Tìm thấy cực quang và đám mây bụi bí ẩn trên sao Hỏa

Hiệp Khách Quậy Phi thuyền vũ trụ MAVEN của NASA vừa quan sát thấy hai hiện tượng bất ngờ trong khí quyển Hỏa tinh: một đám mây bụi bí ẩn ở độ cao lớn và một cực quang tử ngoại rất sáng. Xin mời đọc tiếp.

Phi thuyền vũ trụ MAVEN của NASA vừa quan sát thấy hai hiện tượng bất ngờ trong khí quyển Hỏa tinh: một đám mây bụi bí ẩn ở độ cao lớn và một cực quang tử ngoại rất sáng.

Sự có mặt của đám mây bụi ở độ cao khoảng 150 km đến 300 km phía trên mặt đất Hỏa tinh là không được dự đoán trước, NASA cho biết.

Mặc dù nguồn gốc và thành phần của đám mây bụi chưa được biết rõ, nhưng nó không gây nguy hại gì cho MAVEN và các phi thuyền vũ trụ khác đang quay xung quanh Hỏa tinh.

Ảnh minh họa phi thuyền MAVEN đang quan sát cực quang trên sao Hỏa

Ảnh minh họa phi thuyền MAVEN đang quan sát cực quang trên sao Hỏa.

“Nếu đám mây bụi phát sinh từ khí quyển, thì điều này cho thấy chúng ta đang thiếu sót một quá trình căn bản nào đó trong khí quyển Hỏa tinh,” phát biểu của Laila Andersson thuộc Phòng thí nghiệm Khí quyển học và Vật lí Vũ trụ, Đại học Colorado, Mĩ.

Người ta chưa rõ đám mây đó là một hiện tượng nhất thời hay là cái gì đó tồn tại lâu dài. Mật độ đám mây lớn nhất ở cao độ thấp.

Tuy nhiên, ngay cả những vùng đậm đặc nhất thì nó vẫn rất mỏng.

Trước đây, không có dấu hiệu nào cho sự hiện diện của nó được nhìn thấy trong quan sát từ bất kì thiết bị nào khác của phi thuyền MAVEN.

Những nguồn gốc có thể có cho đám mây bụi bao gồm bụi thổi tung lên từ khí quyển; bụi đến Phobos và Deimos, hai vệ tinh của Hỏa tinh; bụi chuyển động trong gió mặt trời từ Mặt trời thổi đến; hay các mảnh vụn quay xung quanh Mặt trời rơi vãi từ các sao chổi.

Tuy nhiên, chẳng có quá trình nào đã biết trên Hỏa tinh có thể lí giải sự có mặt của bụi ở những địa điểm quan sát thấy từ bất kì nguồn nào trong số những nguồn này.

Quang phổ kế Ghi ảnh Tử ngoại (IUVS) của MAVEN đã quan sát thấy cái các nhà khoa học đặt tên là “ánh sáng Giáng sinh”. Chỉ 5 ngày trước hôm 25/12/2014, MAVEN đã chụp được một cực quang tử ngoại sáng rỡ trải ra trên bán cầu bắc của Hỏa tinh.

Cực quang, hiện tượng trên Trái đất còn được gọi là ánh sáng phương bắc hay ánh sáng phương nam, có nguyên nhân do các hạt năng lượng cao như các electron lao xuống bầu khí quyển và làm cho không khí phát sáng.

“Cái đặc biệt bất ngờ ở cực quang mà chúng tôi thấy là mức sâu trong khí quyển mà nó xuất hiện – sâu hơn nhiều so với trên Trái đất hay bất cứ nơi nào trên sao Hỏa,” phát biểu của Arnaud Stiepen, thành viên đội IUVS tại Đại học Colorado.

“Các electron tạo ra nó phải thật sự giàu năng lượng,” Stiepen nói.

Nguồn gốc của các hạt năng lượng cao đó có vẻ là Mặt trời. Thiết bị Hạt Mặt trời Năng lượng cao của phi thuyền MAVEN đã phát hiện một xung mạnh các electron năng lượng cao lúc bắt đầu xảy ra cực quang.

Hàng tỉ năm trước đây, Hỏa tinh đã mất đi từ trường bảo vệ toàn cầu giống như Trái đất chúng ta có, vì thế các hạt mặt trời có thể va chạm trực tiếp với bầu khí quyển, các nhà nghiên cứu cho biết.

Các electron tạo ra cực quang đó có năng lượng gấp khoảng 100 lần năng lượng của một tia lửa điện trong nhà bạn, thành ra chúng có thể xuyên sâu vào bầu khí quyển.

Phi thuyền MAVEN được phóng lên sao Hỏa vào năm 2013 để giúp tìm lời giải cho bí ẩn làm thế nào Hành tinh Đỏ đã mất đi phần lớn bầu khí quyển của nó và phần lớn nước của nó.

Theo New Indian Express

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm