắng nghe từng tiếng vọng xa xăm...
Cái phố huyện mà Thiều hay nhắc đến với vẻ yêu thương da diết chính là thị trấn Cổ Lễ, Nam Định. Anh rất tự hào: “Quê tôi có chùa Cổ Lễ, một trong những ngôi chùa đẹp nhất nước. Ở đây có một quả chuông cao tới 2m, đúc trước ngày toàn quốc kháng chiến, không kịp treo đã phải thả xuống hồ. Mãi sau khi hòa bình lập lại (năm 1954) người ta mới vớt chuông lên, không có chỗ treo mới xây một cái bệ, để lên đó... Hằng năm chùa đều có hội, rất vui, thời tôi còn nhỏ rất thích xem bơi chải trong hội này. Đây cũng là dịp hiếm hoi để tôi được ra thị trấn Cổ Lễ mua sách”.
Thời cấp III, Thiều học Trường Lý Tự Trọng, lúc đầu ở thành phố Nam Định, sau về huyện Nam Trực. Nhà xa, Thiều phải trọ học. May thay nhà trọ nằm cạnh thư viện, và nhờ thế mà thời đi học Thiều “ngốn” khá nhiều sách. Từ hồi lớp 8, lớp 9 đã làm thơ, tập viết văn. Ấn tượng sâu đậm nhất là những buổi được dự nghe nói chuyện ở Ty Văn hóa, Thiều cứ ngồi há mồm như hớp lấy từng câu nói của nhà văn Chu Văn, người đứng đầu cả Ty Văn hóa lẫn làng văn nghệ Nam Định ngày ấy. Bây giờ nhớ lại, Thiều bảo: “Đấy là cái thời ban đầu, cái thời tập tọe...”. Chỉ có vài bài thơ được in ra, hầu như không để lại dấu vết, nhưng thói quen đọc, thói quen viết, cái gắn bó với trường, với phố, với chùa... thì mãi mãi còn lại, như là chút vốn, là tiền đề, là hành trang để sau này dịch sách và làm sách.
Nhưng trước hết Phạm Văn Thiều là một nhà vật lý. Sự kết hợp giữa vật lý và văn học nơi anh là một thành công hiếm hoi, do đó vừa độc đáo vừa vô cùng quý giá.
Phạm Văn Thiều tại tòa soạn Vật Lý & Tuổi Trẻ - Ảnh: V.C.L. |
Nền tảng vật lý
18 tác phẩm của Phạm Văn Thiều Ông sinh năm 1946 tại Nam Định. Các tác phẩm ông đã dịch gồm: * Lược sử thời gian (cùng Cao Chi), Giai điệu dây & bản giao hưởng vũ trụ, Nghệ thuật và vật lý. * Tủ sách Khoa học & khám phá: Thế giới lượng tử kỳ bí, Định lý cuối cùng của Fermat, Mật mã, 5 phương trình làm thay đổi thế giới, Phải chăng Thượng đế là nhà toán học, Niềm vui khám phá, Từ hiệu ứng con bướm đến lý thuyết hỗn độn, Cuộc chiến lỗ đen, Những cuộc phiêu lưu của Mr. Tompkins. * Tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận: Giai điệu bí ẩn, Hỗn độn và hài hòa, Nguồn gốc, Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Những con đường của ánh sáng, Trò chuyện với nhà vật lý Trịnh Xuân Thuận. |
Phạm Văn Thiều học vật lý, làm vật lý và sống vì vật lý đã 47 năm rồi.
Ngày Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields, chúng ta nhắc lại các lớp chuyên toán và nhớ tới một tờ báo là bạn đồng hành của nhiều học sinh giỏi toán: tờ Toán Học và Tuổi Trẻ. Dân vật lý có một nỗi thắc thỏm: tại sao toán có một tờ tạp chí sang trọng thế mà vật lý lại lẹt đẹt thế này? Ngày ấy, tờ báo tương đương bên vật lý là Vật Lý Phổ Thông, 16 trang, in đen trắng. Do chất lượng kém nên đã ngưng hoạt động bốn tháng, không có ai làm.
Yêu vật lý, say văn chương, báo chí, Thiều nhận làm, đổi tên thành Vật Lý & Tuổi Trẻ. Chuyển sang in màu. Và nói thật, do Thiều làm nên nhiều người giúp, vì tâm huyết và tài năng của Thiều tạo ra sức hút. Người cho máy tính, người tặng máy in, người ủng hộ ít tiền, rồi bạn bè hăng hái rủ nhau làm, chẳng có lương bổng gì cả. Vừa viết bài, vừa in báo, vừa phát hành, bán báo... Khó ai tưởng tượng được rằng đấy là cảnh làm báo ở thế kỷ 21. Thế mà thành công, ấn bản tăng dần, từ 1.500 tờ/tháng đến ổn định ở 8.000 tờ/tháng.
Báo không chỉ là báo. Quanh tờ Vật Lý & Tuổi Trẻ đã hình thành cả Câu lạc bộ Vật lý & tuổi trẻ, do các em học sinh và sinh viên (chủ yếu ở Trường đại học Khoa học tự nhiên và các trường chuyên lý) tổ chức và điều hành dưới sự bảo trợ của tạp chí Vật Lý & Tuổi Trẻ. Số thành viên CLB lên tới nhiều ngàn người trong phạm vi cả nước. Hằng năm tổ chức thi vật lý online cũng có cả ngàn học sinh tham dự. Phạm Văn Thiều giúp tổ chức một tủ sách để các em đến sao chụp chứ không phải mua. Có nhiều em ở xa đến sao chụp cả chục cuốn một lúc. Như em Thanh Huyền, từ Đồng Nai ra Hà Nội, cứ nhất định xin bố qua thăm Tủ sách Vật lý & tuổi trẻ, được các thầy vừa biếu sách vừa ký tặng đã òa khóc vì sung sướng, khiến các thầy, các bạn đều ứa nước mắt.
Về nghề nghiệp, Phạm Văn Thiều là một nhà vật lý lý thuyết, tu nghiệp tại Viện Vật lý hạt nhân thuộc Đại học Paris-Sud (Pháp) nổi tiếng. Từ năm 1993, anh là thư ký khoa học của tạp chí Communications in Physics, tờ báo tiếng Anh có uy tín nhất của nền vật lý Việt Nam. Đấy là chức danh thường trực, chịu trách nhiệm theo dõi cả về mặt nội dung lẫn phần trình bày tiếng Anh. Chính trên cương vị đó, Phạm Văn Thiều luôn đứng sát bên các sự kiện vật lý nóng bỏng, những công trình vật lý xuất sắc, mà nếu không có những điều ấy khó có thể thông tỏ để dịch thành công như anh đã thể hiện trong nhiều tác phẩm.
Tình yêu văn chương, ý thức thường xuyên trau dồi tiếng Việt, lại mê thích làm báo và đủ khả năng nắm bắt được những vấn đề lý thú nhất của toán - lý nói riêng và khoa học nói chung đã giúp Phạm Văn Thiều thành công trong sự nghiệp dịch thuật với nhóm tác phẩm độc đáo của mình.
Thành công
Cuốn đầu tiên Phạm Văn Thiều dịch là cuốn Lược sử thời gian của S.Hawking. Tác giả là một nhà vật lý lỗi lạc hàng đầu thế giới, một số phận kỳ lạ bậc nhất, vì ông bị tật nguyền phải ngồi xe lăn và chỉ có thể nói được nhờ một máy tính chuyên dụng.
Tác phẩm của ông là sự diễn tả những gì cao xa nhất của vật lý, từ lý thuyết tương đối đến cơ học lượng tử, rồi hấp dẫn lượng tử, bằng một ngôn ngữ trong sáng, giản dị, nhờ những hình minh họa đẹp tuyệt vời mà chỉ dùng duy nhất một công thức toán học cực đơn giản: E = mc2.
Cuốn sách này Phạm Văn Thiều dịch cùng Cao Chi, một nhà vật lý lý thuyết xuất sắc mà Thiều luôn coi là bậc thầy của mình. Cộng tất cả các yếu tố ấy lại, Lược sử thời gian là một cuốn sách khoa học ăn khách đúng như mong đợi ở Việt Nam và đến nay đã tái bản đến lần thứ năm. Hơn thế nữa, cuốn sách này khẳng định sự thắng lợi của một con đường.
Phạm Văn Thiều là đồng sáng lập và là cây dịch chủ yếu trong Tủ sách Khoa học & khám phá, một tủ sách nhằm đem lại cho bạn trẻ không chỉ kiến thức mà trước hết là lòng say mê đối với khoa học và việc đọc sách khoa học. Khoa học & khám phá như một sự kế tục tất yếu của Lược sử thời gian, cả về nội dung lẫn phong cách, nhưng mở rộng từ lý sang toán, sinh, y và cả công nghệ. Đến nay tủ sách này đã ấn hành 14 tác phẩm. Anh cũng tham gia nhiều công việc bên Nhà xuất bản Tri Thức, nơi một chương trình xuất bản dày đặc đã được định hình từ lâu và đem đến cho bạn đọc nhiều cuốn sách kinh điển quý giá.
Phạm Văn Thiều là dịch giả được ủy quyền chuyển ngữ tất cả các tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận ra tiếng Việt, một việc làm tạo nên cả lòng tin cậy lẫn sự quý mến giữa tác giả và dịch giả.
VŨ CÔNG LẬP
Theo Tuổi Trẻ