Hiệp Khách Quậy Quyển sách De Magnete của William Gilbert, xuất bản vào năm 1600, được xem là công trình vĩ đại đầu tiên về khoa học vật chất từng được sáng tạo ở Anh, và phần lớn nền khoa học châu Âu có cội nguồn của nó ở các lí thuyết ban đầu và niềm yêu thích thí nghiệm của Gilbert. Là thầy thuốc riêng cho Nữ hoàng... Xin mời đọc tiếp.
De Magnete
1600
William Gilbert (1544 – 1603)
Quyển sách De Magnete của William Gilbert, xuất bản vào năm 1600, được xem là công trình vĩ đại đầu tiên về khoa học vật chất từng được sáng tạo ở Anh, và phần lớn nền khoa học châu Âu có cội nguồn của nó ở các lí thuyết ban đầu và niềm yêu thích thí nghiệm của Gilbert. Là thầy thuốc riêng cho Nữ hoàng Elizabeth I, Gilbert là một trong những cha đẻ quan trọng của khoa học về điện và từ.
“Vào thế kỉ mười sáu”, tác giả và kĩ sư Joseph F. Keithley viết, “cảm xúc dâng tràn mãnh liệt là rằng kiến thức thuộc về địa hạt của Chúa, và do đó chúng sinh không nên tọc mạch làm chi. Các thí nghiệm bị xem là nguy hiểm đối với đời sống trí tuệ và luân lí… Tuy nhiên, Gilbert đã phá vỡ những lối nghĩ truyền thống và ông thấy khó chịu” với những ai không dùng thí nghiệm để khảo sát sự vận hành của thực tại.
Trong nghiên cứu của ông về từ trường địa cầu, Gilbert đã chế tạo một đá nam châm hình cầu, đường kính chừng một foot (0,3 mét), ông gọi nó là terrella (tiểu Trái Đất). Khi di chuyển một kim từ tính nhỏ trên một trụ đỡ xung quanh bề mặt terrella, ông chỉ ra rằng terrella có một Cực Bắc và một Cực Nam, và rằng các kim bị dốc xuống khi nó ở gần một cực, na ná như kim la bàn bị dốc xuống trên Trái Đất khi chúng tiến tới hai địa cực. Ông phỏng đoán rằng Trái Đất giống như một đá nam châm khổng lồ. Các con tàu Anh đã phụ thuộc vào la bàn từ, nhưng sự hoạt động của nó vẫn là một bí ẩn. Một số người nghĩ rằng sao Bắc Cực là nguyên nhân thật sự của lực hút từ của kim la bàn. Những người khác thì nghĩ rằng có một ngọn núi hay hòn đảo từ tính tại Bắc Cực, các con tàu tốt hơn là nên tránh đi vì các đinh sắt trên tàu buồm sẽ bị hút văng ra. Các nhà khoa học Jacqueline Reynolds và Charles Tanford viết, “Luận chứng của Gilbert là rằng Trái Đất chứ không phải trên trời mới là nơi giữ quyền năng chi phối lực từ và ảnh hưởng đến mọi suy nghĩ về thế giới vật chất.”
Gilbert lập luận đúng rằng tâm Trái Đất là sắt. Ông tin, không đúng, rằng các tinh thể thạch anh là một dạng rắn của nước – nó trông giống như băng bị nén. Gilbert qua đời vào năm 1603, khả năng cao nhất là do bệnh dịch hạch.
William Gilbert đề xuất rằng Trái Đất tạo ra từ trường riêng của nó. Ngày nay, chúng ta biết rằng từ quyển, biểu diễn ở đây là một cái bọt màu tím bao xung quanh Trái Đất, được hình thành khi các hạt tích điện từ mặt trời đến tương tác và bị lệch hướng bởi từ trường Trái Đất.
XEM THÊM. La bàn Olmec (1000 tCN), Máy phát tĩnh điện Von Guericke (1660), Định luật Ampère về Cảm ứng điện từ (1825), Gauss và Đơn cực từ (1835), Điện kế (1882), Định luật Từ học Curie, Thí nghiệm Stern-Gerlach (1922).
250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí | Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>