Hiệp Khách Quậy Huyền thoại Archimedes dùng gương đốt thuyền giặc đã truyền cảm hứng cho các nhà sử học trong hàng thế kỉ. Vào năm 212 tCN, người ta kể rằng Archimedes đã dùng một bộ gương làm tập trung ánh sáng mặt trời chiếu một “tia chết chóc” lên thuyền bè La Mã, làm chúng bốc cháy. Nhiều cá nhân đã cố gắng thử... Xin mời đọc tiếp.
Gương đốt của Archimedes
212 tCN
Archimedes (khoảng 287 tCN – khoảng 212 tCN)
Huyền thoại Archimedes dùng gương đốt thuyền giặc đã truyền cảm hứng cho các nhà sử học trong hàng thế kỉ. Vào năm 212 tCN, người ta kể rằng Archimedes đã dùng một bộ gương làm tập trung ánh sáng mặt trời chiếu một “tia chết chóc” lên thuyền bè La Mã, làm chúng bốc cháy. Nhiều cá nhân đã cố gắng thử nghiệm sử dụng các gương như thế trên thực tế và quả quyết rằng việc sử dụng gương là không khả thi. Tuy nhiên, vào năm 2005 kĩ sư cơ học David Wallace đã khích lệ sinh viên của ông làm một bản sao bằng gỗ sồi của tàu chiến La Mã và làm tập trung ánh sáng mặt trời lên nó, sử dụng 127 cái gương phẳng, mỗi cái có chiều dài cạnh một foot (0,3 m). Con thuyền ở xa chừng 100 foot (30 m). Sau mười phút phơi ánh sáng tập trung, con tàu chiến đã bốc hỏa!
Vào năm 1973, một kĩ sư Hi Lạp đã sử dụng 70 gương phẳng (mỗi cái có kích cỡ 5 foot nhân 3 foot, hay 1,5 × 0,9 m) để tập trung ánh sáng mặt trời lên một thuyền chèo. Trong thí nghiệm này, con thuyền chèo nhanh chóng cháy ra tro. Tuy nhiên, trong khi có thể dùng gương làm cho con thuyền bốc cháy, song nhiệm vụ này có lẽ sẽ rất khó khăn cho Archimedes nếu như tàu thuyền đang chuyển động.
Lấy một câu chuyện bên lề, trong truyện ngắn của Arthur C. Clarke, “Một ca cảm nắng nhẹ”, có mô tả số phận của một vị trọng tài bóng đá bị tẩy chay. Khi vị trọng tài đưa ra một quyết định không vừa ý, các khán giả sẽ dùng các tấm chương trình lưu niệm sáng bóng họ đang cầm trên tay làm tập trung ánh sáng mặt trời lên vị trọng tài. Các bề mặt sáng bóng ấy tác dụng giống như gương của Archimedes, và vị trọng tài đáng thương kia bị thiêu thành tro.
Archimedes còn phát triển những vũ khí khác. Theo nhà sử học Hi Lạp Plutarch, vũ khí bắn đạn của Archimedes đã được sử dụng hiệu quả chống lại quân La Mã trong trận chiến năm 212 tCN. Ví dụ, Plutarch viết, “Khi Archimedes bắt đầu nạp đạn các cỗ máy của ông, ông lập tức cho bắn ra bất cứ vũ khí nào bắn được về phía quân địch trên bộ, cùng với những khối đá đồ sộ rơi xuống với tiếng ồn kinh khủng và tình trạng bạo lực vô cùng, không ai có thể trụ vững cho nổi; quân địch bị hạ gục chất lên nhau thành đống…”
Tranh khắc gỗ về gương đốt trích từ tác phẩm Các kì quan Quang học của F. Marion (1870).
Lò mặt trời lớn nhất thế giới ở Odeillo, Pháp. Một ma trận gương phẳng (không thấy trong hình) làm phản xạ ánh sáng mặt trời lên một gương cầu lớn, cái gương này làm hội tụ ánh sáng lên một diện tích nhỏ đạt tới nhiệt độ 3000oC (5430oF).
XEM THÊM. Sợi quang (1841), Pin Mặt Trời (1954), Laser (1960), Phòng không thể chiếu sáng (1969).
250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí | Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>