Hiệp Khách Quậy Phần lớn nickel được khai thác trên Trái đất có lẽ đến từ những thiên thạch khổng lồ, một trong số chúng (được cho là bằng cỡ Núi Everest) đã lao xuống bang Ontario, Canada, hồi 1,8 tỉ năm trước. Các thiên thạch chứa sắt và nickel, và ít nhất 30% lượng nickel toàn cầu được khai thác ở vùng Sudbury, nơi... Xin mời đọc tiếp.
Số nguyên tử: 28
Kí hiệu nguyên tố: Ni
Trọng lượng nguyên tử: 58,6934
Màu sắc: trắng bạc
Pha: rắn
Phân loại: kim loại chuyển tiếp
Điểm nóng chảy: 1455oC
Điểm sôi: 2912oC
Cấu trúc tinh thể: lập phương tâm diện
Phần lớn nickel được khai thác trên Trái đất có lẽ đến từ những thiên thạch khổng lồ, một trong số chúng (được cho là bằng cỡ Núi Everest) đã lao xuống bang Ontario, Canada, hồi 1,8 tỉ năm trước. Các thiên thạch chứa sắt và nickel, và ít nhất 30% lượng nickel toàn cầu được khai thác ở vùng Sudbury, nơi thiên thạch Canada rơi xuống. Tuy nhiên, không phải toàn bộ lượng trầm tích nickel ở Sudbury đều nhất thiết đến từ thiên thạch, mà phần nhiều cũng có khả năng là chúng trồi lên từ lõi Trái đất. Nickel còn được khai thác ở Nga, Nam Phi, Australia, và Cuba.
Có bằng chứng nickel được sử dụng từ thời sơ khai trộn chung với sắt và được chế tác thành các dụng cụ và vũ khí. Tên gọi có xuất xứ từ tiếng Đức kupfernickel, nghĩa là “đồng của quỷ dữ” – hay chính xác hơn, “đồng của Thánh Nicholas”. Đây là tên gọi chỉ loại quặng màu nâu đỏ mà những người thợ khai thác đồng ở Đức tìm thấy. Họ có thể đã sử dụng nó ít nhiều ngoài việc dùng nó pha màu lục cho thủy tinh.
Các nhà khoáng vật học từng mong trích được đồng từ quặng đó, nhưng tiến bộ diễn ra ở Stockholm vào năm 1751, khi Axel Fredrik Cronstedt nghiên cứu một khoáng chất mới tìm thấy trong một quặng mỏ cobalt ở Los, Thụy Điển. Tuy nhiên, thay vì đồng, ông tìm thấy một kim loại chưa biết, chất đó ông cũng có thể tách ra từ kupfernickel. Nhiều nhà hóa học tin rằng Cronstedt đã tìm thấy một hợp kim, vì thế ông phải chờ thêm bốn năm thì khám phá nguyên tố nickel của ông mới được công nhận.
Nickel là một kim loại chuyển tiếp màu trắng bạc. Nó là một trong những kim loại được tái chế nhiều nhất trên thế giới và được dùng để đúc tiền ở nhiều quốc gia.
Ở dạng nguyên chất, nickel là một kim loại màu trắng bạc, bóng láng, dẻo, kháng oxy hóa. Nickel có vô số công dụng – từ công nghiệp ô tô và hàng không cho đến dao kéo và dụng cụ nấu ăn chúng ta sử dụng tại nhà. Nickel còn được sử dụng trong đúc tiền, xúc tác công nghiệp, và, vì nó có thể chịu được nhiệt độ cao, trong tuabin khí và động cơ tên lửa.
Các hợp kim khác của nickel có một số công dụng nổi trội: Hợp kim Inco 276 gồm 57% nickel và 16% chromium, 16% molybdenum, cộng với hàm lượng nhỏ các kim loại khác. Không giống như thép không rỉ, hợp kim này có thể chống ăn mòn từ khí hydrogen sulfide, và do đó nó thường được sử dụng ở những nơi chất khí này thường có mặt, ví dụ trong các giếng khoan sâu trong lớp vỏ Trái đất.
Nickel cần thiết cho một số sinh vật và mỗi người trung bình mỗi ngày cần 150 microgram nickel là đủ. Nếu bạn thưởng thức một tách trà thì chắc chắn bạn đã đáp ứng nhu cầu hằng ngày này rồi, vì lá trà sấy khô có chứa 7,6 milligram nickel trên mỗi kilogram.
Tuy nhiên, nickel cũng có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Việc hít thở trong bụi nickel có thể nguy hiểm và khí nickel carbonyl ở liều lượng nhỏ có thể gây chết người. Những rủi ro này phần lớn xảy ra với những ai làm việc trong mỏ nickel và ngành công nghiệp nickel. Nickel còn có thể gây sưng tấy da đối với những ai đặc biệt nhạy cảm với nó. Nickel trong đồng hồ thép không rỉ, đồ kim hoàn và gọng kính có thể gây ngứa và viêm da, tình trạng có thể tồi tệ thêm bởi acid trong mồ hôi hòa tan một phần nickel. Ở phương diện lạc quan, các sản phẩm chứa nickel có thể tái chế nhiều lần, khiến nickel là một trong những kim loại được tái chế nhiều nhất trên thế giới.
Trích The Periodic Table – Paul Parsons & Gail Dixson