250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí (Phần 15)

Hiệp Khách Quậy Theo tác giả Douglas Hubbard, “Nhà thông thái đầu tiên của chúng ta đã làm công việc mà có lẽ nhiều người khác vào thời ông nghĩ là không thể nào được. Một người Hi Lạp cổ đại tên là Eratosthenes đã tiến hành phép đo có ghi chép đầu tiên về chu vi Trái Đất… [Ông] không hề sử dụng trang thiết bị chính... Xin mời đọc tiếp.

Eratosthenes đo Trái Đất

240 tCN

Eratosthenes xứ Cyrene (khoảng 276 tCN – khoảng 194 tCN)


 

Theo tác giả Douglas Hubbard, “Nhà thông thái đầu tiên của chúng ta đã làm công việc mà có lẽ nhiều người khác vào thời ông nghĩ là không thể nào được. Một người Hi Lạp cổ đại tên là Eratosthenes đã tiến hành phép đo có ghi chép đầu tiên về chu vi Trái Đất… [Ông] không hề sử dụng trang thiết bị chính xác, và chắc chắn ông không hề có laser và vệ tinh…” Tuy nhiên, Eratosthenes biết một cái giếng sâu đặc biệt ở Syene, một đô thành ở miền nam Ai Cập. Đáy giếng được rọi sáng toàn bộ bởi Mặt Trời đúng ngọ vào đúng một ngày trong năm, và đó là ngày Mặt Trời ở ngay phía trên giếng. Ông cũng biết được rằng, cùng thời gian ấy tại thành phố Alexandria, các vật đổ bóng, nên Eratosthenes nghĩ rằng Trái Đất hình cầu, chứ không phẳng. Ông giả định rằng các tia sáng Mặt Trời về cơ bản song song nhau, và ông biết rằng cái bóng lập một góc bằng 1/50 của vòng tròn. Từ đó, ông xác định được rằng chu vi Trái Đất phải xấp xỉ 50 lần khoảng cách đã biết giữa Alexandria và Syene. Các đánh giá về độ chuẩn xác của Eratosthenes không thống nhất với nhau, do việc đổi các đơn vị đo thời xưa của ông sang các đơn vị hiện đại, cùng với các yếu tố khác nữa, thế nhưng phép đo của ông thường rơi vào trong vài phần trăm của chu vi thực. Dĩ nhiên, ước tính của ông chính xác hơn các ước tính khác vào thời ấy. Ngày nay, chúng ta biết rằng chu vi Trái Đất tại xích đạo là khoảng 24.900 dặm (40.075 km). Lạ thay, nếu Colombus đã không phớt lờ các kết quả của Eratosthenes, từ đó đánh giá thấp chu vi Trái Đất, thì mục tiêu đi tới châu Á bằng cách giương buồm tây tiến có lẽ đã bị xem là một nhiệm vụ bất khả thi.

Eratosthenes sinh ra ở Cyrene (nay thuộc Lybia) và sau này là giám đốc Đại Thư viện Alexandria. Ông còn nổi tiếng vì đã sáng lập niên đại học khoa học (một hệ thống nỗ lực cố định ngày tháng cho các sự kiện theo những khoảng thời gian được chia tỉ lệ chính xác), đồng thời phát triển một thuật toán đơn giản để nhận ra các số nguyên tố (các số như 13, chỉ chia hết cho 1 và cho chính nó). Lúc về già, Eratosthenes bị mù và tuyệt thực đến chết.

Bản đồ của Eratosthenes về thế giới

Bản đồ của Eratosthenes về thế giới (phục dựng năm 1895). Eratosthenes đã đo chu vi Trái Đất mà không hề đi khỏi Ai Cập. Các học giả châu Âu cổ đại và trung đại tin rằng thế giới có dạng cầu, mặc dù họ không hề biết đến châu Mĩ.

XEM THÊM. Ròng rọc (230 tCN), Đo Hệ Mặt Trời (1672), Hiệu ứng Giọt Đen (1761), Thị sai sao (1838), Sự ra đời của Mét (1889).

250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí | Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm