Vật lí học và chiến tranh - Từ mũi tên đồng đến bom nguyên tử (Phần cuối)

Hiệp Khách Quậy Nhiều đột phá khoa học đã dẫn tới những phát triển quan trọng về vũ khí học, nhưng phát minh transistor thì không. Mọi dụng cụ điện tử ngày nay đều dùng transistor ở dạng này hay dạng khác, và sẽ khó có một hình thức vũ khí nào đó nếu không sử dụng điện tử ở hình thức này hay hình thức khác. Thời đại... Xin mời đọc tiếp.

TRANSISTOR, BỘ VI XỬ LÍ, VÀ MÁY VI TÍNH

Nhiều đột phá khoa học đã dẫn tới những phát triển quan trọng về vũ khí học, nhưng phát minh transistor thì không. Mọi dụng cụ điện tử ngày nay đều dùng transistor ở dạng này hay dạng khác, và sẽ khó có một hình thức vũ khí nào đó nếu không sử dụng điện tử ở hình thức này hay hình thức khác. Thời đại điện tử ra đời khoảng đầu thế kỉ hai mươi cùng với phát minh triode, hay ống chân không. Nó đem lại cho chúng ta radar và nhiều dụng cụ điện tử khác. Nhưng ở nhiều mặt nó mong manh dễ vỡ, và tương đối lớn. Tuy nhiên, khi John Bardeen, Walter Brattain, và William Shockley phát triển transistor tại Bell Lab vào cuối năm 1947, thế giới điện tử đã trải qua một cuộc cách mạng. Các radio nhỏ xíu, máy tính bỏ túi thuộc đủ kiểu loại, và sau đó là các máy vi tính công suất mạnh. Ngày nay, đa số transistor được tìm thấy trong các mạch tổ hợp, hay bộ vi xử lí, như chúng thường được gọi; tuy nhiên, chính phát minh transistor đã khởi động cuộc cách mạng điện tử.9

Transistor là một dụng cụ có khả năng khuếch đại, hay tắt mở, các tín hiệu điện tử nạp vào. Nó được phát triển bởi các nhà vật lí chất rắn. Như tên gọi cho thấy, vật lí chất rắn nghiên cứu các chất rắn. Và, như bạn biết rõ, chất rắn có nhiều biến thể khác nhau. Một số là chất dẫn điện tốt; một số khác là chất cách điện (không dẫn điện), và có một nhóm lưng chừng gọi là chất bán dẫn. Chất bán dẫn tỏ ra đặc biệt quan trọng do các chất rắn thuộc loại này có thể làm cho transistor hoạt động.

Để hiểu rõ hơn một chút, ta hãy nhìn vào cấu trúc nguyên tử của kim loại và chất bán dẫn. Ta sẽ bắt đầu với chất khí. Các nguyên tử của một chất khí gồm một hạt nhân cùng với một số electron xoáy tít xung quanh nó trong các mức năng lượng khác nhau. Giả sử ta thiết đặt áp suất lên chất khí đó hoặc hạ nhiệt độ của nó. Điều gì xảy ra với nó? Các nguyên tử bắt đầu chuyển động đến gần nhau hơn và cuối cùng chất khí biến thành chất lỏng khi các nguyên tử càng lúc càng gần nhau. Lúc này mức năng lượng của các nguyên tử sẽ hoàn toàn tách biệt, nhưng khi bạn tiếp tục thiết lập áp suất (hoặc hạ thấp nhiệt độ), chất lỏng trở thành chất rắn, và các mức năng lượng của từng nguyên tử bắt đầu chồng lấn nhau. Chúng sẽ tạo ra cái chúng ta gọi là các dải năng lượng, đó là những vùng liên tục của năng lượng.

Các dải năng lượng này hình thành chính xác như thế nào thì phụ thuộc vào vật liệu nhất định đó đang bị nén hay bị làm lạnh. Nếu bạn có thể nhìn kĩ hơn vào các mức năng lượng này, bạn sẽ thấy một số mức có chứa electron, và một số mức trống không. Cũng có khe trống giữa các dải. Ở đa số kim loại và chất bán dẫn, quả thật có hai dải chính cùng với một khe trống ở giữa chúng. Chúng được gọi là dải hóa trị và dải dẫn. Cỡ của khe trống giữa hai dải xác định chúng là kim loại, chất bán dẫn, hay chất cách điện.

Một dòng điện, như chúng ta đã thấy ở phần trước, là một nhóm electron đang chuyển động trong mạng tinh thể do các nguyên tử kim loại hoặc chất bán dẫn tạo nên. Trên thực tế, các electron nhảy từ nguyên tử này sang nguyên tử kia. Tuy nhiên, để chuyển động trong mạng tinh thể, chúng phải có đủ năng lượng để chiến thắng “khe năng lượng”. Nói cách khác, bằng cách nào đó chúng phải thu đủ năng lượng để nhảy từ dải hóa trị sang dải dẫn. Chất bán dẫn có khe tương đối nhỏ, vì thế chẳng tốn bao nhiêu năng lượng cho các electron trong dải hóa trị nhảy lên dải dẫn. Các chất dẫn điện như đồng, mặt khác, có khe rất nhỏ hoặc không có, và các electron chảy rất dễ dàng khi có một điện áp đặt vào.

Dải dẫn và dải hóa trị

Dải dẫn và dải hóa trị. Lưu ý khe trống ở giữa chúng. EF được gọi là các mức Fermi.

Hai chất bán dẫn quan trọng nhất, trong chừng mực mà các hệ thống điện tử quan tâm, là germanium và silicon. Cái khiến các chất bán này đặc biệt giá trị là chúng có thể “pha tạp” các nguyên tử tạp chất như boron và phosphorus. Các nguyên tử tạp chất hoặc thiếu hoặc thừa electron hóa trị (electron hóa trị chịu trách nhiệm cho sự dẫn điện của các nguyên tố). Pha tạp là quá trình chèn thêm các tạp chất này, làm xuất hiện các mức năng lượng mới bên trong khe trống, hoặc ngay bên dưới dải dẫn hoặc ngay phía trên dải hóa trị. Các mức nằm ngay bên dưới dải dẫn được tạo ra bởi các nguyên tử tạp chất cho; các mức nằm ngay phía trên dải hóa trị được tạo ra bởi các nguyên tử tạp chất nhận. Chất bán dẫn pha tạp chất cho (donor) được gọi là loại n. Chất bán dẫn pha tạp chất nhận (acceptor) được gọi là loại p. Khi một electron nhảy lên một mức acceptor, nó để lại một “lỗ trống” trong dải hóa trị, và lỗ trống này tác dụng như một electron dương.10

Dải dẫn và dải hóa trị

Sơ đồ mức năng lượng của một chất bán dẫn với electron trong các mức acceptor và các lỗ trống trong dải hóa trị.

Được trang bị những thông tin này, Bardeen và Brattain bắt đầu tìm cách sử dụng chất bán dẫn trong điện tử. Một trong những dụng cụ điện tử đơn giản nhất lúc ấy là máy chỉnh lưu – một dụng cụ chỉ cho phép dòng điện chạy theo một chiều. Hạ quyết tâm xét khả năng chế tạo một máy chỉnh lưu dùng chất bán dẫn, họ tìm thấy một thứ còn hấp dẫn hơn nữa: một hình thức khuếch đại đơn giản. Khuếch đại là làm tăng cường tín hiệu; có thể là tăng dòng điện, điện áp, hoặc công suất. Trong các thí nghiệm của họ, Bardeen và Brattain thu được sự khuếch đại dòng điện và công suất nhưng không thu được sự khuếch đại điện áp. Dụng cụ đầu tiên của họ sử dụng các tiếp xúc điểm trên bề mặt của chất bán dẫn.

Bardeen và Brattain tiếp tục cải tiến dụng cụ của họ, nhưng có một vài vướng mắc với các đầu tiếp xúc. Một trong những vấn đề chủ yếu là có một lớp bề mặt trên chất bán dẫn hình như đang gây trở ngại. William Shockley, người chỉ đạo nhóm, lúc này tham gia nhiều hơn. Ông đề xuất rằng một cấu trúc bán dẫn ba lớp sẽ hoạt động suôn sẻ như thế và sẽ đơn giản hơn. Nói ngắn gọn, đây sẽ là các lớp tiếp xúc p-n đặt quay lưng vào nhau thành một dụng cụ dạng p-n-p hoặc n-p-n, cái ngày nay chúng ta gọi là transistor.

Có thể lập một số kết nối với mỗi transistor; thông thường một tín hiệu input qua hai kết nối được khuếch đại và tín hiệu output thu được qua hai kết nối kia. Theo năm tháng, kích cỡ của transistor cứ nhỏ dần; bởi thế, ngày nay chúng được tích hợp vào các mạch điện rất nhỏ thuộc đủ thể loại. Chúng sớm trở thành dụng cụ trọng yếu cho máy vi tính, và với công nghệ phát triển, chúng ngày càng trở nên nhỏ hơn nữa. Bởi thế, máy vi tính cũng trở nên rất nhỏ.

Cuối cùng, đa số transistor được tích hợp vào các mạch điện tí hon gọi là bộ vi xử lí. Các bánh xốp tí hon bắt đầu chứa hàng trăm, rồi hàng nghìn và thậm chí hàng trăm nghìn transistor tí hon và các linh kiện điện tử khác. Và thật bất ngờ, khi bộ vi xử lí trở nên nhỏ hơn chúng cũng trở nên đáng tin cậy hơn. Ngày nay, đúng theo nghĩa đen là có hàng tỉ transistor có thể đặt vào một bộ vi xử lí nhỏ xíu. Bởi thế, máy vi tính thuộc đủ kiểu hiện diện xung quanh chúng ta ở rất nhiều hình thức đa dạng, và chúng đã cách mạng hóa các vũ khí chiến tranh. Chúng được tìm thấy trong xe tăng, máy bay, tên lửa dẫn đường, tên lửa, nhiều loại súng, và hầu hết mọi loại bom.

VỆ TINH VÀ MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI

Chúng ta thường không nghĩ vệ tinh là vũ khí chiến tranh, và cho đến nay chúng chưa tham vào chiến đấu trực tiếp, mặc dù trên lí thuyết chúng có thể được trang bị nhiều kiểu vũ khí, bao gồm laser đủ kiểu loại, vũ khí chùm hạt, và cả tên lửa. Như ta đã thấy ở phần trước, Sputnik được Liên Xô phóng lên vào năm 1957. Explorer 1, vệ tinh Mĩ đầu tiên, được phóng lên vào năm sau đó, nhưng trong mấy năm liền nước Mĩ bị Liên Xô dẫn trước về công nghệ không gian. Mặc dù vệ tinh đã được sử dụng cho nhiều mục đích thương mại, bao gồm truyền hình liên lục địa, truyền dẫn điện thoại đường dài, dự báo thời tiết, dẫn đường GPS, nhưng một trong những công dụng trọng yếu chúng là do thám, và chúng ta hướng sự chú ý của mình sang các vệ tinh do thám.

Trong mấy năm sau Sputnik, cả Mĩ và Liên Xô đều phóng vệ tinh để do thám. Ban đầu, các vệ tinh do thám thu dữ liệu rồi ghi vào các hộp nhỏ từ đó khôi phục thông tin. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc thì radio được dùng làm phương tiện thu hồi thông tin. Loạt vệ tinh do thám đầu tiên do nước Mĩ phóng lên vào năm 1959 có tên là Corona. Kể từ đó, một số lượng lớn vệ tinh do thám đã được khởi động, khi các kĩ thuật do thám ngày càng trở nên phức tạp hơn. Nhiều quốc gia khác, bao gồm Israel, Anh, Pháp, Đức, và Ấn Độ, ngày nay đều phóng vệ tinh do thám riêng của họ.

Bầu trời ngày nay tràn ngập vệ tinh do thám, phần lớn quay trên đầu ở độ cao một trăm đến hai trăm dặm. Chúng chuyển động xấp xỉ 17.500 dặm trên giờ, chụp ảnh nhanh hàng triệu thứ mà bên quân đội và Cục Tình báo Trung ương quan tâm. Trên thực tế, chúng là các camera kĩ thuật số khổng lồ hướng về phía Trái Đất. Mọi người đã nghe nói tới những khám phá bất ngờ của Kính thiên văn Vũ trụ Hubble, với cái gương khổng lồ của nó. Nhưng hóa ra, ngày nay nước Mĩ có các kính thiên văn trên vệ tinh lớn và mạnh như Hubble, chỉ có điều là chúng hướng về Trái Đất. Chúng được gọi là vệ tinh do thám loại Keyhole (KH), và chúng cung cấp các ảnh chụp phân giải rất cao; trên thực tế, chúng có thể phân giải các vật xuống tới năm hoặc sáu inch.11

Thế nhưng độ phân giải cao chưa phải đặc tính duy nhất của chúng. Các vệ tinh mới ngày nay có thể chụp ảnh stereo (ảnh liên tiếp ở một góc hơi khác), với sự hỗ trợ của máy vi tính, chúng có thể đem lại các hình ảnh ba chiều. Ngoài ra còn thu được ảnh chụp vô tuyến và ảnh chụp hồng ngoại. Ảnh hồng ngoại đặc biệt hữu ích vì nó cho phép camera nhìn xuyên qua các đám mây và dùng cả vào ban đêm. Hơn nữa, việc thu thập do thám ngày nay trở nên tinh vi và nhanh đến mức một radio hay điện thoại di động có thể khoanh vùng và định vị hầu như tức thì, và mệnh lệnh định vị của chủ sở hữu chúng có thể được xử lí trong vòng vài phút.

Trên thực tế, đa số vệ tinh ngày nay có chứa các máy vi tính nhanh, đắt tiền, có thể xử lí những lượng dữ liệu đồ sộ trong một phần nhỏ của một giây. Dữ liệu này có thể truyền nhanh xuống một trung tâm điều hành trên mặt đất.

Ngoài vệ tinh, máy bay không người lái cũng được sử dụng rộng rãi ngày nay. Chúng thường được gọi là drone. Drone được sử dụng rộng khắp trong chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Hai mẫu chủ yếu được Mĩ sử dụng là MQ-1 Thú Săn Mồi và MQ-9 Thần Chết (nhưng các mẫu khác cũng được sử dụng). Chúng được gọi là UAV (thiết bị bay không người lái) hoặc RPV (phương tiện lái từ xa). Và rõ ràng chúng đang làm thay đổi bản chất của giao chiến trên không hiện đại và giao chiến nói chung. Tất nhiên, ưu điểm chính của chúng là người phi công không còn chịu nguy hiểm. Tuy vậy, máy bay vẫn có thể giáng đòn thiệt hại đáng kể cho phe địch. Một ưu điểm quan trọng nữa là chúng rẻ tiền hơn nhiều so với máy bay chiến đấu thông thường. Thú săn mồi chỉ dài khoảng hai mươi bảy foot.12

“Phi công” của các drone này thường ở xa hàng nghìn dặm. Đối với các máy bay không người lái dùng ở Iraq, Afghanistan, và Pakistan, người phi công thường làm việc tại một trại quân sự ở nước Mĩ, tại đó anh ta hoặc cô ta ngồi trước một màn hình hiển thị những gì mà một phi cộng trên máy bay bình thường sẽ thấy, và điều khiển drone đó như thể đang ngồi trong “buồng lái” của nó. Hơn nữa, phi công còn có thể giao tiếp với binh lính trên mặt đất bên dưới drone. Đặc biệt, anh ta hoặc cô ta cung cấp cho họ thông tin về vị trí và năng lực của quân địch.

Một drone thú săn mồi

Một drone thú săn mồi.

Đa số drone nhỏ hơn rất nhiều so với máy bay chiến đấu, và chúng không được trang bị tốt như thế. Drone thú săn mồi thường có hai vũ khí, vì chúng chủ yếu được dùng để do thám; tuy nhiên, Thần Chết thì được trang bị tên lửa. Tuy nhiên, người Anh đang thiết kế một mẫu họ gọi là Taranis, nó sẽ kích cỡ ngang với chiến cơ. Nó sẽ được trang bị vài loại vũ khí, và nó có khả năng tự phòng thủ trước sự tấn công từ máy bay khác. Không lực Israel cũng có các máy bay không người lái gọi là Hermes 450, chúng được trang bị tên lửa. Nhiều nước có drone sử dụng Sperwer, được sản xuất ở Pháp. Nó có khả năng bay liên tục trong mười hai giờ, và nó được trang bị các dụng cụ điện-quang trong đó có cảm biến hồng ngoại và radar; nó còn mang theo tên lửa và vũ khí chống tăng.

CÁC VŨ KHÍ CHIẾN TRANH CỦA TƯƠNG LAI

Bạn phải nhìn sang khoa học viễn tưởng mới thấy hết mọi kiểu vũ khí của tương lai. Thế có bao nhiêu trong số chúng là thực tế hay dù là khả thi? Một vài trong số chúng rốt cuộc sẽ được sử dụng trong chiến tranh, còn phần đa thì không. Ta hãy xét một số vũ khí tương lai có thể một ngày nào đó sẽ rời khỏi bản phác thảo mà đi vào cuộc sống.

Một trong những món vũ khí hấp dẫn nhất được gọi là bom-e, và mặc dù nó có thể huy diệt một nền văn minh, nhưng nó không sát thương. Ý tưởng về một loại bom như thế lần đầu xuất hiện vào năm 1960 khi những quả bom khinh khí đầu tiên ra đời. Một trong những hiện tượng đo được là cường độ của xung điện từ do vụ nổ sinh ra. Các nhà khoa học sớm xác định được rằng xung này được cảm nhận ở một cự li rất xa – xa vụ nổ đến chín trăm dặm. Hơn nữa, vụ nổ còn gây tổn hại cho sự vận hành của trang thiết bị trên máy bay ở xa nhiều dặm.13

Thoạt đầu các nhà khoa học không chú ý nhiều đến mối nguy hiểm gắn liền với xung điện từ được sinh ra đó. Nhưng họ tự hỏi nó được sinh ra như thế nào. Và họ sớm có câu trả lời. Trong một vụ nổ hạt nhân, số lượng lớn tia gamma được sinh ra, và đến lượt chúng, tia gamma tạo ra các electron tốc độ cao, một phần trong số chúng bị bắt giữ trong từ trường của Trái Đất. Các electron này gây ra điện trường và từ trường mạnh, từ đó gây ra các dòng điện và điện áp cực cao trong bất kì thiết bị điện hay điện tử nào. Tóm lại, mọi thiết bị điện tử đều bị phá hủy bởi các xung này, bao gồm mọi máy vi tính, thiết bị truyền thông, và điện thoại, cùng với các hệ thống điện trong ô tô, máy bay, và vân vân. Một vụ nổ như thế có thể mang xã hội đến chỗ chững lại và gây thiệt hại hàng tỉ đô la.

Giới quân sự đã và đang tìm cách tạo ra các xung điện từ nhanh nhưng cực mạnh. Sẽ thật bất tiện nếu phải cho nổ một quả bom nguyên tử để tạo ra chúng, và thật vậy chúng có thể được tạo ra tương đối dễ dàng mà chẳng cần đến bom. Tất cả những gì cần thiết là một ít thuốc nổ gói vào bên trong của một cuộn dây đồng lớn. Thời khắc trước khi nổ, cuộn dây phải được cấp năng lượng bằng một dải tụ điện để tạo ra từ trường. Vụ nổ gây ra ngắn mạch di chuyển, thành ra làm nén từ trường. Kết quả là một xung điện cường độ mạnh tức thì truyền từ dụng cụ ra mọi hướng.

Xung điện lan ra từ một dụng cụ như thế có thể làm tê liệt phần lớn nước Mĩ. Nếu được kích nổ ở độ cao 250 dặm phía trên một bang trung tâm như Kansas, nó có thể phá hủy toàn bộ trang bị điện tử và dụng cụ điện tử trong hầu hết nước Mĩ.

Có cách nào phòng thủ trước một hệ thống như thế không? Thật ra, người ta có thể che chắn các hệ thống điện tử, nhưng các lá chắn như thế thật tốn kém, và chúng không còn khả năng thực tiễn trong nhiều năm.

Còn các hệ thống khác thì sao? Ở phần trước, chúng ta đã nói về laser tia X, và đã có sự nghiên cứu đáng kể nhằm phát triển chúng. Tuy nhiên, có một vướng mắc nghiêm trọng với khái niệm trên, khi so với laser quang học hay vi sóng. Thời gian sống của các electron kích thích mà nó tạo ra là rất ngắn, và có những khó khăn trong việc chế tạo gương phản xạ tia X. Bởi vậy, các chùm laser tia X thường có tính kết hợp kém, và thật khó giải quyết vấn đề này. Giải pháp tốt nhất có vẻ như là sử dụng plasma ion hóa cao làm môi trường hoạt tính. Ý tưởng này cho thấy một số hứa hẹn, nhưng cho đến nay các vũ khí hiệu nghiệm sử dụng laser tia X vẫn chưa được chế tạo.

Một tiếp cận khác tương tự như vậy là sử dụng các chùm nguyên tử hay hạt hạ nguyên tử năng lượng cao làm vũ khí. Tất nhiên, các chùm hạt như thế được tạo ra mỗi ngày trên khắp thế giới. Chúng là các chùm hạt được tạo ra bởi máy gia tốc thuộc đủ chủng loại, bao gồm cyclotron và máy gia tốc thẳng. Công nghệ gắn liền với máy gia tốc hạt, tất nhiên, đã được biết rõ. Các hạt thường được gia tốc là electron, neutron, positron, proton, và các nguyên tử ion hóa. Các hạt tích điện khó tập trung và giữ trong một chùm hẹp vì chúng đẩy lẫn nhau, vì thế hạt tốt nhất để làm vũ khí sẽ là neutron. Các chùm hạt thuộc loại này có một vài ưu điểm. Thứ nhất, các hạt chuyển động ở tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng. Thứ hai, chúng có thể được tạo ra với năng lượng rất cao. Nghiên cứu về những chùm hạt như thế hiện đang diễn ra ở một vài nơi, trong đó có phòng thí nghiệm Chùm Ion tại Căn cứ Không quân Kirtland.

Trở lại với những vũ khí ít mới lạ hơn, các nhà nghiên cứu cũng đang phát triển các súng phóng lựu rất phức tạp. Súng phóng lựu XM25 được trang bị một ống ngắm laser và một máy tính tích hợp. Nó được thiết kế sao cho lựu đạn có thể được chùm laser dẫn hướng đến mục tiêu. Sau đó lựu đạn sẽ nổ giữa lưng chừng không ngay phía trước mục tiêu.15 “Đạn thông minh” có lẽ cũng đang trên đường hoàn thiện. Đây là những viên đạn linh động trong khi bay và được điều khiển bằng một hệ thống dẫn hướng. Chúng sẽ đặc biệt hiệu nghiệm nếu mục tiêu đang di chuyển.16

Các robot thuộc đủ kiểu loại cũng được xem là vũ khí khả dĩ trong nhiều năm qua. Chúng đã được chứng minh là hữu ích trong việc làm sạch quặng mỏ. Tuy nhiên, Hệ thống Robot Trang bị Modul Tiên tiến (MAARS®) đang được khai thác thương mại bởi QinetiQ North America, là một thiết bị mặt đất không người lái được điều khiển từ xa. Nó có tích hợp camera, detector chuyển động, microphone, và một vài dụng cụ khác. Nó di chuyển bằng các bánh xích liên tục, kiểu giống như trên xe tăng, và nó có thể được triển khai cho các mục đích trinh sát, do thám, và thu thập mục tiêu. Nó cũng có thể mang theo một hệ thống vũ khí.17

Cuối cùng, một vũ khí khả dĩ khác đáng được nhắc tới ở đây, mặc dù nó trông có vẻ như xa vời. Trước đây ta đã thấy rằng máy bay không người lái và vệ tinh đang được dùng để do thám và cho các mục đích khác. Trông có vẻ lạ, nhưng người ta đang phát triển các bộ cảm biến có thể giải mã các sóng điện tử trong não người. Một vệ tinh hay máy bay không người lái được trang bị một dụng cụ như vậy một ngày nào đó sẽ có thể “đọc suy nghĩ” của kẻ thù trên chiến trường.

Một số vũ khí khả dĩ này của tương lai trông cứ như sản phẩm của trí tưởng tượng thuần túy, nhưng hãy hình dung một chiến binh của Đế quốc Ba Tư sẽ cảm thấy thế nào nếu anh ta được nghe nói về súng hỏa mai dùng trong Cuộc chiến Ba Mươi Năm. Một người lính của Napeleon sẽ nghĩ gì nếu được nghe nói về máy bay có vũ trang và tàu ngầm của Thế chiến I? Đối với người dân Nagasaki và Hiroshima thì rõ ràng bom nguyên tử là thứ quái gở, mãi cho đến tháng Tám 1945, khi các vụ nổ nguyên tử bất ngờ biến tất cả thành hiện thực. Bởi sự hiểu biết không ngừng tăng lên của chúng ta về các định luật của tự nhiên, loài người đã học cách chế tạo vũ khí có sức hủy diệt ngày càng lớn hơn. Khi các nhà vật lí tiếp tục mở rộng vốn hiểu biết của chúng ta, hầu như chắc chắn các vũ khí chiến tranh của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển. Niềm hi vọng rất lớn cho thế kỉ hai mươi mốt và về sau là thay vì tăng cường tính chém giết của chiến tranh, sự tiến bộ như thế sẽ thúc đẩy phát triển các vũ khí chính xác, không sát thương cuối cùng sẽ cho phép giải quyết các xung đột mà không gieo rắc chết chóc như đã từng xảy ra quá phổ biến trong thế kỉ hai mươi.

Vật lí học và chiến tranh
Barry Parker - Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

TẢI XUỐNG EBOOK

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm