Hiệp Khách Quậy TVVL giới thiệu bài viết của giáo sư Nguyễn Xuân Xanh về tập sách Albert Einstein - Mặt Nhân Bản vừa phát hành ở Việt Nam, do giáo sư cùng cô Đỗ Thị Thu Trà dịch và chú giải. Xin mời đọc tiếp.
Thuvienvatly.com giới thiệu bài viết của giáo sư Nguyễn Xuân Xanh về tập sách Albert Einstein - Mặt Nhân Bản vừa phát hành ở Việt Nam, do giáo sư cùng cô Đỗ Thị Thu Trà dịch và chú giải.
Nhân dịp đầu xuân tôi xin gửi đến quý anh chị và các bạn quyển sách mới về Albert Einstein (AE). Quyển này chứa đựng trích dẫn của AE từ những lá thư của ông gửi đến nhiều đối tượng, hay từ những ghi chép của ông, về nhiều đề tài khác nhau, triết học, khoa học, chính trị, âm nhạc, nhân văn v.v… Trong những năm sống ở Princeton mỗi ngày ông nhận được một núi thư đủ loại. Việc sưu tầm và chọn lọc được cô thư ký riêng Helen Dukas và cộng tác viên vật lý Banesh Hoffmann của ông thực hiện. Đây cũng là hai tác giả từng có tác phẩm nổi tiếng “Albert Einstein: Người kiến tạo và Kẻ nổi loạn”, một trong những biography đầu tiên về ông.
Quyển sách Mặt Nhân Bản được xuất bản bằng tiếng Anh lần đầu tiên năm 1979 tại Mỹ, lúc kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Einstein. Chỉ trong vòng vài tuần các quầy sách ở Mỹ đã bán hết 10.000 bản.
Chúng tôi rất vui mừng được thấy quyển sách này ra mắt độc giả Việt Nam trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, do Đỗ Thị Thu Trà và tôi dịch và chú giải (Nxb Thành phố). Phần cuối quyển sách đăng lại bản gốc tiếng Đức của hầu hết những trích dẫn quan trọng có nguồn tiếng Đức để các độc giả quen thuộc ngôn ngữ này có thể thưởng thức văn phong của ông. AE có một văn phong tiếng Đức được công nhận là rất đặc sắc. Nhiều bài thơ của ông được chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Một trong chúng tôi (NXX) có viết thêm “Tiểu luận dẫn nhập” với tiêu đề “Einstein, Sự nổi tiếng, và Nước Mỹ”, nói lên tại sao Einstein nổi tiếng như thế, Einstein như một genius có ý nghĩa gì đối với nước Mỹ, và Nước Mỹ như vùng đất hứa có ý nghĩa gì đối với Einstein, và sự kết hợp của cả hai có ý nghĩa gì đối với sự phát triển khoa học của thế giới.
Nói như Werner Heisenberg, “Không gian trong đó một con người phát triển như một bản thể trí thức (geistiges Wesen) có nhiều chiều hơn không gian vật lý anh ta chiếm”, quyển sách này giúp hiểu thêm những “chiều khác” của Einstein.
Một trong những điều thú vị là Einstein đặt chân lên nước Mỹ đúng 100 năm sau Alexis de Tocqueville (bất diệt với tác phẩm Nền Dân trị Mỹ) và với trực giác chính trị nhạy bén, Einstein đã có những nhận xét sắc bén về nền dân chủ Mỹ giống như những nhận xét mà Tocqueville đã đưa ra 100 năm trước đó.
Mặt khác, cha đẻ tinh thần của “Viện nghiên cứu cao cấp Princeton”, nơi Einstein sẽ chuyển “Chiếc ghế Giáo Hoàng vật lý” về đó, biểu tượng của sự chuyển dịch trung tâm khoa học thế giới từ châu Âu sang châu Mỹ, là nhà giáo dục đại học Abraham Flexner. Ông đã lựa chọn tinh thần nào để làm hồn cho nó? Ông đã chọn tinh thần của Wilhelm von Humboldt để gửi gắm.
Einstein cũng chứng kiến sự kỳ thị chủng tộc tệ hại phát triển mạnh mẽ ở Mỹ những măm sau Thế chiến thứ hai, gần một trăm năm sau cuộc Nội chiến. Ông đã không ngần ngại nói lên tiếng nói chống đối của mình, cũng như có nhiều hàng động đoàn kết với những người da màu, làm cho ông được họ yêu thương. Đề tài Einstein và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chỉ mới được biết đến nhiều gần đây.
Ngoài ra có thêm hai lời bạt, một của nhà nghiên cứu AE Ze’ev Rosenkranz, Princeton,
một của tôi.
Một quyển sách không thể thiếu cho những ai muốn tìm hiểu hay ngưỡng mộ Einstein.
◊ Nguyễn Xuân Xanh
Xuân Đinh Dậu 2017