250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí (Phần 1)

Hiệp Khách Quậy Vào đầu thập niên 1930, linh mục và nhà vật lí người Bỉ Georges Lemaître đã đề xuất cái ngày nay gọi là lí thuyết Big Bang (Vụ Nổ Lớn), theo đó thì vũ trụ của chúng ta đã tiến hóa từ một trạng thái cực kì đậm đặc và nóng bỏng,... Xin mời đọc tiếp.

Từ Big Bang đến Phục hưng Lượng tử: 250 Mốc son Chói lọi trong Lịch sử Vật lí là một quyển sách hay của Clifford A. Pickover. Mời các bạn đón đọc từng phần bản dịch của quyển sách này tại Thuvienvatly.com.

Big Bang

13,7 tỉ năm tCN

Georges Lemaître (1894-1966), Edwin Hubble (1889-1953), Fred Hoyle (1915-2001)


Vào đầu thập niên 1930, linh mục và nhà vật lí người Bỉ Georges Lemaître đã đề xuất cái ngày nay gọi là lí thuyết Big Bang (Vụ Nổ Lớn), theo đó thì vũ trụ của chúng ta đã tiến hóa từ một trạng thái cực kì đậm đặc và nóng bỏng, và không gian đã giãn nở kể từ đó. Người ta tin rằng Big Bang đã xảy ra hồi 13,7 tỉ năm trước, và ngày nay đa số các thiên hà vẫn đang bay ra xa nhau. Điều quan trọng nên hiểu rằng các thiên hà không giống như các mảnh vỡ bay tứ tán từ một quả bom vừa nổ. Bản thân không gian đang giãn nở. Khoảng cách giữa các thiên hà đang tăng lên theo kiểu na ná như các chấm đen sơn trên bề mặt một quả bong bóng dịch chuyển ra xa nhau khi quả bong bóng được bơm căng lên. Nó không phụ thuộc vào bạn cư ngụ ở cái chấm nào để quan sát sự giãn nở này. Từ bất kì cái chấm nào nhìn ra ngoài, các chấm kia đều như đang lùi ra xa.

Các nhà thiên văn nghiên cứu các thiên hà ở xa có thể quan sát trực tiếp sự giãn nở này, nó vốn được phát hiện đầu tiên bởi nhà thiên văn Mĩ Edwin Hubble vào thập niên 1920. Fred Hoyle đã đặt ra cái tên Big Bang trong một buổi phát thanh năm 1949. Mãi khoảng 400.000 năm Big Bang thì vũ trụ mới đủ nguội để cho phép các proton và electron kết hợp thành hydrogen trung hòa. Big Bang tạo ra hạt nhân hellium và các nguyên tố nhẹ khác trong vài ba phút đầu tiên của quãng đời vũ trụ, cung cấp một số vật liệu thô cho thế hệ sao đầu tiên.

Sáng thế

Theo thần thoại sáng thế của người Phần Lan, bầu trời và Trái Đất đã vỡ ra từ một cái trứng chim.

Marcus Chown, tác giả quyển The Magic Furnace (Lò Luyện Thần Kì), đề xuất rằng không bao lâu sau Big Bang, các đám mây khí bắt đầu đông lại, sau đó vũ trụ bắt đầu sáng lên như cây Giáng sinh. Các sao này đã sống và qua đời trước khi thiên hà của chúng ta đi vào tồn tại.

Nhà thiên văn vật lí Stephen Hawking ước tính rằng nếu tốc độ giãn nở của vũ trụ lúc một giây sau Big Bang mà nhỏ đi cỡ một phần trăm nghìn triệu triệu lần, thì vũ trụ đã co trở lại và chẳng có sự sống thông minh nào có thể tiến hóa.

XEM THÊM. Nghịch lí Olbers (1823), Định luật Hubble về Sự giãn nở của Vũ trụ (1929), Vi phạm CP (1964), Phông nền Vi sóng Vũ trụ (1965), Lạm phát Vũ trụ (1980), Kính thiên văn Vũ trụ Hubble (1990), Vụ Xé Lớn Vũ trụ (36 Tỉ).

 Ảnh minh họa Big Bang

Ảnh minh họa Big Bang (điểm trên cùng). Thời gian diễn tiến từ trên xuống dưới. Vũ trụ trải qua một thời kì giãn nở nhanh ban đầu (đến chỗ đánh dấu hình cầu màu đỏ). Các sao đầu tiên xuất hiện sau khoảng 400 triệu năm (đánh dấu bằng quả cầu màu vàng).

250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí | Clifford A. Pickover
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm