Hiệp Khách Quậy Vũ trụ có một thiết kế, và một quyển sách cũng thế. Nhưng không giống như vũ trụ, một quyển sách không xuất hiện tự phát từ hư vô. Một quyển sách cần có những người sáng tạo ra nó, và vai trò đó không rơi hoàn toàn lên vai của những tác giả của nó. Xin mời đọc tiếp.
Chú giải
Baryon • một loại hạt sơ cấp, như proton hoặc neutron, cấu tạo gồm ba quark.
Biên độ xác suất • trong lí thuyết lượng tử, một con số phức có giá trị tuyệt đối bình phương cho biết xác suất.
Big Bang • sự khởi đầu đậm đặc, nóng bỏng của vũ trụ. Lí thuyết Big Bang cho rằng khoảng 13,7 tỉ năm về trước, một phần của vũ trụ mà chúng ta có thể thấy ngày nay có bề ngang chỉ vài mili mét. Ngày nay, vũ trụ rộng lớn hơn và lạnh lẽo hơn rất nhiều, nhưng chúng ta có thể quan sát tàn dư của thời kì sơ khai đó trong bức xạ nền vi sóng vũ trụ thấm đẫm toàn bộ không gian.
Boson • một hạt sơ cấp mang lực.
Các định luật biểu kiến • các định luật của tự nhiên mà chúng ta quan sát thấy trong vũ trụ của chúng ta – các định luật của bốn lực và các thông số như khối lượng và điện tích đặc trưng cho hạt sơ cấp – trái với các định luật cơ bản hơn của lí thuyết M cho phép những vũ trụ khác nhau với những định luật khác nhau.
Chuẩn hóa lại • một kĩ thuật toán học tạo nên ý nghĩa của những vô hạn phát sinh trong các lí thuyết lượng tử.
Đa vũ trụ • một tập hợp vũ trụ.
Điểm kì dị • một điểm trong không-thời gian tại đó một đại lượng vật lí trở nên vô hạn.
Điều kiện không biên giới • yêu cầu rằng những lịch sử của vũ trụ là những mặt khép kín không có ranh giới.
Electron • một hạt vật chất sơ cấp có điện tích âm và là nguyên nhân gây ra tính chất hóa học của các nguyên tố.
Fermion • một hạt sơ cấp loại vật chất.
Hằng số vũ trụ học • một tham số trong các phương trình Einstein mang lại cho không-thời gian một khuynh hướng dãn nở cố hữu.
Không-thời gian • một không gian toán học có các điểm được đặc trưng bởi các tọa độ không gian lẫn thời gian.
Lí thuyết dây • một lí thuyết vật lí trong đó các hạt được mô tả dưới những hình ảnh dao động có chiều dài nhưng không có chiều cao hoặc chiều rộng – giống như những sợi dây mỏng, vô hạn.
Lí thuyết M • một lí thuyết vật lí cơ bản là một ứng cử viên cho lí thuyết của tất cả.
Lỗ đen • một vùng không-thời gian, do lực hấp dẫn hết sức lớn của nó, tách biệt khỏi phần còn lại của vũ trụ.
Lực điện từ • lực mạnh thứ hai trong bốn lực của tự nhiên. Nó tác dụng giữa những hạt mang điện.
Lực hạt nhân mạnh • lực mạnh nhất trong bốn lực của tự nhiên. Lực này giữ các proton và neutron bên trong hạt nhân của nguyên tử. Nó cũng giữ bản thân các proton và neutron, cái cần thiết vì chúng vẫn được cấu tạo từ những hạt nhỏ bé hơn, đó là các quark.
Lực hạt nhân yếu • một trong bốn lực của tự nhiên. Lực yếu là nguyên nhân gây ra sự phóng xạ và giữ vai trò thiết yếu trong sự hình thành của các nguyên tố trong các ngôi sao và vũ trụ sơ khai.
Lực hấp dẫn • lực yếu nhất trong bốn lực của tự nhiên. Nó là phương tiện mà nhờ đó các vật có khối lượng hút lẫn nhau.
Meson • một loại hạt sơ cấp cấu tạo gồm một quark và một phản quark.
Neutrino • một hạt sơ cấp cực kì nhẹ chỉ bị ảnh hưởng bởi lực hạt nhân yếu và lực hấp dẫn.
Neutron • một loại baryon trung hòa điện cùng với proton tạo thành hạt nhân của nguyên tử.
Những lịch sử khác • một dạng thức của thuyết lượng tử trong đó xác suất của một quan sát bất kì được xây dựng từ mọi lịch sử khả dĩ có thể dẫn tới quan sát đó.
Nguyên lí bất định Heisenberg • một định luật của lí thuyết lượng tử phát biểu rằng những cặp tính chất vật lí nhất định không thể nào được biết đồng thời với độ chính xác tùy ý.
Nguyên lí nhân sinh • quan niệm rằng chúng ta có thể đưa ra những kết luận về những định luật vật lí biểu kiến dựa trên thực tế là chúng ta tồn tại.
Nguyên tử • đơn vị cơ bản của vật chất bình thường, gồm một hạt nhân với các proton và neutron, bao xung quanh bởi các electron quỹ đạo.
Pha • một vị trí trong chu kì của một sóng.
Phản vật chất • mỗi hạt vật chất có một phản hạt tương ứng. Nếu chúng gặp nhau, chúng hủy lẫn nhau, để lại năng lượng thuần túy.
Photon • một boson mang lực điện từ. Một hạt lượng tử của ánh sáng.
Phương pháp từ dưới lên • trong vũ trụ học, một quan niệm xây dựng trên giả định rằng có một lịch sử đơn nhất của vũ trụ, với một điểm xuất phát rõ ràng, và trạng thái của vũ trụ ngày nay là một sự phát triển của sự khởi đầu đó.
Phương pháp từ trên xuống • cách tiếp cận vũ trụ học trong đó người ta lần theo các lịch sử của vũ trụ “từ trên xuống”, nghĩa là đi ngược thời gian từ hiện tại.
Proton • một loại baryon tích điện dương cùng với neutron tạo nên hạt nhân nguyên tử.
Quark • một hạt sơ cấp có điện tích phân số chịu tương tác mạnh. Proton và neutron có cấu tạo gồm ba quark.
Siêu hấp dẫn • một lí thuyết của lực hấp dẫn của một loại đối xứng gọi là siêu đối xứng.
Siêu đối xứng • một loại đối xứng tinh tế không thể đi cùng với một phép biến đổi của không gian bình thường. Một trong những hàm ý quan trọng của siêu đối xứng là các hạt lực và các hạt vật chất, và do đó lực và vật chất, chỉ là hai mặt của cùng một thứ.
Thiên hà • một hệ thống lớn gồm các sao, vật chất giữa các sao, và vật chất tối, liên kết với nhau bằng lực hấp dẫn.
Thuyết lượng tử • một lí thuyết trong đó các hạt không có một lịch sử rạnh ròi.
Tự do tiệm cận • một tính chất của lực mạnh làm cho nó yếu hơn ở những khoảng cách ngắn. Vì thế, mặc dù các quark được liên kết trong hạt nhân bằng lực mạnh, nhưng chúng có thể chuyển động bên trong hạt nhân cứ như thể chúng không bị lực nào tác dụng.
Vật lí cổ điển • bất kì lí thuyết vật lí nào trong đó vũ trụ được cho là có một lịch sử đơn nhất, rõ ràng.
Vụ nổ lớn • xem Big Bang.
Lời cảm ơn
Vũ trụ có một thiết kế, và một quyển sách cũng thế. Nhưng không giống như vũ trụ, một quyển sách không xuất hiện tự phát từ hư vô. Một quyển sách cần có những người sáng tạo ra nó, và vai trò đó không rơi hoàn toàn lên vai của những tác giả của nó. Vì thế, trước tiên và trước hết, chúng tôi muốn cảm tạ và cảm ơn các biên tập viên Beth Rashbaum và Ann Harris, vì sự kiên nhẫn gần như vô hạn của họ. Họ là học trò của chúng tôi khi chúng tôi cần học trò, là sư phụ của chúng tôi khi chúng tôi cần sư phụ, và là người khích lệ chúng tôi khi chúng tôi cần sự khích lệ. Họ mắc cạn trong mớ bản thảo, và vui vẻ biên tập, dù sự thảo luận tập trung vào nơi đặt dấu phẩy hay là không thể nhúng một mặt cong âm đối xứng trục vào một không gian phẳng. Chúng tôi cũng muốn cảm ơn Mark Hillery, người đã đọc nhiều bản thảo và cung cấp tài liệu có giá trị; Carole Lowenstein, người đã làm việc vất vả để thiết kế các trang trong; David Stevenson, người thiết kế trang bìa; và Loren Noveck, người đã tỉ mỉ dò sửa bản in của chúng tôi. Đến Peter Bollinger: cảm ơn rất nhiều vì đã mang nghệ thuật đến với khoa học trong những hình minh họa của bạn, và vì sự cần cù của bạn nhằm đảm bảo tính chính xác của từng chi tiết. Và đến Sidney Harris: Cảm ơn những hình hoạt họa tuyệt vời của bạn, và cảm ơn sự nhạy cảm lớn của bạn trước những vấn đề mà các nhà khoa học đang đối mặt. Trong một vũ trụ khác, bạn có thể là một nhà vật lí. Chúng tôi cũng cảm tạ các nhân viên Al Zuckerman và Susan Ginsburg, vì sự ủng hộ và khích lệ của họ. Nếu có hai câu nói cửa miệng của họ, thì đó là “Đã đến lúc hoàn thành tập sách rồi”, và “Đừng lo đến khi nào anh mới làm xong, trước sau gì cũng xong mà”. Họ có đủ sáng suốt để biết họ đang nói gì. Và cuối cùng, xin dành riêng sự cảm tạ cho trợ lí riêng của Stephen, Judith Croasdell; trợ lí máy tính của ông, Sam Blackburn; và Joan Godwin. Họ không chỉ ủng hộ tinh thần, mà còn ủng hộ kĩ thuật và vật chất mà nếu không có chúng, chúng tôi không thể viết tập sách này. Còn nữa, họ luôn biết những quán rượu ngon nhất nằm ở chỗ nào.
Tác giả
Stephen Hawking là giáo sư toán học tại trường Đại học Cambridge trong ba mươi năm qua, và là người nhận vô số giải thưởng và vinh dự cao quý, trong số đó gần đây nhất có Huy chương Tự do. Những quyển sách của ông viết cho công chúng gồm Lược sử thời gian, bộ sưu tập bài luận Lỗ đen và Vũ trụ sơ sinh, Vũ trụ trong một vỏ hạt, và Lược Lược sử thời gian.
Leonard Mlodinow là nhà vật lí tại Caltech là và tác giả best-seller của Bước chân người say: Sự ngẫu nhiên chi phối cuộc sống của chúng ta như thế nào; Cửa sổ Euclid: Câu chuyện hình học từ những đường song song đến siêu không gian; Cầu vồng Feynman: Đi tìm cái đẹp trong vật lí và trong cuộc sống, và Lược Lược sử thời gian. Ông còn viết cho Star Trek: Thế hệ tiếp theo. Ông sống ở Nam Pasadena, California.
CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐỒNG HÀNH CÙNG CHÚNG TÔI VỚI TẬP SÁCH NÀY. HẸN GẶP LẠI CÁC BẠN Ở NHỮNG ĐỀ ÁN KHÁC.
Thiết kế vĩ đại
Stephen Hawking & Leonard Mlodinow
<< Phần trước | Hết