Stephen Hawking kể chuyện viết sách Lược sử thời gian

Hiệp Khách Quậy Lần đầu tiên tôi có ý tưởng viết một cuốn sách phổ biến kiến thức về vũ trụ là vào năm 1982. Dự tính của tôi một phần là để có chút tiền đóng học phí cho đứa con gái. Nhưng lí do chính là tôi muốn giải thích chúng ta đã tiến được bao xa trên con đường nhận thức vũ trụ: chúng ta đã tiến gần như thế nào... Xin mời đọc tiếp.

  • Stephen Hawking

Lần đầu tiên tôi có ý tưởng viết một cuốn sách phổ biến kiến thức về vũ trụ là vào năm 1982. Dự tính của tôi một phần là để có chút tiền đóng học phí cho đứa con gái. Nhưng lí do chính là tôi muốn giải thích chúng ta đã tiến được bao xa trên con đường nhận thức vũ trụ: chúng ta đã tiến gần như thế nào đến chỗ tìm thấy một lí thuyết hoàn chỉnh sẽ mô tả vũ trụ và mọi thứ bên trong nó.

Stephen Hawking

Nhà vật lí lí thuyết Stephen Hawking, ảnh chụp khoảng năm 1988. Ảnh: TopFoto/The Image Works

Nếu tôi đã dành thời gian và công sức viết một cuốn sách, tôi muốn nó có càng nhiều độc giả càng tốt. Tôi liên hệ với một vị đại lí xuất bản và gửi cho anh ta bản thảo của chương đầu tiên, giải thích rằng tôi muốn nó thuộc loại sách sẽ được bày bán trong các cửa hàng sách tại sân bay. Anh ta bảo tôi không có chuyện đó đâu. Nó có thể bán chạy cho giới trí thức và sinh viên, nhưng một cuốn sách như thế không thể xếp vào hàng bán chạy nhất (best-seller) được.

Tôi gửi cho vị đại lí bản thảo đầu tiên của cuốn sách vào năm 1984. Anh ta gửi nó cho vài nhà xuất bản, và tôi quyết định nhận lời mời từ Bantam Books. Hãng Bantam quan tâm có lẽ là do một trong các biên tập viên của họ, Peter Guzzardi, một người làm việc rất nghiêm túc và anh ta đã yêu cầu tôi viết lại quyển sách để nó dễ hiểu đối với những người không chuyên. Mỗi lần tôi gửi cho anh ta một chương được viết lại, anh ta gửi lại cho tôi một danh sách dài những phản đối và thắc mắc. Đã có những lúc tôi nghĩ quá trình đó sẽ không bao giờ có hồi kết. Nhưng anh ta đã đúng: Kết quả là một cuốn sách đã tốt hơn nhiều.

Tôi cam đoan rằng hầu như mọi người ai cũng quan tâm chuyện vũ trụ vận hành như thế nào, nhưng đa số mọi người không thể theo dõi các phương trình toán học. Tôi không quan tâm nhiều đến bản thân các phương trình. Đây một phần là vì tôi thấy khó khăn khi viết chúng, nhưng chủ yếu vì tôi không có một sự cảm nhận trực giác với các phương trình. Thay vậy, tôi nghĩ theo nghĩa trực quan, và mục tiêu của tôi trong cuốn sách này là mô tả những hình ảnh trực quan đó bằng lời, với sự hỗ trợ của những cái tương tự quen thuộc và một vài sơ đồ hình ảnh.

Tuy nhiên, cho dù tôi đã tránh sử dụng toán học, nhưng một số khái niệm sẽ vẫn khó giải thích. Ở đây phát sinh một vấn đề: Liệu tôi có nên cố giải thích chúng và có nguy cơ làm mọi người mơ hồ, hoặc tôi có nên nói nhanh qua những khó khăn đó không? Một số khái niệm không quen thuộc là không thiết yếu cho bức tranh mà tôi muốn vẽ, nhưng những khái niệm khác thì cần thiết lắm.

Một khái niệm như thế là cái gọi là “lấy tổng các lịch sử”. Đây là khái niệm không chỉ có riêng một lịch sử cho vũ trụ. Thay vậy, có một tập hợp mọi lịch sử khả dĩ cho vũ trụ, và toàn bộ những lịch sử này đều xác thực như nhau (cho dù như thế có nghĩa là gì chăng nữa). Khái niệm kia, cái cần thiết để khái niệm thứ nhất có ý nghĩa toán học, là lấy tổng thời gian ảo.

Ngẫm lại, bây giờ tôi thấy mình nên tập trung cố gắng hơn vào việc giải thích hai khái niệm rất khó này, nhất là thời gian ảo, đó là chỗ trong quyển sách khiến độc giả gặp vướng mắc nhất. Nhưng đâu thật sự cần thiết phải hiểu chính xác thời gian ảo là cái gì – chỉ cần biết nó khác với cái chúng ta gọi là thời gian thật là đủ rồi.

Khi cuốn sách gần được xuất bản vào năm 1988, một nhà khoa học nhận được một bản sao để viết bài đăng giới thiệu trên tạp chí Nature đã thất kinh vì thấy nó gồm đầy sai sót, với vô số hình ảnh và sơ đồ bị gán nhãn sai. Ông gọi cho nhà xuất bản, nơi cũng thất hồn không kém và quyết định trong nội ngày hôm ấy phải rà soát và sửa lại toàn bộ bản in. (Các bản sao của bản gốc đầu tiên bây giờ có lẽ khá có giá trị.) Tuy nhiên, cuốn sách đã ra mắt trên các kệ cửa hàng sách đúng ngày Cá tháng tư. Lúc ấy, tạp chí Time đã đăng một bài giới thiệu sơ lược về tôi.

Nhà xuất bản đã bất ngờ trước nhu cầu mua sách. Nó lọt vào danh sách best-seller của tờ New York Times trong 147 tuần và lọt vào danh sách best-seller của tờ London Times trong kỉ lục 237 tuần. Cuốn sách đã được dịch sang 40 thứ tiếng, và đã bán hết hơn 10 triệu bản trên toàn thế giới.

Tựa đề ban đầu của tôi là “Từ Vụ nổ Lớn đến Các lỗ đen: Một Lược sử Thời gian” (From the Big Bang to Black Holes: A Short History of Time), nhưng biên tập viên của tôi, Peter Guzzardi, đã chỉnh sửa một chút, và đổi “Short” thành “Brief”. Đó là một chiêu hay của người giỏi và đã góp phần vào sự thành công của cuốn sách. Đã có nhiều “lược sử” thuộc loại này và kể từ đó, và thậm chí cả "A Brief History of Thyme."

Tại sao có nhiều người mua sách như vậy? Thật khó cho tôi nói một cách khách quan, nên tôi sẽ nói theo những gì mà người khác nói. Tôi thấy phần lớn các nhận xét, mặc dù yêu thích, nhưng hơi làm mờ đi hình ảnh tác giả. Họ có xu hướng tuân theo một công thức:

Stephen Hawking bị bệnh Lou Gehrig (thuật ngữ dùng trong các bản đánh giá của người Mĩ) hoặc chứng liệt thần kinh vận động (trong các bản đánh giá của người Anh). Ông bị dính chặt vào một chiếc xe lăn, không thể nói chuyện, và chỉ có thể di chuyển X số ngón tay (trong đó X hình như biến thiên từ một đến ba, theo bài báo không chính xác lắm mà người ta viết về tôi). Nhưng ông ta đã viết cuốn sách này nói về câu lớn nhất trong tất cả: Chúng ta đã từ đâu đến và chúng ta đang đi về đâu?

Câu trả lời mà Mr. Hawking đưa ra là vũ trụ không tự sinh ra cũng không tự mất đi: Nó chỉ là vũ trụ mà thôi. Để xây dựng quan niệm này, Mr. Hawking đã đưa ra khái niệm thời gian ảo, cái tôi (tức là người nhận xét) thấy có chút khó theo dõi. Tuy nhiên, nếu Mr. Hawking là đúng và chúng ta thật sự tìm thấy một lí thuyết thống nhất hoàn chỉnh, thì chúng ta thật sự sẽ “biết được suy nghĩ của Chúa”. (Trong bản in, tôi gần như đã cắt hết câu cuối đó của cuốn sách. Nếu tôi mà cắt hết thì số lượng sách bán ra đã giảm đi một nửa.)

Sâu sắc hơn một chút là một bài báo đăng trên báo Anh Independent viết rằng thậm chí một tác phẩm khoa học nghiêm túc như “Lược sử thời gian” cũng có thể trở thành sách thờ tự. Tôi hơi tự mãn một chút khi có sách được sánh với “Thiền và Nghệ thuật Bảo dưỡng Mô tô”. Tôi hi vọng rằng, giống như “Thiền”, cuốn sách sẽ mang đến cho mọi người cảm giác rằng họ không nhất thiết phải gạt bỏ những câu hỏi trí tuệ và triết lí lớn lao.

Rõ ràng chuyện người ta quan tâm tôi đã làm thế nào trở thành một nhà vật lí lí thuyết bất chấp tình trạng bệnh tật đã giúp tăng số lượng sách bán ra. Nhưng những ai mua sách từ góc độ này có lẽ đã thất vọng, bởi vì nó chỉ đề cập đôi ba dòng đến tình trạng của tôi. Cuốn sách được dự định là một lịch sử của vũ trụ, chứ không phải tiểu sử của tôi.

Cũng có lẽ nhiều người mua sách là để trưng trên giá sách hoặc bàn uống cà phê, chứ không thật sự đọc nó. Tôi đảm bảo chuyện này là có xảy ra, nhưng tôi thật sự biết có ít nhất một số người đã cày với “Lược sử thời gian”. Cho đến tận bây giờ, mỗi ngày tôi nhận về cả chồng thư, nhiều người nêu câu hỏi hoặc đưa ra những bình luận chi tiết cho thấy người viết đã có đọc cuốn sách, cho dù họ chưa hiểu hết về nó.

Trần Nghiêm dịch, theo The Wall Street Journal

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm