Hiệp Khách Quậy ... Xin mời đọc tiếp.
“Tôi nghĩ ngài nên rõ ràng hơn ở đây trong bước hai”.
Con người có ý thức hay không? Nếu chúng ta có ý thức, thì trong cây tiến hóa, nó đã phát triển ở chỗ nào? Tảo lục-lam hoặc vi khuẩn có ý thức không, hay hành vi của chúng là tự động và nằm trong phạm vi của quy luật khoa học? Có phải chỉ những sinh vật đa bào mới có ý thức, hay chỉ có ở loài thú thôi? Chúng ta có thể nghĩ rằng một con tinh tinh đang rèn luyện tư duy khi nó chọn nhai một quả chuối, hoặc một con mèo khi nó cào rách sofa nhà bạn, nhưng còn một loài sâu có tên gọi là Caenorhabditis elegans – một sinh vật đơn giản cấu tạo chỉ từ 959 tế bào – thì sao? Có lẽ nó chưa bao giờ suy nghĩ, “Đó là con vi khuẩn hương vị quá tệ mà ta từng xơi ở đó”, nhưng nó cũng có một sự ưa chuộng rõ ràng về thức ăn và nó sẽ hoặc là cố nuốt bữa ăn chẳng ngon lành gì đó, hoặc đấu tranh đi tìm cái tốt hơn, tùy thuộc vào kinh nghiệm gần nhất của nó. Đó có phải là bài tập ý thức không?
Mặc dù chúng ta cảm thấy rằng chúng ta có thể chọn lấy cái mình làm, nhưng kiến thức của chúng ta về cơ sở sinh học phân tử cho thấy các quá trình sinh học bị chi phối bởi những định luật vật lí và hóa học, và do đó được xác định giống như quỹ đạo của các hành tinh. Những thí nghiệm gần đây về khoa học thần kinh ủng hộ quan điểm rằng chính não bộ vật chất của chúng ta, tuân theo những định luật khoa học đã biết, xác định hành động của chúng ta, chứ không phải những tác dụng nào nằm ngoài những định luật đó. Thí dụ, một nghiên cứu về những bệnh nhân trải qua phẫu thuật não nhận thức nhận thấy rằng bằng cách kích thích điện những vùng thích hợp của não, người ta có thể tạo ra ở người bệnh niềm mong muốn cử động cánh tay, bàn tay, hoặc bàn chân, hoặc cử động lưỡi và nói chuyện. Thật khó mà tưởng tượng ý thức có thể hoạt động như thế nào nếu hành vi của chúng ta được xác định bởi quy luật vật lí, vì thế chúng ta dường như chẳng gì hơn là những cỗ máy sinh học và ý thức chỉ là một ảo giác.
Trong khi thừa nhận rằng hành vi con người thật sự được xác định bởi các quy luật của tự nhiên, cái cũng có vẻ hợp lí là hãy kết luận rằng kết cục được xác định theo một kiểu phức tạp và với quá nhiều biến cho nên không thể nào dự đoán trên thực tế. Vì như thế người ta sẽ cần phải biết trạng thái ban đầu của mỗi một trong hàng nghìn nghìn nghìn tỉ tỉ phân tử trong cơ thể con người và đi giải ngần ấy số phương trình. Công việc đó sẽ mất vài ba tỉ năm, vậy là đã khá muộn cho chú vịt khi mà người đối diện đã ngắm nòng súng săn rồi.
Vì việc sử dụng các định luật vật lí cơ bản để dự đoán hành vi con người là phi thực tế, nên chúng ta chấp nhận cái gọi là lí thuyết tác dụng. Trong vật lí học, một lí thuyết tác dụng là một khuôn khổ tạo ra để lập mô hình những hiện tượng nhất định đã quan sát thấy mà không mô tả chi tiết mọi quá trình cơ sở ẩn đằng sau. Thí dụ, chúng ta không thể giải chính xác những phương trình chi phối tương tác hấp dẫn của mỗi nguyên tử trong cơ thể một con người với mỗi nguyên tử trong trái đất. Nhưng trong mọi mục đích thực tế, lực hấp dẫn giữa một người và trái đất có thể được mô tả theo chỉ vài ba con số, thí dụ như khối lượng tổng cộng của người đó. Tương tự như vậy, chúng ta không thể giải những phương trình chi phối hành trạng của những nguyên tử và phân tử phức tạp, nhưng chúng ta đã phát triển một lí thuyết tác dụng gọi là hóa học cung cấp lời giải thích đầy đủ của cách thức các nguyên tử và phân tử hành xử trong những phản ứng hóa học mà không tính đến từng chi tiết của những tương tác. Trong trường hợp con người, vì chúng ta không thể giải những phương trình xác định hành vi của chúng ta, cho nên chúng ta sử dụng lí thuyết tác dụng rằng con người có ý thức. Nghiên cứu ý thức của chúng ta, và nghiên cứu hành vi phát sinh từ nó, là nhiệm vụ của khoa học tâm lí học. Ngành kinh tế học cũng có một lí thuyết tác dụng, dựa trên quan điểm ý thức cộng với giả thiết rằng con người đánh giá những kiểu hành động của mình và chọn ra cái tốt nhất. Lí thuyết tác dụng đó chỉ thành công khiêm tốn trong việc dự đoán hành vi vì, như chúng ta đều biết, các quyết định thường không dựa trên lí trí hoặc dựa trên sự phân tích thiếu sót của những hệ quả của sự chọn lựa đó. Đó là nguyên do vì sao thế giới lại hỗn loạn như thế.
Câu hỏi thứ ba là vấn đề các định luật xác định vũ trụ và hành vi con người có là một hay không. Nếu câu trả lời của bạn cho câu hỏi thứ nhất là Chúa đã sáng tạo ra các định luật, thì câu hỏi này bật ra là Chúa có bất kì sự ưu tiên nào trong việc chọn lựa chúng hay không? Cả Aristotle và Plato đều tin, giống như Descartes và Einstein sau này, rằng các nguyên lí của tự nhiên tồn tại bên ngoài “cái tất yếu”, nghĩa là vì chúng chỉ là những nguyên tắc mang lại ý nghĩa lô gic. Do niềm tin của ông vào nguồn gốc lô gic của các định luật tự nhiên, nên Aristotle và những người ủng hộ ông cảm thấy rằng người ta có thể “suy ra” những định luật đó mà không phải đặt nhiều chú ý xem tự nhiên thật ra hành xử như thế nào. Niềm tin đó, và sự tập trung lí giải vì sao vạn vật tuân theo các quy luật thay vì đi tìm bản chất của các quy luật, khiến ông định tính các quy luật chủ yếu thường là không đúng, và trong mọi trường hợp không tỏ ra hữu ích cho lắm, mặc dù chúng thật sự thống trị tư duy khoa học trong nhiều thế kỉ. Mãi rất muộn sau này thì những người như Galileo mới dám thách thức uy lực của Aristotle và quan sát xem tự nhiên thật sự đã làm gì, thay vì thuần túy “lí giải” vì sao nó phải hành xử như thế.
Quyển sách này bén rễ trong khái niệm quyết định luận khoa học, hàm ý rằng câu trả lời cho câu hỏi thứ hai là không có phép thần kì, hay các ngoại lệ đối với các quy luật của tự nhiên. Tuy nhiên, chúng ta sẽ trở lại giải đáp những câu hỏi sâu sắc thứ nhất và thứ ba, vấn đề các định luật đã phát sinh như thế nào và chúng có là những định luật khả dĩ hay không. Nhưng trước hết, trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét vấn đề các định luật tự nhiên mô tả cái gì. Đa số các nhà khoa học sẽ nói rằng chúng là sự phản ánh toán học của một thực tại bên ngoài tồn tại độc lập với người quan sát. Nhưng khi chúng ta cân nhắc cách thức chúng ta quan sát và hình thành những khái niệm về những cái xung quanh chúng ta, thì chúng ta vấp phải câu hỏi, chúng ta thật sự có lí do để tin rằng thực tại khách quan tồn tại hay không?
Thiết kế vĩ đại
Stephen Hawking & Leonard Mlodinow
Trần Nghiêm dịch